Quan điểm của cặp đôi Trump-Harris: Bất đồng về Ukraine, bất biến với Israel

Cập nhật: 23/10/2024

VOV.VN - Dù có nhiều bất đồng trong cách thức xử lý vấn đề Ukraine, nhưng đối với cuộc xung đột ở Trung Đông, cặp đôi Trump-Harris lại bất ngờ tìm thấy tiếng nói chung. Có nhiều lý do để Mỹ duy trì quan điểm đối ngoại gần như đồng nhất với Israel qua nhiều đời tổng thống, đặc biệt khi đường đua tranh cử đang tiến gần về đích.

Bất đồng quan điểm về Ukraine

Khi xung đột Nga-Ukraine đã bước sang năm thứ ba, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn tiếp tục bất đồng quan điểm về chính sách của Mỹ đối với quốc gia Đông Âu này.

Bà Harris cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu đối ngoại của chính quyền Joe Biden, bao gồm hỗ trợ Ukraine và ngăn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia trực tiếp vào cuộc chiến với Nga. Ngược lại, ông Trump tỏ ra mơ hồ về mức độ hỗ trợ của Mỹ trong tương lai dành cho Ukraine.

Trong cuộc tranh luận Tổng thống vào tháng 9 do ABC News tổ chức, ứng viên đảng Cộng hòa đã né tranh câu hỏi từ người điều phối, rằng liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga hay không. Thay vào đó, ông tuyên bố, "Tôi muốn chấm dứt xung đột", đồng thời kêu gọi hai nước tiến tới đàm phán một thỏa thuận hòa bình.

Cựu Tổng thống Trump từng nhiều lần chỉ trích chính quyền Biden vì đã gửi hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine. Tự nhận xét có “mối quan hệ gần gũi” nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, ông Trump khẳng định sẽ kết thúc xung đột ngay sau khi đắc cử. Các chuyên gia cũng cho rằng, nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump sẽ kéo gần hơn quan hệ song phương phương Nga-Mỹ và có thể buộc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ để chấm dứt giao tranh do dòng chảy viện trợ từ Washington đến Kiev bị đứt quãng.

Cho đến nay, Mỹ vẫn là nhà viện trợ quân sự lớn nhất của Ukraine. Theo Viện Kiel, tính đến cuối tháng 6, Kiev đã nhận được 55,5 tỷ USD viện trợ quân sự từ Washington. Con số này gần bằng một nửa tổng số tiền viện trợ của quốc gia đồng minh dành cho Ukraine.  

Tìm thấy tiếng nói chung về vấn đề Trung Đông

Trong khi đó, có vẻ như đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã tìm thấy tiếng nói chung trong vấn đề Gaza. Lưỡng đảng đều ủng hộ cái mà họ gọi là "quyền tự vệ của Israel" bằng cách tiếp tục dòng chảy viện trợ cho nước này. Trong khi ông Donald Trump khẳng định sẽ để Israel "hoàn thành công việc" ở Gaza, bà Kamala Harris sẽ tiếp tục đối sách của chính quyền đương nhiệm là cung cấp cho Israel "mọi thứ mà Tel Aviv cần".

Theo báo cáo của Viện Watson thuộc Đại học Brown, Nhà Trắng đã cung cấp cho Israel 17,9 tỷ USD viện trợ quân sự riêng lẻ kể từ cuộc tấn công do Hamas vào Dải Gaza ngày 7/10. Đây được xem là số tiền kỷ lục kể từ khi hai nước thành lập quan hệ ngoại giao.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở New Jersey ngày 16/8, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump chỉ trích đối thủ ở đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris, vì "luôn đề nghị ngừng bắn (giữa Israel và Hamas)".

"Khi tôi trở lại Phòng Bầu dục, tôi sẽ ủng hộ quyền của Israel giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa. Họ phải có quyền giành chiến thắng trong cuộc chiến như vậy", ông nói.

Trước đó, bà Harris cũng nhiều lần đồng thuận với lập trường của Tổng thống Joe Biden về ủng hộ Israel, bác bỏ lời kêu gọi của một số thành viên đảng Dân chủ rằng Washington nên cân nhắc lại việc gửi vũ khí cho Israel vì cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. 

"Tôi đã dành toàn bộ sự nghiệp và cuộc đời mình để ủng hộ Israel và người dân Israel”, bà nói trong đêm tranh luận Tổng thống hồi tháng 9 với ông Trump, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực này.

Động lực nào thúc đẩy Mỹ ủng hộ Israel?

"Có nhiều lý do để Mỹ tiếp tục đồng hành với Israel", Bà Shreya Upadhyay, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kalinga cho biết. "Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Israel được coi là lá chắn chống lại ảnh hưởng của Liên Xô ở Trung Đông và là đối trọng với chủ nghĩa dân tộc Ả Rập ở Washington".

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến tầm ảnh hưởng lớn của các nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel tại Mỹ, trong đó có những cử tri Mỹ gốc Do Thái đóng góp hàng tỷ USD cho các chiến dịch tranh cử.

Những vấn đề nảy sinh bên ngoài lãnh thổ Mỹ ít khi ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử trong nước nhưng cuộc chiến ở Trung Đông là một ngoại lệ. Sự ủng hộ hiện tại của chính quyền Mỹ đối với Israel là nguyên nhân của phòng trào phản chiến trên khắp xứ sở cờ hoa với sự tham gia của nhóm cử tri trẻ và cử tri Mỹ theo đạo Hồi. Điều này có thể khiến những người ủng hộ Palestine không bỏ phiếu hoặc chuyển những lá phiếu này cho các ứng cử viên của bên thứ ba.

Người Do Thái chỉ chiếm một phần nhỏ trong dân số Mỹ, khoảng hơn 2%. Số lượng cử tri gốc Do Thái thậm chí còn ít hơn nhiều; tuy nhiên, những lá phiếu của nhóm cử tri này vẫn đủ lớn để tạo nên sự khác biệt ở một số tiểu bang dao động, đặc biệt là Pennsylvania.

Dự án Dân số Do Thái Mỹ tại Đại học Brandeis ước tính có khoảng 300.000 cử tri Do Thái đã đăng ký tại tiểu bang này. Nếu xem xét lại quá khứ, Tổng thống Joe Biden từng giành chiến thắng ở Pennsylvania với ít hơn 82.000 phiếu bầu vào năm 2020 và người tiền nhiệm Trump cũng có thành tích tương tự với khoảng 44.000 phiếu bầu vào năm 2016, thì có thể thấy, sự ủng hộ của nhóm cử tri Do Thái rất quan trọng.

Bỏ phiếu sớm đã bắt đầu, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 vẫn khó đoán định

VOV.VN - Kỳ bỏ phiếu sớm đã bắt đầu ở một số bang trên khắp nước Mỹ, với gần 12 triệu cử tri Mỹ tham gia tính đến ngày 19/10, theo thống kê của New York Times. Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn cho rằng những lá phiếu sớm “chưa nói lên được điều gì”, khiến kết quả cuộc đua năm nay rất khó đoán định.

Từ khóa: Trump, Harris

Thể loại: Thế giới

Tác giả: diệp thảo/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập