Quán nhậu thất thu vì tăng mức xử phạt nếu vi phạm nồng độ cồn
Cập nhật: 08/01/2020
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Tuy đang là thời điểm nhu cầu liên hoan tất niên tăng cao, nhưng nhiều cửa hàng vẫn rơi vào tình trạng ế khách dù có dịch vụ hỗ trợ đưa khách hàng về.
Từ 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ có hiệu lực quy định tăng nặng mức xử phạt với chủ điều khiển phương tiện có nồng độ cồn cao. Điều này không chỉ khiến các lái xe lo lắng mà ngay cả các hàng quán bán rượu bia ăn nhậu cũng lo lắng vì lượng khách đến quán giảm hẳn và lượng tiêu thụ các loại đồ uống có cồn cũng giảm theo.
Tình trạng vắng khách phổ biến ở các quán nhậu dù đang dịp cuối năm. |
Một tuần sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực, hàng loạt hàng quán ăn nhậu ở Hà Nội rơi vào cảnh ế khách. Hầu hết những nhà hàng lớn thuộc địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng…đều trong tình trạng vắng khách qua lại, đặc biệt là vào buổi trưa.
Tại nhiều quán, nhân viên ngồi nghịch điện thoại để “đốt” thời gian. Anh Đỗ Văn Nam, nhân viên một quán nhậu ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, không chỉ vắng khách vào buổi trưa mà trong một tuần trở lại đây, lượng khách đến quán vào buổi tối cũng giảm.
“Lượng khách đến quán giảm nhiều. Trước thì có lúc 12h vẫn còn đông khách, nhưng bây giờ thì 11h đã hết khách rồi. Mấy quán khác cũng vậy thôi, dạo này không đông khách, bị vắng chung 11h nghỉ hết, không có khách vào. Trước thì 11h vẫn có khách vào thì bây giờ 11h đã hết khách rồi và nghỉ hết cả loạt”, anh Nam nói.
Không chỉ lượng khách đến quán nhậu giảm mà thời gian nhậu tại các quán cũng rút ngắn hơn so với trước đây. Thời gian lưu tại quán ngắn cũng đồng nghĩa với lượng tiêu thụ các loại đồ uống có cồn giảm mạnh.
Nhiều khách đi xe đổi sang uống nước ngọt thay vì đồ uống có cồn. |
Chị Lê Thị Vân, nhân viên thu ngân một quán chuyên các món gà ở phố Xã Đàn cho biết: “Một số khách chuyển sang uống nước ngọt, không uống rượu nữa bởi vì họ đi xe. Còn khách vẫn uống bia, rượu, thì họ đi taxi. Buổi trưa thì thường là ít khách hơn buổi tối”.
Để giữ chân khách hàng và giúp khách hàng an tâm ăn nhậu trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ luật giao thông, nhiều nhà hàng, quán nhậu đã có các dịch vụ hỗ trợ khách sau khi đã uống rượu, bia như: trông giữ xe máy qua đêm cho khách; đối với khách đi xe ô tô thì hỗ trợ tìm chỗ gửi xe hoặc lái xe của khách và đưa khách về nhà trong bán kính ngắn. Nhưng tâm lý chung của nhiều người dân vẫn lo ngại cảnh sát giao thông xử phạt nghiêm khắc và giữ giấy phép lái xe nếu bị kiểm tra nồng độ cồn sau khi ăn nhậu.
Anh Nguyễn Văn Hùng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Ngày xưa có thể sau khi uống xong rồi thì cứ thế lên xe đi về. Bây giờ với hình phạt nặng có khi gần bằng tháng lương của mình, thú thật là cũng không dám tự lái xe đi về”.
“Tôi không đi nhậu ở ngoài nhiều nữa và khi đi nhậu cũng xác định tâm lý là uống ít, hai là sau khi uống thì gọi grab hoặc taxi để đi về nhà. Chính vì phạt như vậy nên anh em, bạn bè dạo này thường rủ nhau về nhà làm các món nhậu, uống tại nhà. Nếu say thì ở nhà luôn, không đi xe về tránh trường hợp bị phạt do say xỉn”, anh Hùng cho biết thêm.
Ngoài các dịch vụ tự phát của các quán nhậu, gần đây dịch vụ chở người say về nhà cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dân nhậu do tính chuyên nghiệp và mức độ an toàn cao. Ngoài ra trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện một số hội nhóm nhằm kết nối tài xế và những khách hàng có nhu cầu được đưa về nhà sau khi đã sử dụng rượu bia./. Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường tết Canh Tý 2020
Từ khóa: Nghị định 100, quán nhậu, vi phạm nồng độ cồn, xử phạt nồng độ cồn
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN