Quốc gia muốn phát triển thành công phải bắt đầu từ xây dựng văn hóa

Cập nhật: 11/12/2021

VOV.VN - PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hậu cho rằng, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế là cách thức tối ưu để các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển.

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại quan điểm cốt lõi của Đảng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”.

Quan điểm này phản ánh một thực tế có tính quy luật là mọi quốc gia phát triển đều xây dựng trên nền tảng tinh thần là văn hóa, đều hướng đến một xã hội có văn hóa cao; do vậy, mọi quốc gia muốn phát triển thành công đều phải bắt đầu từ việc xây dựng văn hóa.

Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước… Đó là những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa đã được nhắc lại rất nhiều lần.

Văn hóa không phải chỉ để trang trí cho kinh tế

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nguyên nhân của việc văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế có thể nằm trong đặc thù của đối tượng văn hóa. Kinh tế thuộc về vật chất, nó rất cụ thể, rõ ràng; còn văn hóa thuộc về tinh thần, rất mơ hồ, khó nắm bắt.

“Trong khi văn hóa mơ hồ và trừu tượng nên có vẻ xa xôi thì kinh tế lại sát sườn, là cơm ăn áo mặc hằng ngày. Kết quả là trên thực tế, văn hóa thường chỉ được dùng làm vật trang trí cho kinh tế. Kinh tế mới là cái nằm trong tâm điểm của sự chú ý. Trong 23 văn kiện cơ bản của Đảng giai đoạn 1991-2013, trong khi từ “văn hóa” được sử dụng 463 lượt (chiếm 28%), thì từ “kinh tế” được sử dụng tới 1.171 lượt (chiếm 72%), nhiều hơn “văn hóa” gấp trên 2,5 lần. Ngay trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII, trong khi từ “văn hóa” được sử dụng 97 lần, thì từ “kinh tế” được sử dụng tới 206 lần, nhiều hơn “văn hóa” gấp trên 2,1 lần”, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm phân tích.

Cũng theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, việc văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế thể hiện ngay trong cơ cấu của bộ máy tổ chức: Trong hệ thống các ban Đảng Trung ương, trong khi về kinh tế có riêng một Ban Kinh tế Trung ương làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong mọi việc về kinh tế thì văn hóa chỉ là hai chữ rất khiêm tốn trong một chuỗi 19 lĩnh vực mà Ban Tuyên giáo Trung ương đảm trách. Trong hệ thống các bộ thì lĩnh vực kinh tế bao trùm lên rất nhiều bộ/ngành: chuyên về kinh tế ít nhất có sáu bộ và cơ quan ngang bộ (Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước). Trong khi văn hóa chỉ chiếm 1/3 công việc của một bộ (2/3 còn lại quản lý về thể chất và một lĩnh vực kinh tế). Như vậy, cách nói “văn hóa trong kinh tế” và “kinh tế trong văn hóa” trên thực tế chỉ mới thể hiện được một chiều.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trước đây, khi đề cập mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, quan điểm phổ biến được nhiều người đồng thuận là: văn hóa là lĩnh vực tinh thần thuần túy, phi sản xuất, phi lợi nhuận. Với quan điểm như vậy, khi bàn về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, đương nhiên sẽ chỉ nhìn thấy một chiều, kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy văn hóa phát triển. Còn về chiều ngược lại, tác động của văn hóa đối với kinh tế, nếu có, sẽ chỉ giới hạn ở vai trò văn hóa cổ vũ cho sự phát triển kinh tế, văn hóa là thứ hoa lá cành trang trí cho cỗ máy công nghiệp.

Tuy nhiên, từ khi Đảng lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới, tư duy về văn hóa, về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế đã có sự thay đổi. Vai trò của văn hóa đối với sự phát triển nói chung, đối với phát triển kinh tế nói riêng đã được nhìn nhận một cách toàn diện và thấu đáo hơn.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hậu cho rằng, giữa văn hóa và kinh tế có mối quan hệ mật thiết, quy định lẫn nhau. Kinh tế phát triển sẽ tạo nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy cho văn hóa phát triển; và ngược lại, văn hóa phát triển cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Mọi quá trình phát triển của các quốc gia đều phải chú ý đến cả hai yếu tố này; nếu chỉ chú ý đến một trong hai yếu tố thì sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Hay nói cách khác, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế là cách thức tối ưu để các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển.

Để văn hóa là động lực cho sự phát triển kinh tế

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hậu, sự hiện diện và thẩm thấu của văn hóa trong các hoạt động kinh tế ngày càng sâu rộng hơn. Với tư cách là động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa đã tham gia điều tiết và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nhiều phương diện, đó là hệ giá trị văn hóa điều tiết các hoạt động kinh tế theo hướng nhân văn, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

“Vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế không chỉ dừng lại ở vị thế của những nguồn lực tinh thần, tham gia điều tiết, định hướng, thúc đẩy phát triển kinh tế, mà văn hóa còn là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế. Thực tế đã chứng minh rằng rất nhiều các lĩnh vực văn hóa nếu được khai thác hợp lý sẽ có khả năng đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế quốc dân. Phát triển công nghiệp văn hóa chính là sự lựa chọn hiệu quả cho hướng phát triển này”,  PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hậu nhấn mạnh.

Với tư cách là động lực của phát triển, văn hóa góp phần tạo dựng môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế. Ở đó, con người có điều kiện và cơ hội để phát huy năng lực sáng tạo, chủ động tham gia tích cực vào đời sống kinh tế. Đồng thời, một môi trường văn hóa lành mạnh sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển nền kinh tế thị trường văn minh, đẩy lùi các tiêu cực và tệ nạn xã hội.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hậu cho rằng, văn hóa không chỉ là động lực gián tiếp mà văn hóa còn là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế. Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang mang lại kỳ vọng vào một hướng phát triển nhanh, bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thay vì khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn như nhiều ngành nghề khác, ngành công nghiệp văn hóa khai thác nguồn tài nguyên vô hạn là sức sáng tạo của con người. Công nghiệp văn hóa chính là một biểu hiện tập trung của sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế trong phát triển.

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, việc xây dựng văn hóa theo nghĩa rộng và nhất là xây dựng con người là công việc mang tính tổng hợp rất cao, không thể giao về cho bất cứ bộ nào thực hiện (huống hồ Bộ Văn hóa còn phải đảm nhận thêm việc quản lý du lịch và thể dục thể thao), lại càng không thể là phép cộng những công việc hàng ngày của các bộ. Nếu không có những thay đổi cơ bản và quyết liệt mà vẫn tiếp tục cách làm này thì e rằng có nhiều khả năng phần về phát triển văn hóa trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục không thu được kết quả như tình hình đã xảy ra nhiều năm qua.

Do vậy, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, cần có một hình thức tổ chức bộ máy phù hợp với tính chất tổng hợp cao của công việc xây dựng và phát triển văn hóa, chí ít là tương đương với cách tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế. Vì xây dựng và phát triển văn hóa - con người là một nhiệm vụ mà tầm quan trọng của nó chỉ mới dần dần sáng tỏ trong thời gian gần đây cho nên, cho đến nay chưa có một tổ chức nào đảm nhiệm công việc này (trong khi Ban Kinh tế Trung ương thực hiện chức năng “xây”, tập trung vào một việc giúp cho kinh tế phát triển thì Ban Tuyên giáo Trung ương đảm nhiệm những công việc liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, mà văn hóa chỉ là một trong số đó), trong lĩnh vực văn hóa thì trên thực tế lâu nay chủ yếu mới thiên về “quản lý”, “gác cổng”.

“Cần thành lập riêng một Ban Văn hóa Trung ương để tập trung lo cho việc xây dựng văn hóa, xây dựng con người. Nếu không có những con người chuyên trách lo việc này, thì không thể trông chờ gì ở những người kiêm nhiệm hiện đang làm việc ở các bộ, ngành mà công việc lâu nay của họ cũng đã quá bộn bề. Nếu có người chuyên trách mà không có cơ quan chuyên trách, thì cũng không thể có đủ tư cách và bộ máy để hoạt động. Việc coi “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” sẽ rất khó thực hiện.

Ban Văn hóa Trung ương sẽ chỉ đạo xây dựng và phổ biến một quan niệm thống nhất về các thành tố của văn hóa; liên kết xâu chuỗi các văn bản của Đảng, Chính phủ và các ban, ngành; điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông, v.v. bằng một sợi chỉ đỏ xuyên suốt là quan niệm coi “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Chỉ có khi đó chúng ta mới thoát được ra khỏi bức “trần thủy tinh” để phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam một cách bền vững”, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đề xuất/.

Từ khóa: hội nghị văn hóa toàn quốc, phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa, tổng bí thư, tổng bí thư nguyễn phú trọng

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

EMC Đã kết nối EMC