Quảng Nam nhiều giải pháp giảm thiểu kết hôn sớm trong vùng dân tộc thiểu số
Cập nhật: 2 giờ trước
Đà Nẵng mưa to, nhiều nơi ngập sâu, học sinh nghỉ học
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM "đặt hàng" thanh niên thành phố
VOV.VN- Vấn nạn tảo hôn tại các bản làng miền núi Quảng Nam hiện vẫn còn xảy ra khá phức tạp. Nhiều huyện miền núi tỉnh Quảng Nam tập trung đưa chính sách bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực... đến từng hộ dân, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, đẩy lùi nạn tảo hôn tại khu vực miền núi Quảng Nam.
Em T.T.T., ở tổ dân phố 1, thị trấn Khâm Đức, huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, năm nay 16 tuổi nhưng đã có con gần 5 tháng tuổi. Dáng vẻ vụng về, e ngại khi nhắc lại hoàn cảnh của mình, Trần Thị T. kể, lúc học lớp 9, T. có bạn trai. Đến lúc mang thai cả 2 đều không hay biết, đến khi thai lớn, gia đình đưa T. đi siêu âm thì mới hay đã mang thai 4 tháng. Trần Thị T. cho biết, sinh con được vài tháng nhưng cả hai vẫn chưa làm lễ cưới. T. hối hận khi làm mẹ quá sớm, không có việc làm, sống dựa vào bố mẹ.
“Tôi mới sinh con lần đầu nên cũng chưa biết tắm cho con, chưa biết chăm sóc con. Khi con đau, tôi cũng không có tiền mua thuốc. Không có tiền mua sữa cho con uống”, chị T.TT chia sẻ.
Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã triển khai hiệu quả dự án 10 về “Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ với các Hội đoàn thể ở cơ sở triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán của từng dân tộc, vùng miền. Bà Đinh Thị Minh, Tổ trưởng Tổ dân phố 1, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn cho biết, cán bộ phụ nữ, đoàn thanh niên đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền về ngăn chặn hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn.
“Hội Phụ nữ xã tiếp tục xây dựng kế hoạch để thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân rộng thêm mô hình Chi hội Phụ nữ không có trường hợp tảo hôn. Chúng tôi xuống trực tiếp từng hộ gia đình để tuyên truyền giảm bớt tình trạng tảo hôn tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn và những nơi có nguy cơ xảy ra tảo hôn”, bà Đinh Thị Minh cho biết thêm.
Từ năm 2020 đến nay, Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn phối hợp với các xã triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025”. Giai đoạn 2021 - 2022, trên địa bàn có 35 trường hợp tảo hôn, đến năm 2023 giảm xuống còn 24 trường hợp. Năm 2024, số trường hợp tảo hôn giảm còn 15 trường hợp.
Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã triển khai rộng rãi mô hình câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Các thành viên trong câu lạc bộ phối hợp với các già làng, người có uy tín thường xuyên đến từng hộ dân để tuyên truyền người dân hiểu rõ về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các địa phương cũng đã tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép vào những buổi họp làng để tuyên truyền và tư vấn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... gắn với thông điệp “Không kết hôn sớm, không lấy nhau trong cùng dòng họ”.
Chị Hồ Thị Hinh, ở xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” ra đời giúp người dân Giẻ Triêng trong xã hiểu hơn về những hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
“Khi bà con dự lớp tập huấn của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, bản thân tôi sẽ về tuyên truyền, vận động người dân trong làng không để con cái lập gia đình sớm khi chưa đủ tuổi, hạn chế hôn nhân cận huyết thống”, chị Hồ Thị Hinh cho biết.
Tại các trường học ở miền núi, học sinh ở lại trong khu nội trú của trường nhưng gia đình và nhà trường thiếu giám sát dẫn đến việc nhiều trường hợp học sinh mang thai. Ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các địa phương miền núi xây dựng mô hình tuyên truyền về đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường, khu dân cư; tổ chức các hội thi, sân khấu hóa để nâng cao nhận thức cho học sinh.
“Ban Dân tộc đã phối hợp làm rất tốt, chặt chẽ huyện, sở ban ngành, đặc biệt là xuống các xã để tuyên truyền, vận động. Huyện cũng tạo điều kiện, xã cũng tạo điều kiện để triển khai nhiệm vụ này. Kết quả những năm vừa rồi thì Ban Dân tộc chủ yếu là tập huấn. Thứ hai là phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường tổ chức tuyên truyền cho đối tượng học sinh, nhất là ở cấp THCS, THPT. Thứ ba là qua tờ rơi, phát cho đồng bào với nội dung ngắn gọn dễ hiểu, để họ biết được thế nào là tảo hôn, để họ không lặp lại các vi phạm trái quy định", ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam thông tin.
Từ khóa: quảng nam, Quảng Nam,tảo hôn,hôn nhân,Phước Sơn,miền núi ,bạo lực,Giẻ Triêng
Thể loại: Xã hội
Tác giả: long phi/ vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN