Quốc hội bắt đầu kỳ họp bất thường để xem xét nhiều nội dung cấp bách
Cập nhật: 2 giờ trước
9 lãnh đạo công an cấp phòng, cấp huyện tại Quảng Ninh xin nghỉ hưu trước tuổi
Việt Nam ủng hộ và thực hiện các cam kết đối với Công ước 2005 của UNESCO
VOV.VN - Kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra từ 12 - 19/2. Quốc hội làm việc cả ngày thứ Bảy để xem xét, quyết định hàng loạt nội dung quan trọng, cấp bách, trong đó có chính sách phục vụ sắp xếp tinh gọn bộ máy, kiện toàn nhân sự.
Theo chương trình, sáng nay 12/2, sau phiên họp trù bị để biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội bắt đầu phiên khai mạc vào 8h.
Trong những ngày qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã làm việc liên tục để xem xét các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần này.
Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 luật, 5 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị; xem xét, quyết định nhiều nội dung khác thuộc thẩm quyền, gồm cả công tác nhân sự.
Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; các dự thảo nghị quyết về tổ chức các cơ quan của Quốc hội và số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra còn có dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Quốc hội cũng sẽ ban hành nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Hàng loạt nội dung quan trọng khác cũng được Quốc hội xem xét, quyết định: Chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035; chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận...
Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên; nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)… cũng được xem xét.
Quốc hội cũng tiến hành công tác nhân sự để kiện toàn một số chức danh sau sắp xếp tổ chức bộ máy Quốc hội và Chính phủ.
Theo phương án sắp xếp, Quốc hội còn Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban, tức giảm 2 cơ quan thuộc Quốc hội. Trong đó, đổi tên và nâng cấp 2 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ban Dân nguyện thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội; Ban Công tác đại biểu thành Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ. Trong đó lập 6 bộ mới và giữ nguyên 8 bộ. So với trước sắp sếp, Chính phủ giảm 4 bộ và 1 cơ quang ngang bộ.
Trong quá trình diễn ra Kỳ họp có bố trí UBTVQH họp xem xét quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền: xem xét, thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; các nghị quyết về số lượng và phê chuẩn danh sách thành viên các cơ quan chuyên môn của Quốc hội khóa XV.
Từ khóa: kỳ họp bất thường, kỳ họp bất thường lần thứ 9, quốc hội, nhân sự, sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức quốc hội, tổ chức chính phủ, chính quyền địa phương
Thể loại: Nội chính
Tác giả: pv/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN