“Quốc ca Việt Nam” - Niềm tự hào của người dân Việt
Cập nhật: 10/12/2021
Trực tiếp kết quả xổ số miền Trung Chủ Nhật 17/11 - XSMT 17/11 - KQXSMT 17/11
Trực tiếp kết quả xổ số miền Nam Chủ Nhật 17/11 - XSMN 17/11 - KQXSMN 17/11/2024
VOV.VN - Quốc ca là ca khúc thiêng liêng và có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi quốc gia. Do đó, pháp luật cần phải có những quy định cụ thể cho việc quản lý và sử dụng Quốc ca, đặc biệt về vấn đề bản quyền.
Quốc ca là biểu tượng của mỗi quốc gia, gắn với lịch sử, vận mệnh và ý chí, khát vọng của mỗi dân tộc. Chào cờ và hát Quốc ca là một nghi lễ thiêng liêng, nghi thức quan trọng thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc và trách nhiệm của mỗi công dân. Do vậy, việc hát Quốc ca được coi là nghĩa vụ, quyền lợi của công dân, và trở thành nét đẹp văn hóa trong xã hội.
Bài “Tiến quân ca” là 1 sáng tác bất hủ của cố nhạc sỹ Văn Cao, được chọn làm Quốc ca Việt Nam từ năm 1945. Quốc ca - “Tiến quân ca” đã trở thành biểu tượng cho ý chí, khát vọng và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã hát Quốc ca với nhiệt huyết từ trái tim, tự hào về Tổ quốc, về dân tộc, cho quá khứ, hiện tại và tương lai.
Kể từ năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: "Quốc ca là bài Tiến quân ca".
Năm 2016, gia đình nhạc sỹ Văn Cao đã hiến tặng cả phần nhạc và phần lời cho nhân dân, Nhà nước Việt Nam. Kể từ thời điểm này, bản quyền của tác phẩm thuộc về quốc gia, về nhân dân chứ không còn thuộc về gia đình nhạc sỹ Văn Cao nữa. Việc trao tặng này của gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao cũng chấm dứt việc hát Quốc ca trong các chương trình biểu diễn trong nước phải nộp tiền tác quyền.
Với Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019 hiện hành, Việt Nam đã có những quy định về quyền tác giả. Nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất. Tuy nhiên, khi "Tiến quân ca" được hiến tặng, trở thành tài sản chung của nhân dân thì không ai được phép kinh doanh, thu lợi nhuận từ chính tài sản chung đó.
Hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi “Tiến quân ca” cả trong nước và ngoài nước. Cũng theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi mà đã thanh toán quyền tác giả thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất.
Cách đây 23 năm, năm 1988, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phối khí, dàn dựng, thu thanh Quốc ca Việt Nam (Tiến quân ca), được Ban Tuyên giáo Trung ương duyệt và cho phép phát hành trong cả nước. Bản thu âm Quốc ca của VOV hiện lưu trữ tại Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng chia sẻ bản quyền Quốc ca và các tác phẩm nhạc nghi lễ tới công chúng trong nước và quốc tế trên mọi nền tảng.
Tuy nhiên, Quốc ca là ca khúc thiêng liêng và có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi quốc gia. Do đó, pháp luật cần phải có những quy định cụ thể cho việc quản lý và sử dụng Quốc ca, đặc biệt về vấn đề bản quyền, để đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng chính đáng, cũng như giữ gìn và phát huy được giá trị của tác phẩm này.
Sự việc ngày 6/12 vừa qua, Quốc ca bị một doanh nghiệp của Việt Nam tắt tiếng trong trận bóng Việt Nam-Lào khi phát trên mạng xã hội là một điều không thể chấp nhận được cho dù vì bất kỳ lý do gì. Đây không phải là lần đầu tiên vụ việc bức xúc liên quan đến Quốc ca được được quan tâm. Hành động tắt tiếng Quốc ca này có thể xem như “ngăn chặn, cản trở việc phổ biến Quốc ca”.
Các cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu, xem xét, để sản xuất và công bố những bản ghi Quốc ca chuẩn, thuộc sở hữu toàn dân, thuộc về công chúng, để mọi cá nhân, tổ chức có thể sử dụng trong các nghi lễ, sự kiện và hoạt động cộng đồng mà không lo ngại vấn đề bản quyền. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có các quy định cụ thể và rõ ràng về bản quyền của Quốc ca. Việc một tổ chức nước ngoài công bố, truyển tải, kinh doanh và đăng ký bản quyền đối với bản ghi Quốc ca sẽ được giải quyết ra sao cũng chưa được luật hóa rõ ràng.
Vì vậy, khi đã hội nhập toàn cầu, Việt Nam cần chấp hành “luật chơi” quốc tế và sớm hoàn thiện các quy định pháp lý có liên quan, để tránh việc chúng ta bị “đánh” bản quyền ngược, đối với chính Quốc ca của mình, cũng như loại bỏ những vướng mắc, tranh cãi qua những vụ việc vừa qua.
Quốc ca là niềm tự hào của người dân Việt Nam, khi hát "Tiến quân ca", mỗi người dân Việt Nam đều cảm nhận được tình yêu Tổ quốc thiêng liêng trong trái tim mình, cảm nhận được niềm tự hào dân tộc, tự hào bởi: Chúng ta là người Việt Nam./.
Từ khóa: quốc ca, Văn cao, tắt tiếng quốc ca, bản quyền quốc ca, nhạc sỹ văn cao, tiến quân ca, VOV thu âm quốc ca
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN