"Quê hương" - ca khúc để đời của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch

Cập nhật: 29/12/2023

VOV.VN - Với những xúc cảm chân thành, tha thiết, bài hát “Quê hương” của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã chiếm trọn một vị trí xứng đáng trong lòng thính giả.

Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch sinh năm 1951, quê ông ở xã An Sơn, huyện Lái Thiêu (nay là thị xã Thuận An), tỉnh Bình Dương) một vùng đất nằm bên sông Sài Gòn. Sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng, cảm hứng sáng tác của ông là những chuyến đi dài ngày cùng những người dân làm kinh tế mới, những thanh niên xung phong ở các nông trường: Bến Cát, Bình Long, Lộc Ninh, Bù Đăng, Tân Uyên…Nhạc sĩ Giáp văn Thạch đã viết những ca khúc đầu tay, rồi tự ôm đàn hát từ những lán trại đơn sơ ấy.

Cuối năm 1983, ông bắt gặp bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Đỗ Trung Quân trong tờ Khăn quàng đỏ, ra ngày 15/12/1983. Ông chăm chú đọc, chép lại rồi về phổ nhạc thành bài hát cùng tên: “Quê hương”.

Về bài thơ “Quê hương”, nhà thơ Đỗ Trung Quân kể: ban đầu nhà thơ đặt tên là “Bài học đầu cho con” để tặng cho con gái Quỳnh Anh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi đó mới một tuổi. Khi đăng bài này lần đầu, người biên tập báo Khăn quàng đỏ lúc ấy là Việt Nga (con của nhà thơ Lê Giang) có bỏ hai đoạn và thêm một câu “Sẽ không lớn nổi thành người” và cũng đổi tên bài thơ thành “Quê hương”. Kể về sự ra mắt của bài hát, ca sĩ Ngọc Yến đã cho biết: “Trong một lần đi xem cuộc thi ca nhạc dành cho người lao động năm 1985, Ngọc Yến đã nghe một cô thợ cạo mủ cao su của công ty cao su Dầu Tiếng hát. Cô thợ hát không hay, nhưng bài hát làm Ngọc Yến rất xúc động. Nữ ca sĩ bèn gặp cô thợ và xin chép lại bài hát. Tháng 4/1985, Ngọc Yến thu bài hát “Quê hương” ở Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và bất ngờ về sức lan tỏa của bài hát”.

Tháng 7/1998 mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” đã chọn bài hát “Quê hương” để thính giả viết cảm nhận. Và bài cảm nhận có tiêu đề: “Quê hương: Bài ca đắm say về đạo lý, tình người và chứa chan tình yêu quê hương, đất nước” của bạn Phùng Hữu Hải, lớp Văn 2A trường Đại học sư phạm Hà Nội đã đoạt giải.

Chúng tôi xin trích bài viết này của bạn Phùng Hữu Hải:

“Quê hương luôn là mảnh đất yên bình, gần gũi và thân thuộc nhất trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Đề tài quê hương luôn là mạch nguồn cảm hứng cho muôn đời thi ca mà mỗi tác phẩm lại đề cập một cách cảm, cách nghĩ riêng. Với những xúc cảm chân thành, tha thiết, bài hát “Quê hương” đã chiếm trọn một vị trí xứng đáng trong lòng thính giả. “Quê hương” là kết quả của sự đồng điệu tâm hồn giữa nhà thơ Đỗ Trung Quân và nhạc sĩ Giáp Văn Thạch khi nghĩ về quê hương với những tình cảm sâu nặng. Có lẽ vì thế nên khi những ca từ đầu tiên được cất lên với chất giọng ấm áp truyền cảm của ca sĩ ta như cuốn hút vào bài hát với những rung động mãnh liệt: Quê hương là chùm khế ngọt/Cho con trèo hái mỗi ngày/Quê hương là đường đi học/Con về rợp bướm vàng bay…

Ngay từ đầu cũng như sau này, cả bài ca đều tràn ngập hình ảnh màu sắc và hương vị đồng quê. Đã có rất nhiều phát biểu khái niệm quê hương với nhiều định nghĩa khác nhau, thế nên thật bất ngờ và thú vị khi tác giả diễn đạt những khái niệm ấy bằng những hình ảnh thân quen, gần gũi. Đó là: con đường đi học rợp bướm vàng bay; là con diều biếc; con đò nhỏ; là mấy nhịp cầu tre… song cũng thật độc đáo với phát hiện: quê hương là chùm khế ngọt… mà trước Đỗ Trung Quân không ai thấy được. Nhịp điệu bài ca không dồn dập, không có những mỹ từ mà quê hương vẫn hiện lên thật đẹp, thật thanh bình trong những hình ảnh gần gũi, bình dị, có sức lay động. ta như được thấy quê hương đang hiện hữu, đang trở về trong ký ức ấu thơ của một thời bé dại, ngơ ngác, hồn nhiên: Quê hương là gì hở mẹ/Mà cô giáo dạy phải yêu/Quê hương là gì hở mẹ/Ai đi xa cũng nhớ nhiều”.

Những lời ca cuối của bài hát mới xúc động làm sao “Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một Mẹ thôi”đó là lời tự nhủ, một nhận thức sâu sắc cảm động về quê hương của tác giả. Ở đây có sự hòa nhập giữa hình ảnh người mẹ và quê hương. Mẹ là quê hương và quê hương cũng chính là mẹ. Nếu không có được tấm lòng yêu quê hương tha thiết, đến cháy bỏng thì làm sao có được những lời ca như vậy.

Bài hát “Quê hương” với những cảm xúc chân thành ấy đã vượt lên mọi quy mô và ý nghĩa của một ca khúc đơn thuần. Nó đã trở thành một bài học, bài ca về đạo lý làm người. Nó như một dòng nước mát trong thấm sâu vào tâm hồn, vào con tim của người nghe, ngân rung lên biết bao tình cảm tốt đẹp, thánh thiện. Chỉ trong hai câu hát ngắn mà từ “chỉ một” trở đi trở lại hai lần như một sự khẳng định vững chắc về chân lý tình cảm.

Góp phần không nhỏ cho sự thành công của bài hát đó chính là âm nhạc. Sự gặp gỡ đồng điệu về tâm hồn đã đưa đến sự hòa hợp về giai điệu cho ta như nghe thấy tiếng mái chèo khua nước nhè nhẹ trên bến sông trăng, giai điệu ấy còn đạt đến sự tinh tế như hương hoa cau thoang thoảng đến nao lòng”

Có thể nói, thành công của bài hát có lẽ không ở sự tìm tòi về cấu trúc, tiết tấu hay giai điệu mà là ở lối cảm nhận và thể hiện mang đậm hồn dân tộc; có gì đó mộc mạc mà thẳm sâu đến ngỡ ngàng, làm cồn lên nỗi tiếc nuối một tuổi thơ không còn bao giờ trở lại. Một tuổi thơ mà ở đó tình yêu của ta với quê hương giản đơn và vô tư nhất, trong sáng và tinh khiết nhất.

Từ khóa: quê hương, nhạc sĩ, giáp văn thạch, ca khúc, bài hát, quê hương

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: doãn ánh quyên/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập