Quốc hội thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội
Cập nhật: 03/11/2020
Ngành tổ chức xây dựng Đảng TP.HCM cần tham mưu triển khai hiệu quả sắp xếp tổ chức bộ máy
Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Bộ Công an nhận HC Chiến công hạng Ba
(VOV5) -Quỹ tiền tệ thế giới dự báo năm 2020, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 khu vực ASEAN.
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 3/11, tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2020, kế hoạch năm 2021, mục tiêu chính và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch năm 2021. - Ảnh: Quốc Khánh/baotainguyenmoitruong.vn |
Các đại biểu Quốc hội cho rằng trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng nhờ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ nên nền kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2020 thặng dư gần 17 tỷ USD. 8/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 dự kiến đạt và vượt kế hoạch. Quỹ tiền tệ thế giới dự báo năm 2020, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 khu vực ASEAN.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Thành phố Hà Nội) phát biểu. - Ảnh: baochinhphu.vn |
Năm 2020, tăng trưởng GDP dự báo ở mức từ 2 đến 3% trong khi nhiều nước trên thế giới tăng trưởng kinh tế âm. Để phục hồi nền kinh tế, ông Nguyễn Văn Chiến, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nêu giải pháp: “Tôi đề nghị giải quyết tốt vốn, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời hoàn hoàn chỉnh chính sách an sinh xã hội, kích cầu phát triển du lịch thời hậu COVID-19. Một số mục tiêu cụ thể cũng đã được đưa ra, đó là tăng trưởng GDP giai đoạn 2021 - 2025 từ 6 - 6,5%/năm. Tuy mức đặt ra khá cao nhưng hoàn toàn có thể đạt được bởi kinh tế toàn cầu khi đó dần phục hồi”.
Các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý tập trung đầu tư khoa học công nghệ để phát triển kinh tế, tiếp tục quan tâm an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa… Nhìn lại tình hình thiên tai vừa qua gây hậu quả nghiêm trọng ở miền Trung, các đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần định vị cách tiếp cận mới trong chiến lược phát triển. Ông Hoàng Đức Thắng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng rừng hiện nay, tình hình phát triển các thủy điện nhỏ, nhất là ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên để có các giải pháp căn cơ và lâu dài về môi trường, về khả năng chống chịu mưa bão, lũ lụt. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai kịp thời, xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc phòng chống thiên tai đồng bộ, quy hoạch lại vùng bố trí dân cư vùng miền núi bị ảnh hưởng sạt lở đất, lũ lụt, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn ở các cấp”.
Tham gia phiên thảo luận ngày 3/11, một số thành viên Chính phủ đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội cũng làm rõ một số vấn đề liên quan.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Quốc hội, kinh tế, xã hội, GDP, chiến lược phát triển
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5