Quan điểm của Trung Quốc, Ấn Độ và Nga trong và bên lề BRICS 2024
Cập nhật: 24/10/2024
VOV.VN - Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 diễn ra rất sôi nổi. Trung Quốc bày tỏ mong muốn mở rộng thành viên của khối này, Ấn Độ đề cao vai trò của khối, còn Nga và Ấn Độ bàn bạc bên lề về xung đột Ukraine…
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Kazan, Nga, ngày 23/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng cán cân quyền lực quốc tế đang thay đổi sâu sắc, cần thích ứng với sự trỗi dậy của “Phương Nam toàn cầu”, thúc đẩy tiến trình mở rộng thành viên và thiết lập quốc gia đối tác của BRICS.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, việc mở rộng thành viên là cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) và là sự kiện mang tính bước ngoặt trong sự diễn tiến của cục diện quốc tế. Hội nghị lần này tại Kazan, Nga quyết định mời một số quốc gia trở thành đối tác của BRICS, đây là một bước tiến quan trọng khác trong quá trình phát triển của BRICS.
Theo Chủ tịch Trung Quốc, cán cân quyền lực quốc tế đang thay đổi sâu sắc, nhưng cải cách hệ thống quản trị toàn cầu đã bị tụt hậu từ lâu. Ông nói, cần thực hiện chủ nghĩa đa phương đích thực, tuân thủ quan điểm quản trị toàn cầu về tham vấn sâu rộng, đóng góp chung và chia sẻ lợi ích, dẫn dắt cải cách quản trị toàn cầu với quan điểm công bằng chính nghĩa và cởi mở bao trùm.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, cần thích ứng với xu thế trỗi dậy của “Phương Nam Toàn cầu” và tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của các nước tham gia cơ chế hợp tác BRICS, thúc đẩy tiến trình mở rộng thành viên và thiết lập các nước đối tác, nâng cao tính đại diện và tiếng nói của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu.
Đề cập đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc và Brazil đã cùng với một số quốc gia “Phương Nam toàn cầu” thành lập nhóm “Những người bạn hòa bình”, nhằm tập hợp nhiều hơn những tiếng nói cam kết vì hòa bình. Ông cũng tái khẳng định 3 nguyên tắc “không mở rộng chiến trường, không leo thang chiến sự, không khiêu khích bởi bất kỳ bên nào”, nhằm thúc đẩy tình hình Ukraine nhanh chóng hạ nhiệt.
Về tình hình Trung Đông, ông cho rằng, cần sớm thúc đẩy lệnh ngừng bắn, chấm dứt giết chóc, nỗ lực đạt được giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine.
Ông Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc sẽ thực hiện kế hoạch xây dựng năng lực giáo dục kỹ thuật số BRICS và thành lập 10 trung tâm dạy học tại các nước BRICS trong 5 năm tới, nhằm cung cấp cơ hội đào tạo cho 1.000 nhà quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh tại các quốc gia này.
Trung Quốc cũng sẽ thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc tế tài nguyên biển sâu BRICS, Trung tâm hợp tác phát triển đặc khu kinh tế ở các nước BRICS, Trung tâm năng lực công nghiệp BRICS và Mạng lưới hợp tác hệ sinh thái kỹ thuật số BRICS, đồng thời kêu gọi các bên tích cực tham gia, nhằm thúc đẩy chất lượng và nâng cấp hợp tác BRICS.
Với tư cách là một cơ chế liên kết đa dạng và toàn diện, Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) có thể đóng vai trò tích cực trong mọi vấn đề đặt trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức - đây là tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 23/10 trong khuôn khổ các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16, được tổ chức tại thành phố Kazan, Nga.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh rằng, Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra vào thời điểm thế giới đang trải qua một số bất ổn và thách thức, bao gồm xung đột, tác động bất lợi của khí hậu và các mối đe dọa an ninh mạng. Điều này đặt ra sự kỳ vọng lớn hơn vào BRICS. Ông Modi đề xuất rằng, cách tiếp cận của BRICS nên lấy con người làm trung tâm để giải quyết những thách thức này, đồng thời khẳng định rằng BRICS không phải là một nhóm gây chia rẽ mà là một nhóm vì lợi ích của cộng đồng.
Tại hội nghị, lãnh đạo các quốc gia thành viên BRICS đã có các cuộc thảo luận sâu rộng, bao gồm nhiều chủ đề như tăng cường chủ nghĩa đa phương, chống khủng bố, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và tập trung vào các mối quan tâm của các nước Phương Nam. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Ấn Độ khẳng định cam kết của nước này trong việc tăng cường hợp tác theo nhóm BRICS; đưa ra sáng kiến cải cách các thể chế toàn cầu như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ngân hàng Phát triển Đa phương hay Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nêu bật các hoạt động của BRICS nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Modi nhấn mạnh rằng những nỗ lực của nhóm trong việc tạo thuận lợi cho thương mại trong nông nghiệp, chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi, thương mại điện tử và khu kinh tế đặc biệt đã tạo ra những cơ hội mới. Ông bày tỏ rằng Diễn đàn Khởi nghiệp BRICS do Ấn Độ khởi xướng được ra mắt trong năm nay và sẽ mang lại giá trị đáng kể cho chương trình nghị sự kinh tế của BRICS.
Ngoài ra, Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một vấn đề ưu tiên chung đối với các quốc gia đối tác và nêu bật các sáng kiến mà Ấn Độ đã thực hiện theo hướng này, bao gồm Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế (ISA), Liên minh Cơ sở hạ tầng Chống chịu Thiên tai (CDRI), Sứ mệnh LIFE và Sáng kiến Tín dụng xanh được công bố trong Hội nghị COP28.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS đã thông qua Tuyên bố chung. Đáng chú ý, các nước thành viên BRICS đã ký Biên bản ghi nhớ và một số thỏa thuận nhằm tăng cường các hành động hướng tới biến đổi khí hậu.
Tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về tình hình cuộc xung đột tại Ukraine. Trong đó, nhà lãnh đạo Ấn Độ nhấn mạnh quan điểm rằng đối thoại và ngoại giao là các biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề.
Thủ tướng Modi cho biết Ấn Độ ủng hộ giải quyết sớm cuộc xung đột tại Ukraine và mong muốn thiết lập hòa bình và ổn định. Ông nói: "Tôi đã liên tục liên lạc với các bạn về vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine. Chúng tôi tin rằng các vấn đề nên được giải quyết theo cách hòa bình. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc sớm thiết lập hòa bình và ổn định. Mọi nỗ lực của chúng tôi đều ưu tiên cho nhân loại. Ấn Độ sẵn sàng cung cấp mọi sự hợp tác có thể trong thời gian tới", Thủ tướng Ấn Độ nói.
Hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Nga cũng xem xét hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, bao gồm chính trị, kinh tế, quốc phòng, năng lượng và giao lưu nhân dân. Hai bên hoan nghênh cuộc họp sắp tới của Ủy ban liên chính phủ Ấn Độ-Nga về thương mại, kinh tế và văn hóa, dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay tại thủ đô New Delhi.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược đặc biệt và đặc quyền giữa hai nước, đồng thời trao đổi quan điểm về sự tham gia của Ấn Độ-Nga tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại BRICS. Thủ tướng Ấn Độ Modi đánh giá cao vai trò Chủ tịch BRICS của Nga và những nỗ lực nhằm tăng cường chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững và cải cách quản trị toàn cầu.
Thủ tướng Modi cũng đã mời Tổng thống Putin đến thăm Ấn Độ vào năm tới để tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn Độ-Nga lần thứ 23.
Từ khóa: brics, trung quốc, bên lề brics, brics 2024, quan điểm trung quốc, vai trò brics, ấn độ lên tiếng, nga ấn độ, chủ nghĩa đa phương, nam toàn cầu, cán cân quyền lực, quản trị toàn cầu, chính nghĩa, trật tự thế giới, xung đột ukraine
Thể loại: Thế giới
Tác giả: dũng hoàng, bích thuận/vov
Nguồn tin: VOVVN