“Quan hệ quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết”
Cập nhật: 07/07/2020
VOV.VN - Cuộc khủng hoảng Covid-19 thêm một lần nữa cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ đang có một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Việt Nam và Hoa Kỳ đang hướng tới kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao (11/07/1995-11/07/2020). An ninh-quốc phòng là một trong những lĩnh vực ghi nhận những tiến triển đáng kể trong mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Reed Werner đã đánh giá về hợp tác an ninh-quốc phòng giữa hai nước và những ưu tiên trong thời gian tới.
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Reed Werner. |
PV: Trong bối cảnh năm 2020 kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, xin ông chia sẻ suy nghĩ của mình về những thành tựu ấn tượng nhất trong hợp tác an ninh-quốc phòng giữa hai nước và đâu là những ưu tiên trong thời gian tới?
Ông Reed Werner: Trước hết, tôi xin chúc mừng thành công đầy ấn tượng của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Chúng tôi đánh giá cao và trân trọng việc Việt Nam đã hỗ trợ sản xuất và vận chuyển các thiết bị bảo hộ cá nhân sang Mỹ. Ngược lại, cho tới nay, Hoa Kỳ cũng đã hỗ trợ gần 10 triệu USD giúp Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 thêm một lần nữa cho thấy chúng ta đang có một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, là biểu hiện sinh động của sự hợp tác trên cơ sở cùng chung lợi ích, là kết quả của những nỗ lực ngoại giao thành công trong suốt 25 năm qua.
Tôi rất tự hào khi nói rằng quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hiện đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ngay trong 3 năm qua, chúng ta đã được chứng kiến 2 chuyến thăm của tàu sân bay, 3 chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng và 1 tàu tuần duyên cỡ lớn được chuyển giao và dự kiến sẽ có một tàu nữa được chuyển giao cho Việt Nam vào cuối năm nay. Chúng tôi mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc phòng hiệu quả và thiết thực nhằm hỗ trợ Việt Nam trở nên độc lập, lớn mạnh và thịnh vượng, giữ vững chủ quyền, cùng với Hoa Kỳ và các nước bảo đảm an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ giữa hai nước có một nền tảng vững chắc từ sự hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh và nhân đạo. Việt Nam hỗ trợ Hoa Kỳ trong công tác tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh và Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam tẩy độc dioxin và xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Hoa Kỳ cam kết hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam thông qua tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai, quân y và đào tạo quân sự chuyên nghiệp, hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực bảo vệ chủ quyền, bảo đảm Việt Nam được tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông, đồng thời đóng góp cho an ninh hàng hải khu vực.
Một điều quan trọng nữa là Việt Nam là chủ tịch ASEAN trong năm nay. Chúng tôi đánh giá cao vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam. ASEAN là cấu phần chủ chốt và là trung tâm trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở của Hoa Kỳ.
PV: Hoa Kỳ đã thực hiện chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở trong 3 năm qua. Theo ông đâu là lĩnh vực mà Hoa Kỳ đã thực hiện thành công nhất và liệu Hoa Kỳ có cần điều chỉnh chiến lược này không để thích ứng với những thay đổi tại khu vực cũng như đáp ứng nhu cầu của các nước trong khu vực?
Ông Reed Werner: Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thể hiện cách tiếp cận toàn diện của Hoa Kỳ đổi với khu vực. Việc triển khai Chiến lược này được thể hiện rõ trong báo cáo về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Bộ Quốc phòng công bố trong tháng 6 năm ngoái.
Báo cáo nêu rõ Ấn Độ-Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên của Bộ Quốc phòng và chúng tôi có cam kết lâu dài trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cho tất cả các nước lớn, nhỏ, mọi quốc gia giữ vững chủ quyền của mình và phát triển kinh tế phù hợp với các luật lệ, tiêu chuẩn quốc tế và cạnh tranh công bằng.
Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm những nguyên tắc cơ bản, đó là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, giải quyết hòa bình các tranh chấp, thương mại và đầu tư tự do, công bằng và có đi có lại, bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và hàng không.
Để thực hiện tầm nhìn và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên, đó là nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, củng cố quan hệ đồng minh đối tác và xây dựng mạng lưới an ninh. Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh việc nâng cao sức mạnh, khả năng tác chiến, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội để có sức răn đe đối với các mối đe dọa tiềm tàng.
Bên cạnh các đồng minh, đối tác như Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, và Singapore, chúng tôi cũng hết sức chú trọng đầu tư cho các mối quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia. Chúng tôi tiếp tục tăng cường hợp tác đa phương và hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước để liên kết các nước vào cùng một mạng lưới an ninh khu vực. Chúng tôi ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của ASEAN trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Việt Nam đang làm rất tốt vai trò chủ tịch ASEAN trong năm nay. Bộ Quốc phòng Mỹ đang cố gắng tăng cường năng lực quốc phòng của các nước thành viên thông qua những ý tưởng do ASEAN chủ trì như đồng tổ chức cuộc diễn tập trên biển Hoa Kỳ-ASEAN đầu tiên trong năm 2019 cũng như đồng chủ trì cuộc họp của nhóm công tác các chuyên gia về an ninh hàng hải trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Thái Lan năm ngoái.
Bộ Quốc phòng cũng tập trung nhiều đầu tư và ngân sách cho việc nâng cao quan hệ an ninh – quốc phòng giữa các nước châu Á, đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Riêng phục vụ cho việc xây dựng năng lực an ninh quốc gia, Bộ Quốc phòng đã dành hơn 700 triệu USD cho các chương trình của Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong các năm tài khóa từ 2018 đến 2020 nhằm hỗ trợ các nước trong hoạt động chống buôn bán ma túy, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, hỗ trợ an ninh biển và biên giới trên bộ cũng như các hoạt động tình báo quân sự.
PV: Trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp tại khu vực Biển Đông, ông có nghĩ hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải là đủ để giúp giải quyết vấn đề này? Theo ông, các nước trong khu vực cần làm gì để duy trì luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên luật lệ và tự do hàng hải nhằm xây dựng một khu vực hòa, ổn định và thịnh vượng?
Ông Reed Werner: Hoa Kỳ có lợi ích mạnh mẽ trong việc duy trì ổn định ở khu vực Biển Đông cũng như đối với việc tôn trọng luật lệ tại khu vực này. Về mặt chính sách, chính quyền Tổng thống Trump cam kết đối với một trật tự mở, tự do và dựa trên luật lệ với những nguyên tắc cơ bản như tôi đã vừa chia sẻ. Một trật tự tự do và mở ở khu vực Biển Đông là sống còn đối với thịnh vượng và an ninh năng lượng của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Gần đây, Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới quan ngại về các hành động cưỡng ép, gây hấn tại Biển Đông như làm đắm tàu cá, quấy rối hoạt động giàn khoan dầu của các nước, ngăn cản một số nước ASEAN tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá, thành lập đơn vị hành chính trong khi tất cả các nước đang tập trung toàn lực vào việc xử lý dịch bệnh Covid-19. Chính sách ngoại giao toàn cầu cũng như nỗ lực tăng cường tham gia tại các tổ chức quốc tế của một nước sẽ bị ảnh hưởng bởi các hành động cưỡng ép của nước đó. Thế giới và khu vực đều đang quan sát những hành động như vậy.
Vậy Bộ Quốc phòng Mỹ đang làm gì ở Biển Đông để ứng phó với những diễn biến này? Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng phản đối hành vi cưỡng ép, đặc biệt là những hành vi quấy rối các hoạt động kinh tế được thực hiện hợp pháp bởi các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trước tình hình có nước đang tranh thủ thời điểm các nước khác tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19 để gây bất ổn ở khu vực, chúng tôi kêu gọi họ kiềm chế và ưu tiên hỗ trợ nỗ lực quốc tế phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi sẽ duy trì hiện diện quân sự liên tục trên Biển Đông, tiến hành các hoạt động hàng hải hỗn hợp thường xuyên cũng như các đợt diễn tập trên biển và diễn tập cùng với các đối tác và đồng minh. Chúng tôi đang tiến hành các hoạt động tuần tra thường kỳ của máy bay ném bom chiến lược tại khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác như Việt Nam để bảo vệ quyền chủ quyền và duy trì trật tự dựa trên luật lệ và củng cố an ninh hàng hải.
Về hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải (FONOP), chúng tôi đã thực hiện một số hoạt động FONOP trong năm nay và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Đây là một phần của một chương trình toàn cầu nhưng cũng được thực hiện tại khu vực Biển Đông nhằm khẳng định những quyền hợp pháp của các đối tác của Hoa Kỳ và tự do hàng hải trên toàn bộ Biển Đông.
Tất cả những hoạt động này nhằm thúc đẩy ổn định khu vực và răn đe các hành động hung hăng và cưỡng ép, đồng thời tái bảo đảm với các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực về những lợi ích chung của tự do hàng hải và thương mai có đi, có lại, công bằng và tự do.
Các quốc gia trong khu vực nên tiếp tục các hoạt động thương mại của mình bất kể các hành động quấy rối, đồng thời tiếp tục phản đối công khai các hoạt động quấy rối ở Biển Đông nếu điều này liên quan tới các hoạt động thương mại của các nước thành viên ASEAN.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của VOV!
Từ khóa: hợp tác Việt Nam Hoa Kỳ, quan hệ quốc phòng, Việt Nam, Mỹ, 25 năm quan hệ ngoại giao
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN