Quân đội Syria trên đà thắng lợi, Nga-Thổ “đường ai nấy đi”?
Cập nhật: 25/02/2020
VOV.VN - Trong khi quân đội của Tổng thống Assad trên đà thắng lợi thì Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xuất hiện nhiều khác biệt về lợi ích tại Syria.
Đầu tháng 2/2020, 13 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong cuộc tấn công của quân đội Syria khiến Tổng thống Erdogan cảnh báo nước này sẽ tấn công lực lượng của Tổng thống Assad "ở bất cứ đâu" tại Syria nếu có thêm 1 binh lính nào khác bị thương.
Trong khi đó, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở tỉnh Idlib giữa quân đội của Tổng thống Assad và các phe phái đối lập với những diễn biến mang tính bước ngoặt.
Đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đi qua thị trấn Hazano do phe nổi dậy kiểm soát ở tỉnh Idlib, Syria. Ảnh: AFP |
Cái lắc đầu của Thổ Nhĩ Kỳ
Có 2 lý do lớn giải thích vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại phản đối mạnh mẽ việc chính phủ Syria tấn công quân sự nhằm giành lại Idlib. Thứ nhất, xét trên nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo, Thổ Nhĩ Kỳ đang nhận hơn 3 triệu người tị nạn Syria và nước này luôn lo ngại leo thang căng thẳng ở Idlib có thể tạo ra một làn sóng tị nạn mới tại khu vực biên giới của mình.
Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 1 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa ở Idlib trong 3 tháng qua. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa biên giới với tỉnh này của Syria. Tuy nhiên, sức ép sẽ đặt nặng trên vai Thổ Nhĩ Kỳ buộc Ankara phải mở cửa biên giới nếu ngày càng có nhiều người tị nạn tiến về khu vực này. Thổ Nhĩ Kỳ không muốn vấn đề này trở nên tồi tệ hơn.
Lý do thứ 2 mà Thổ Nhĩ Kỳ phản đối cuộc tấn công của chính phủ Syria là nằm ở mặt chiến lược. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này muốn biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng nổi dậy do Ankara ủng hộ chứ không phải do chính phủ Syria hay lực lượng người Kurd tại Syria kiểm soát.
Thổ Nhĩ Kỳ từng tiến hành một số chiến dịch quân sự nhằm tạo các vùng đệm ở khu vực biên giới. Nếu quân đội Syria giành lại được Idlib, điều này sẽ thay đổi cán cân quyền lực ở biên giới, đem đến cho chính quyền Syria và Nga ở thế "thượng phong". Lực lượng nổi dậy mà Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ sẽ bị suy yếu, đồng nghĩa với khả năng ảnh hưởng của Ankara trong cuộc xung đột Syria ngày càng suy giảm. Tổng thống Erdogan sẽ không bao giờ muốn một kết cục như vậy, ít nhất là sau tất cả những gì ông đã làm ở Syria.
Chìa khóa mở cánh cửa chiến thắng của Tổng thống Assad
Trong khi tình thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib ngày càng khó khăn thì việc giành lại được tuyến đường quốc lộ M5 của quân đội Syria chính là chìa khóa mở cánh cửa chiến thắng của Tổng thống Assad. Con đường quốc lộ M5 có lẽ là một trong những thành quả giá trị nhất mà các bên trong cuộc chiến ở Syria đều mong muốn kiểm soát được.
Tuyến quốc lộ Damascus - Aleppo, hay M5, được những người Syria gọi bằng cái tên "con đường quốc tế". Con đường này chạy qua những thành phố lớn của Syria và là "chìa khóa" quan trọng của người lãnh đạo đất nước. Nhà phân tích Syria Taleb Ibrahim thậm chí đã gọi M5 là "con đường quốc lộ quan trọng và thiết yếu nhất ở Trung Đông".
M5 là tuyến đường chiến lược bắt đầu từ phía nam Syria, gần biên giới với Jordan và chạy về hướng bắc nối với thành phố Aleppo gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyến quốc lộ 450km này nối 4 thành phố lớn nhất của Syria là Damascus, Homs, Aleppo và Idlib.
Trước chiến tranh, M5 giống như một huyết mạch kinh tế của Syria, chủ yếu thúc đẩy phát triển trung tâm công nghiệp Aleppo. Các chuyên gia ước tính con đường này đã mang đến 25 triệu USD/ngày cho thương mại Syria vào thời kỳ phát triển đỉnh cao của nước này trước chiến tranh.
Với phe nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối các khu vực do lực lượng này kiểm soát và ngăn cản quân đội Syria tiến đến gần. Việc mất đi quyền kiểm soát tuyến đường này chẳng khác nào “cú đánh chí mạng” vào phe đối lập vốn chỉ còn một phần lãnh thổ cuối cùng ở tây bắc Syria.
Trên thực tế, giành lại quyền kiểm soát tuyến quốc lộ M5 là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Assad từ những ngày đầu cuộc chiến. Chính phủ Syria với sự ủng hộ của Nga đã tiến hành những cuộc tấn công lớn vào Idlib, giành lại các thị trấn và những ngôi làng ở cả 2 bên của tuyến đường này. Việc kiểm soát được thị trấn Khan Sheikhoun là bước đột phá quan trọng đầu tiên của quân đội Tổng thống Assad, sau đó là chiến thắng ở Maaret al-Numan và Saraqeb nằm trên giao lộ giữa tuyến đường M4 và M5.
Chiến thắng liên tục tại những vị trí quan trọng đã giúp lực lượng của Tổng thống Assad kiểm soát toàn bộ tuyến đường này lần đầu tiên kể từ năm 2012. Nhà phân tích Ibrahim nhận định tuyến quốc lộ M5 có ý nghĩa quan trọng bởi nó nối "thủ phủ chính trị là thủ đô Damascus với thủ phủ kinh tế là thành phố Aleppo" của Syria.
Dù vậy, các lực lượng vẫn sẽ tiếp tục giằng co ở Idlib trong thời gian tới bởi nhiều khu vực của tỉnh này vẫn nằm trong tay của những kẻ nổi dậy. Chính vì thế, dù kiểm soát được M5 nhưng chính phủ Syria vẫn còn chặng đường dài để nối lại các khu vực mà chính phủ kiểm soát sau khi những nơi này bị chia cắt trong nhiều năm.
Hội nghị “gỡ rối” Syria
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã xác nhận hôm 23/2 rằng ông sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 5/3 tới để thảo luận về tình hình Idlib ở Syria. Đầu tháng 2/2020, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã không tuân thủ các cam kết quan trọng về Idlib, trong đó có nhiệm vụ tách phe nổi dậy, lực lượng sẵn sàng bước vào quá trình đàm phán với chính phủ theo khung làm việc của 1 tiến trình chính trị, với những kẻ khủng bố. Đáp lại, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay khẳng định Ankara đã hoàn thành mọi nghĩa vụ của nước này tại Idlib.
Oytun Orhan, một nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông ở Ankara nhận định Thổ Nhĩ Kỳ không muốn mất thể diện khi phải rút quân khỏi những chốt quan sát mà hầu hết trong số đó hiện nằm trong tay của quân đội Syria.
"Thổ Nhĩ Kỳ không muốn mất đi những thành quả đạt được tại Syria và có mục tiêu tiếp tục duy trì lực lượng quân sự tại Idlib bằng mọi giá".
Theo các nhà quan sát quân sự, hơn 9.000 quân của Thổ Nhĩ Kỳ đã được cử tới Syria trong 2 tuần qua nhưng Ankara vẫn chưa kiểm soát được không phận Idlib - khu vực mà lực lượng Syria với sự ủng hộ của Nga đang chiếm ưu thế. Điều này khiến lực lượng trên thực địa của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng khó khăn hơn.
Đằng sau toan tính của Nga ở Syria
Thái độ của Nga ở Syria đã cho thấy nước này quyết tâm kiềm chế những tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ và chấm dứt những hành động được cho là vượt quá giới hạn của Tổng thống Erdogan tại quốc gia Trung Đông này.
Dù vậy, các thành viên trong đội ngũ các nhà ngoại giao của Moscow vẫn hy vọng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay đổi tình thế và tránh một cuộc đối đầu nguy hiểm có thể xảy ra tại phía bắc Syria.
Rõ ràng, dựa trên tình hình thực tế, Nga sẽ không bỏ rơi Tổng thống Bashar Al Assad bởi suy cho cùng chính phủ Syria là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Moscow tại Trung Đông.
Nhà phân tích Raghida Dergham nhận định, trong suốt những cuộc thảo luận về quan điểm của các nhóm lãnh đạo quân sự và dân sự Nga, các chuyên gia đều đồng quan điểm rằng một cuộc đối đầu quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là điều không thể tránh khỏi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - người ủng hộ quan trọng của Tổng thống Assad luôn giữ vững quan điểm rằng ưu tiên lớn nhất trong cuộc nội chiến ở Syria là giúp phe chính phủ giành chiến thắng. Trong quá khứ, Nga từng tạm gác mục tiêu này sang một bên như khi tiến hành 1 thỏa thuận giảm leo thang bạo lực ở Idlib năm 2017 với Thổ Nhĩ Kỳ và thỏa thuận giữa 2 bên nhằm vô hiệu hóa lực lượng người Kurd ở phía bắc Syria. Tuy nhiên, Moscow dường như chưa bao giờ từ bỏ ý định ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad giành lại Idlib và kết thúc nội chiến. Một vấn đề đặt ra là tại sao quân đội Syria lại lựa chọn thời điểm này để tung đòn quyết định vào Idlib? Rõ ràng, trong khi Mỹ đang bận tập trung vào những vấn đề nội bộ trong nước trong năm bầu cử, Nga và Syria đã ngay lập tức nhìn ra cánh cửa cơ hội để đạt được mục tiêu trên. Dù vậy, sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong sự đoán định từ trước của 2 quốc gia này nhưng hành động của Ankara vẫn là một câu hỏi.
Liệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành một chiến dịch can thiệp quân sự hạn chế cùng với phe nổi dậy nhằm trì hoãn cuộc tấn công của quân đội Syria với sự hậu thuẫn từ Nga? Hay Ankara sẽ "chơi 1 ván bài tất tay" bằng một cuộc chiến trên quy mô lớn với hậu quả vô cùng thảm khốc cho tất cả các bên?./.
Nhân tố làm đảo chiều những toan tính chiến lược ở Idlib (Syria)
Từ khóa: quân đội Syria thắng lợi, Tổng thống Assad, quan hệ Nga Thổ, chiến trường Idlib, giao tranh ác liệt ở Syria
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN