Quan hệ EU -Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sóng gió vì lệnh trừng phạt
Cập nhật: 25/09/2019
Đức tăng cường viện trợ xe tăng Leopard 1 cho Ukraine
Nhật Bản: căng thẳng vật giá không ngừng leo thang (27/12/2024)
VOV.VN - Động thái đầy cứng rắn của Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa hai bên đối mặt với sóng gió mới.
Liên minh châu Âu hôm qua (15/7), đã thông qua các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hoạt động khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi Cộng hòa Síp. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố vẫn tiếp tục các hoạt động ở Địa Trung Hải. Động thái đầy cứng rắn của cả hai bên có nguy cơ đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đối mặt với sóng gió mới và khiến con đường trở thành thành viên Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ thêm khó khăn hơn.
Một tàu thăm dò, khai thác dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ được tàu hải quân hộ tống tới Địa Trung Hải hồi tháng 6. (Ảnh: AP). |
Phát biểu với báo giới sau Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh châu Âu, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết, Liên minh châu Âu đã thông qua một số kết luận về Thổ Nhĩ Kỳ.
“Hôm nay (16/7) là năm thứ 3 kỷ niệm ngày xảy ra vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cho rằng, tất cả chúng ta đều nhớ tới ngày này. Sự bày tỏ tình đoàn kết của chúng tôi đối với Thổ Nhĩ Kỳ không phải là vấn đề cần bàn cãi. Tuy nhiên, các nước thành viên đã xem xét và thảo luận kỹ lượng trước khi đưa ra quyết định về các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ngoài khơi Địa Trung Hải”, bà Mogherini nói.
Theo bà Mogherini, một trong những biện pháp nghiêm trọng nhất là cắt giảm khoản tiền hơn 145 triệu euro, tương đương 164 triệu USD trong các Quỹ châu Âu được phân bổ cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020. Đây cũng là khoản hỗ trợ của Liên minh châu Âu cho các quốc gia có tiềm năng gia nhập khối này. Điều này đồng nghĩa với việc Liên minh châu Âu sẽ cân nhắc lại cơ hội trở thành thành viên Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây được xem là động thái mạnh tay, “nói là làm” của Liên minh châu Âu đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm buộc nước này dừng các hoạt động khoan thăm dò ngoài khơi Cộng hòa Síp. Liên minh châu Âu vốn xem hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là sự leo thang không thể chấp nhận được khi tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của một thành viên khối này. Hồi tháng 6, Liên minh châu Âu cũng đã lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu không dừng ngay các hoạt động thăm dò trái phép.
Quyết định đã ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực của không ít nước thành viên. Trong một phát biểu mới nhất, Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Đức Michael Roth nhấn mạnh:“Hành động gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ là điều tất cả chúng tôi không thể chấp nhận. Chúng tôi ủng hộ và sát cánh cùng Cộng hòa Síp. Chúng tôi đã quyết định để ngỏ các lựa chọn, kể cả các biện pháp trừng phạt. Thổ Nhĩ Kỳ nên hiểu rõ quan điểm của Liên minh châu Âu đối với Cộng hòa Síp”.
Phản ứng về động thái trừng phạt của Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay (16/7) tuyên bố vẫn tiếp tục các hoạt động ở Địa Trung Hải. Hãng thông tấn Anadolu dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền của mình và quyền của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như sẽ tăng cường hoạt động trong lĩnh vực này.
Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã xin gia nhập Liên minh châu Âu bởi Thổ Nhĩ Kỳ muốn được hưởng những ưu đãi về kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, cũng như cả những phúc lợi xã hội từ phía Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán về việc gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bị đóng băng liên quan đến nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở phía đông Địa Trung Hải đã làm dấy lên tranh chấp giữa Cộng hòa Síp - nước thành viên Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi hai tàu để thực hiện khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi bờ biển Síp bất chấp cảnh báo từ Liên minh châu Âu.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thăm dò dầu khí ngoài khơi bờ biển Síp, bất chấp cảnh báo từ Liên minh châu Âu sẽ “đổ thêm dầu vào lửa”, đẩy quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đối mặt với sóng gió. Điều này chỉ càng khiến con đường gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng hẹp lại và khó khăn hơn./.
Từ khóa: Quan hệ EU -Thổ Nhĩ Kỳ, lệnh trừng phạt, hoạt động thăm dò dầu khí, EU, Thổ Nhĩ Kỳ,
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN