"Quốc hội cần đánh giá tình trạng trẻ em đi ăn xin"
Cập nhật: 27/05/2020
VOV.VN - Đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung vào báo cáo giám sát làm rõ tình trạng trẻ em ăn xin hiện nay, đánh giá mức độ, tác hại đến trẻ em.
Đây là một trong nhiều nội dung được đại biểu đặt ra khi thảo luận về Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, ngày 27/5.
Trẻ đi ăn xin có bị xâm hại?
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng, trong thực tế có một nhóm đối tượng trẻ em rất cần được bảo vệ, đó là trẻ em ăn xin. Bởi đây cũng sẽ là nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại bởi các hành vi xâm hại tình dục, bắt cóc, mua bán người, đối mặt với nguy cơ lớn lên không có việc làm, thất nghiệp và thậm chí có thể sa vào các tệ nạn xã hội.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) |
Tuy nhiên, trong báo cáo giám sát chưa định danh chỉ rõ hành vi xâm hại đối với trẻ em ăn xin cũng như chưa xác định rõ các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến nội dung này. Mức xử phạt với hành vi “ngược đãi trẻ em vì mục đích trục lợi, tổ chức ép buộc đi ăn xin” từ 10 triệu cho đến 15 triệu” là rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Dẫn ví dụ một người phụ nữ lam lũ bế một đứa trẻ đi ăn xin ngày này qua tháng nọ và nhiều người thương cảm, nhưng nữ đại biểu đặt vấn đề: Người phụ nữ này liệu có phải thật sự là mẹ đẻ của đứa trẻ hay không? Liệu đứa trẻ này có phải là nạn nhân của xâm hại, ngược đãi? Cơ quan nào, ai sẽ trả lời nội dung này? Và người phụ nữ có vi phạm pháp luật hay không? Rất khó trong việc định danh, xác định.
Dư luận xã hội cho rằng có các tổ chức, các đường dây chuyên tổ chức quản lý chăn dắt ăn xin với thủ đoạn tinh vi và thực tế báo chí từng phản ánh nhiều trường hợp. Tuy nhiên, thống kê thời gian qua chỉ mới xử lý được 6/2009 vụ việc liên quan đến lao động trẻ em nói chung. Vậy vấn đề đặt ra phải chăng pháp luật hiện hành chưa đủ để có thể xem xét, xử lý các hành vi nêu trên, hay chúng ta chưa thực sự đánh giá đúng, đầy đủ về mức độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi này và chưa đủ quyết tâm cao để xử lý triệt để bằng pháp luật hình sự?
Từ phân tích trên, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung làm rõ về tình trạng trẻ em ăn xin hiện nay, đánh giá tính chất, mức độ, tác hại đến trẻ em. Cùng với đó bổ sung các giải pháp, giao trách nhiệm cụ thể cho ngành công an, chính quyền địa phương trong quản lý địa bàn, không để xảy ra tình trạng trẻ em bị lạm dụng, xâm hại cũng như cưỡng bức lao động thông qua hình thức đi ăn xin. Với trẻ em khó khăn thực sự thì cần có sự hỗ trợ vì tương lai các em.
Đại biểu đoàn Bình Định cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu pháp điển hóa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan; bổ sung những quy định pháp luật đủ mạnh.
Sự việc xảy ra mới "mắt tròn, mắt dẹt"
Đại biểu Ksor Phước Hà (đoàn Gia Lai) thì cho rằng, con số hiện có chỉ là “tảng băng nổi”. Bởi thực tế những diễn biến liên quan đến loại tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp hơn với các loại đối tượng, các phương thức, thủ đoạn mà pháp luật chưa nhận diện được. Các hành vi như quay lén, nhìn lén hoặc bắt trẻ em nhìn vào bộ phận sinh dục với hình thức trực tiếp hoặc qua mạng hay nơi công cộng khá nhiều nhưng gần như không bị trừng trị. Các hành vi nói chuyện dâm ô hoặc dụ dỗ sex với trẻ em không có quy định cụ thể nên hầu như không được xử lý.
Đại biểu Ksor Phước Hà (đoàn Gia Lai) |
Theo đại biểu Ksor Phước Hà, trong các trường học, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số thì hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục kỹ năng cho trẻ em còn mang tính hình thức, đối phó trên giấy tờ. Ngay đến cha mẹ, thầy cô giáo dục giới tính cho con em mình còn không dám nói đúng ngôn ngữ về sinh học mà cứ “cái ấy”, “chỗ đó”.
Bản thân trẻ không được tiếp thu kiến thức về giới tính, về pháp luật, không biết bản thân mình được pháp luật bảo vệ như thế nào, kỹ năng được huấn luyện chỉ là không được đi với người lạ, không được để người lạ đụng vào người,... nhưng cuối cùng rất nhiều vụ xâm hại là từ người thân và người quen.
“Bản thân người lớn chúng ta cũng nhận thức không đúng và chưa đầy đủ về các hành vi xâm hại, cứ nghĩ hành vi hiếp dâm được cấu thành mới là tổn thương. Nhưng thực tế, hậu quả của hành vi dâm ô và bị hiếp dâm nặng, nhẹ ai có thể cân đo, đong đếm? Dạy các cháu mà đến việc sử dụng ngôn ngữ về sinh học còn không dám nói thì sao có thể cho cháu kỹ năng để tự bảo vệ mình?” – nữ đại biểu đặt vấn đề.
Đề cập nhóm trẻ ở các trường nội trú, các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở tôn giáo, đại biểu cho rằng, nhiều vụ việc nghiêm trọng kéo dài được phanh phui thì toàn xã hội mới “mắt tròn, mắt dẹt”, xem như đó là hồi chuông cảnh báo vì nơi đó được nghĩ là an toàn.
“Các địa phương, các cơ quan, ban ngành, tổ chức xã hội và các cơ quan chức năng xác định trách nhiệm của mình ở đâu và chúng ta làm gì để công tác phòng ngừa đối với loại tội phạm ở những nơi được xem là nơi an toàn này được thực sự quan tâm đúng mức? Phải chăng vì “cha chung không ai khóc” nên mới để xảy ra những hậu quả thời gian qua?” – đại biểu Ksor Phước Hà băn khoăn./.
Từ khóa: Chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em, QUốc hội giám sát tối cao, trẻ em ăn xin, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN