Quảng Nam tuyên truyền để người dân vùng cao không đốt rừng làm rẫy
Cập nhật: 23/05/2020
Hạnh phúc của bà con ở Bắc Kạn được đón năm mới trong ngôi nhà mới khang trang (1/1/2025)
Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM gửi thư cảm ơn Công an xã Vĩnh Tân
VOV.VN -Tại Quảng Nam, thói quen đốt thực bì, phá rừng làm nương rẫy của người dân địa phương đã gây ra nhiều vụ cháy rừng quy mô lớn.
Nắng nóng gay gắt ở vùng cao tỉnh Quảng Nam tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Thói quen đốt thực bì, phá rừng làm nương rẫy của người dân địa phương đã gây ra nhiều vụ cháy rừng quy mô lớn. Mới đây nhất là vụ cháy hơn 32 héc ta rừng phòng hộ tại xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, Quảng Nam. Chính quyền và ngành chức năng các địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Các trường hợp đốt rừng làm rẫy ở Quảng Nam đều không tuân thủ quy định về sử dụng lửa.
|
Dọc Quốc lộ 14G từ huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đến huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, 2 bên đường thi thoảng lại xuất hiện đám cháy. Lửa bùng phát từ rẫy keo lá tràm vừa thu hoạch của người dân địa phương, sau đó lan rộng, trùm cả quả đồi. Nơi đây, người dân vẫn duy trì thói quen đốt rẫy lấy tro gieo trỉa lúa trên phần đất đã thu hoạch cây keo. Đốt xong, người dân không trỉa lúa ngay mà 3 năm sau mới trỉa lúa. Tuy nhiên, cũng có hộ dân luân canh theo kiểu vừa trồng keo vừa trỉa lúa, tức là trồng lúa rồi trồng xen cây keo vào. Sau khi thu hoạch lúa thì cây keo phát triển tự nhiên.
Anh ARất Đây ở xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam ở gần khu vực vừa xảy ra vụ cháy 32,5 ha rừng phòng hộ cho biết, gia đình anh có 30 ha keo, mỗi lần thu hoạch, gia đình anh đều phát dọn, đốt rẫy sạch sẽ để trồng lúa ba trăng.
Hơn 32ha rừng phòng hộ ở xã Mà Cooi, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam bị thiêu rụi do đốt rẫy.
|
Mấy năm trở lại đây, người dân các huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam không đốt rừng tự nhiên để lấy đất canh tác lúa nữa mà chủ yếu đốt rẫy ở phần diện tích đất trồng keo, đợi mưa xuống thì trỉa lúa. Rễ keo nhanh mục tạo thành phân bón cho lúa. Ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc đốt rẫy gây ra một số vụ cháy rừng quy mô lớn trong thời điểm nắng nóng này.
Mới đây nhất là vụ cháy 32,5 ha rừng phòng hộ tại Tiểu khu 160 của xã Mà Cooih. Sau khi xảy ra vụ cháy, lãnh đạo huyện đã họp với các ngành, địa phương và ra văn bản nghiêm cấm việc đốt rẫy. Tuy vậy, một số địa phương vẫn còn xảy ra cháy rừng do tập tục sản xuất luân canh của người dân địa phương. Ông Minh cũng cho biết, khoảng 80% dân số của huyện sống bằng nghề phát nương làm rẫy. Diện tích lúa rẫy trên địa bàn khoảng 800 ha. Mặc dù năng suất lúa rẫy rất thấp, chưa đến 20 tạ/ha, nhưng đó là cuộc sống của đồng bào Cơ Tu từ xưa đến nay.
Lửa bao phủ quả đồi do người dân đốt rẫy.
|
“Đa số diện tích nương rẫy của người dân là trồng keo, còn lại một số ít người dân đốt luân canh. Việc cấm thì rất khó nhưng phải quản lý chặt. Khi đốt phải phát đường ranh cho rõ ràng. Bên cạnh đó, báo cho chính quyền địa phương cũng như lực lượng quản lý, bảo vệ rừng cùng phối hợp để dập tắt, còn nếu cấm hẳn thì ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân”- ông Minh cho biết.
Theo quy định, trước khi đốt rẫy phải thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy; phải báo cho lực lượng kiểm lâm và chính quyền sở tại về thời gian, địa điểm phát, đốt rẫy; Người dân chỉ được đốt rẫy vào sáng sớm hoặc chiều tối khi có gió nhẹ và phải đốt ngược hướng gió. Tuy vậy, hiếm có nơi nào thực hiện đúng quy định này.
Ông Từ Văn Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, mặc dù đã triển khai ký cam kết đến từng hộ dân về quản lý, sử dụng lửa, đồng thời cảnh báo cháy rừng trong thời điểm nắng nóng ở cấp 4 là cấp nguy hiểm và cấp 5 là cấp cực kỳ nguy hiểm, yêu cầu dừng ngay việc đốt thực bì... nhưng do tiến độ sản xuất của người dân nên một số nơi vẫn diễn ra việc đốt, xử lý thực bì nên dẫn đến cháy rừng:
“Các nguyên nhân cháy ở địa bàn tỉnh chủ yếu là việc sử dụng lửa bất cẩn. Người dân cần phải chấp hành nghiêm túc việc đăng ký để cùng giám sát, dồn thực bì lại ở giữa lô rừng để có khoảng cách rồi đốt. Thời gian đốt là đầu buổi sáng, gần trưa hoặc gần tối mà cháy qua đêm là không chữa cháy được”- ông Khánh cho biết./.
Từ khóa: Quảng Nam, đốt rừng làm rẫy, cháy rừng, cháy rừng ở Quảng Nam
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN