Quảng Nam: “Đón nhà đầu tư bằng tấm lòng rộng mở”

Cập nhật: 19/03/2024

VOV.VN - Trong gian khó, Quảng Nam luôn biết chắt chiu nguồn lực, xây dựng môi trường thuận lợi, đón các nhà đầu tư bằng tấm lòng rộng mở và đồng hành, sẻ chia với các doanh nghiệp. Liên tục trong nhiều năm qua, Khu kinh tế mở Chu Lai góp trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách toàn tỉnh. Sau khi công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam tiếp tục “mở lòng” đón các nhà đầu tư mới.

 

Ngày đầu tái lập tỉnh (năm 1997), Quảng Nam là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, 60% ngân sách hằng năm phụ thuộc từ nguồn trợ giúp của Trung ương. Từ một tỉnh thuần nông, chưa có một nhà máy công nghiệp quy mô lớn nào, Quảng Nam đã tập trung cơ cấu lại nền kinh tế. Sự ra đời của Khu kinh tế mở Chu Lai – khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước, nòng cốt là Khu công nghiệp cơ khí  ôtô Chu Lai- Trường Hải là bước ngoặc đưa kinh tế Quảng Nam cất cánh.

Trong gian khó, Quảng Nam luôn biết chắt chiu nguồn lực, xây dựng môi trường thuận lợi, đón các nhà đầu tư bằng tấm lòng rộng mở và đồng hành, sẻ chia với các doanh nghiệp. Liên tục trong nhiều năm qua, Khu kinh tế mở Chu Lai góp trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách toàn tỉnh. Sau khi công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam tiếp tục “mở lòng” đón các nhà đầu tư mới.

 “Nắm tay” từ những ngày đầu gian khó

“Với một doanh nghiệp gắn cả cuộc đời với sự phát triển của một địa phương, một vùng đất và nhiều ngành, lĩnh vực chính yếu của cả nước, đó là điều tôi rất hạnh phúc. Điều này thôi thúc chúng tôi quyết tâm tiếp tục tham gia, đồng hành cùng Quảng Nam hiện thực hóa quy hoạch”.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn THACO nhắc lại hành trình 21 năm THACO đặt chân đến Quảng Nam với tình cảm, trách nhiệm và tâm huyết của một doanh nghiệp trải qua bao thăng trầm ở vùng đất này trong hai thập kỷ qua. Ông Trần Bá Dương nói, đó là cơ duyên với một doanh nghiệp rất nhỏ, được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mời về đầu tư vào năm 2003. Ngày đó, ông Trần Bá Dương 43 tuổi. Ông Dương nhớ lại, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã vào tận thành phố Hồ Chí Minh vừa mời gọi, vừa động viên ông về đầu tư tại Quảng Nam.

Theo ông Trần Bá Dương, Khu Kinh tế mở Chu Lai ngày ấy là một dự án chất chứa khát vọng thoát nghèo của Quảng Nam nhiều hơn là tính hiện thực. 21 năm trước, mảnh đất Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam là vùng cát trắng trải dài với những rừng dương, ruộng khoai, đồng sắn… Sinh ra ở vùng cát, cuộc mưu sinh của người dân nơi đây rất đỗi gian nan, nghèo khó. Họ chỉ có hai lựa chọn. Đó là cố bám trụ cùng nghề nông hoặc ly hương vào miền Nam kiếm sống với phận đời long đong xa xứ.

Khu Kinh tế mở Chu Lai là khu kinh tế ven biển đầu tiên trên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào ngày 05/6/2003. Đây là 1 trong 8 nhóm khu kinh tế trọng điểm quốc gia với mô hình khu kinh tế tổng hợp, áp dụng các cơ chế chính sách mới, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phù hợp theo thông lệ quốc tế. THACO là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai. Thời điểm này, Quảng Nam là một tỉnh thuần nông, ngân sách hằng năm phụ thuộc từ nguồn trợ giúp của Trung ương.

Từ vùng cát trắng, Quảng Nam đã hiện thực hóa khát vọng đưa Khu Kinh tế mở Chu Lai trở thành động lực tăng trưởng. Ở đó, bây giờ đã hình thành một thương hiệu quốc gia mang tên THACO. Những dòng ô tô xuất phát từ Chu Lai - Trường Hải đã đến khắp thị trường trong và ngoài nước, tạo dựng hình ảnh, vị thế kinh tế Quảng Nam; xác lập một thương hiệu quốc gia trên đất Quảng. 21 năm đầu tư và phát triển, THACO giờ đây là “con đại bàng” làm tổ tại Quảng Nam, được xem là Trung tâm Công nghiệp ô tô và Logistics có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc top đầu trong khu vực ASEAN.

Nhớ lại những ngày đầu gian khó khi đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô tại Khu kinh tế Chu Lai, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn THACO cho biết, ngoài lợi thế về mặt bằng rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào thì chính những cơ chế chính sách vượt trội, sự đồng hành của chính quyền địa phương là lý do để THACO quyết định đầu tư và gắn bó lâu dài với tỉnh Quảng Nam. Trên chặng đường đó, THACO góp phần quan trọng trong việc tạo nên thành công của Khu kinh tế mở Chu Lai và định vị vai trò của kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tập đoàn này tiếp tục là đầu tàu trên chặng đường hướng tới tương lai của tỉnh Quảng Nam.

Ông Trần Bá Dương nhận định, quy hoạch tỉnh Quảng Nam vừa mới công bố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành trung tâm logistic là rất khả thi, nhất là khi tuyến Cửa Lở tại huyện Núi Thành được đầu tư, hoàn thiện sớm. Đến lúc đó, các tàu lớn chở hàng sẽ cập cảng dễ dàng, giải quyết được chi phí logistic.

Theo ông Trần Bá Dương, khi chi phí này thấp thì các nhà đầu tư sẽ đến với Quảng Nam và tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ. “Trong quy hoạch chỉ ra là năm 2030 sẽ hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic. Nhưng chúng tôi quyết tâm hình thành trung tâm này vào năm 2027 theo chiến lược 5 năm (2022-2027) của tập đoàn. Tức là sẽ sớm hơn 3 năm so với mục tiêu của tỉnh đề ra”.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Quảng Nam sẽ phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao. Tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia… Những định hướng này trùng khớp với chiến lược phát triển của THACO và THACO trở thành doanh nghiệp trụ cột để thực hiện các định hướng theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hạ tầng cứng và cơ chế mềm

Năm 2006, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến khu vực vùng Đông Quảng Nam khảo sát, chọn vị trí đầu tư. Thời điểm đó, khu vực này là một vùng cát trắng, bạt ngàn rừng dương và rất nhiều mồ mả. Dọc các xã vùng biển của huyện Thăng Bình, Duy Xuyên… quanh năm gió rát mặt, đất đai hoang hóa bạc màu. Người dân địa phương chủ yếu làm nông nên bao đời nghèo khó. Ông Đon Lam, Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty TNHH phát triển Nam Hội An, chủ đầu tư Khu nghỉ dưỡng Hoiana nhớ lại, ông cùng lãnh đạo công ty và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam ngồi trên chiếc thuyền đi khảo sát thực địa dọc sông Thu Bồn, đoạn giáp giới giữa thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên. Ít ai dám hình dung, vùng đất cát cằn cỗi, nghèo khó này chưa đến 10 năm sau đã trở thành “mảnh đất vàng” có sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước như hiện nay.

Cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn khởi công vào tháng 8 năm 2009, đến tháng 3 năm 2016 thì thông xe, kết nối giao thông giữa thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cùng thời điểm đó, đường ven biển mang tên Võ Chí Công cũng được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến đường này dài  69km từ thành phố Hội An đến sân bay Chu Lai, huyện Núi Thành được đầu tư bài bản, kết nối các khu du lịch, khu kinh tế với sân bay và cảng biển. Giao thông thuận lợi giúp tỉnh Quảng Nam khai phá lợi thế, tiềm năng đất đai rộng lớn phía Đông. Tại đây đã thu hút hơn 160 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 tỷ USD. Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược của tỉnh Quảng Nam trong quy hoạch hạ tầng giao thông, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đon Lam nói rằng, dự án Khu nghỉ dưỡng Hoiana khởi công vào năm 2016, được coi là một trong những dự án "mở lối trên cát" của tỉnh Quảng Nam. Đến nay, Khu nghỉ dưỡng Hoiana đã hoàn thiện giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD. Khu nghỉ dưỡng này với 3 khách sạn bao gồm: 1.200 phòng nghỉ cao cấp, 1 sân golf 18 hố ven biển và khu vui chơi giải trí chất lượng cao mang tầm thế giới. Dù ngành Du lịch gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 nhưng trong 2 năm qua, Hoiana vẫn đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Quảng Nam, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, hạ tầng giao thông ở vùng Đông Quảng Nam đã được đầu tư bài bản nhưng vẫn cần thêm những cơ chế mềm, chính sách mới để thu hút nhà đầu tư về đây.

Ông Don Lam, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty TNHH phát triển Nam Hội An – Khu nghỉ dưỡng Hoiana kiến nghị: “Với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi mong nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như Trung ương trong việc giải quyết nhanh các vấn đề pháp lý về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Chúng tôi cam kết sẽ đầu tư thêm 1 tỷ USD trong giai đoạn 2 của dự án Khu nghỉ dưỡng Hoiana”.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra vào ngày 16/3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam trao quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Thoả thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho các nhà đầu tư của 16 dự án tiêu biểu với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, mở ra làn sóng đầu tư mới trên địa bàn Quảng Nam sau nhiều năm ảm đạm.

Ông Lê Hùng Anh, Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation là nhà đầu tư trẻ tuổi nhất, sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Nam. Dịp này, Tập đoàn BIN được trao Thoả thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư dự án Khu công nghiệp Nam Thăng Bình, tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ở giai đoạn 1, quy mô dự án với diện tích 325 héc ta, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7 ngàn tỷ đồng. Mục tiêu hoạt động của dự án: Đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp theo loại hình Khu công nghiệp sinh thái. Khu công nghiệp này định hướng thu hút nhóm ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử; công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica; chế biến dược liệu và sản phẩm nông nghiệp, nông sản địa phương xuất khẩu…

Ông Lê Hùng Anh, Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation cho rằng, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến phát triển xanh và bền vững là hướng đi phù hợp với xu thế toàn cầu. Tỉnh Quảng Nam sở hữu tiềm năng đất đai vô cùng rộng lớn chưa được khai thác đúng mức. Khu vực Nam Thăng Bình được quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ cao. Tại đây, hiện chưa có khu công nghiệp công nghệ cao nào. Vì thế, ông Lê Hùng Anh mong muốn, tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện cho Tập đoàn BIN Corporation được nghiên cứu đầu tư Khu công nghiệp Nam Thăng Bình với điều kiện cơ sở hạ tầng hiện đại, thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp từ các nước lớn. 

Ông Lê Hùng Anh kỳ vọng, hơn 10 năm tới, khi các Khu công nghiệp sinh thái, Khu công nghiệp công nghệ cao đi vào hoạt động sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn từ nước ngoài vào. Qua đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, giải quyết lao động, đóng góp ngân sách lớn cho tỉnh Quảng Nam.

Mở ra giai đoạn phát triển mới

 Quy hoạch tỉnh Quảng Nam sau khi được công bố mang đến nhiều kỳ vọng, tạo nền tảng quan trọng cho Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đến năm 2050, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, Quy hoạch này không chỉ phục vụ cho sự phát triển của tỉnh Quảng Nam mà phục vụ cho sự phát triển của vùng và quốc gia.

Ông Lê Trí Thanh cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp: “Với một Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố, cùng với sự nỗ lực và quyết tâm mới, một tầm nhìn mới thì chắc chắn rằng sẽ giúp tháo gỡ những  khó khăn, đồng thời sẽ mở ra những cái cơ hội phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh Quảng Nam và các doanh nghiệp sắp đầu tư vào tỉnh Quảng Nam”.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, tỉnh Quảng Nam đứng trước cơ hội mở ra một giai đoạn phát triển mới dựa trên nền tảng những giá trị đã tạo lập trong suốt thời gian qua. Quảng Nam có biển, có núi, có rừng, có khu kinh tế mở, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ từ đường không, đường thủy, đường sắt, đường bộ kết nối vùng rất thông suốt, giữ một vị trí địa chính trị rất quan trọng và sẽ là trung tâm kết nối trong tương lai gần.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tin tưởng, với ý chí vượt khó, không cam chịu đói nghèo và sức mạnh tinh thần được nuôi dưỡng từ mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này chính là tài sản quý mà Quảng Nam có được, đang giữ vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của vùng đất này trong tương lai gần.

“Quảng Nam, trong những năm đầu, sau khi chia tách đã ý thức về sự yếu kém của mình nên rất chăm chút, cố gắng tạo môi trường đầu tư thuận lợi và đồng hành cùng với nhà đầu tư. Để bây giờ ở Quảng Nam đã có những doanh nghiệp hàng đầu của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp. Điều này là cơ sở tin tưởng sự phát triển bứt phá của Quảng Nam trong thời gian tới”. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Từ khóa: Quảng Nam, đón, nhà đầu tư, tấm lòng, rộng mở, Quảng Nam thu hút đầu tư

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: long phi/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan