Phương Tây tính chuyển giao chiến đấu cơ tối tân cho Ukraine: Đã quá muộn?
Cập nhật: 16/08/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Với việc NATO để ngỏ khả năng cung cấp các máy bay chiến đấu hiện đại của phương Tây cho Ukraine, câu hỏi đặt ra là liều điều này có giúp “thay đổi cuộc chơi” hay mọi thứ đã quá muộn?
Cuộc chiến Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 6 và đang rơi vào tình trạng bế tắc bất chấp kỳ vọng giành chiến thắng từ cả 2 phía.
Chưa bên nào làm chủ bầu trời
Giống như phần còn lại của cuộc xung đột tại Ukraine, tất cả các cuộc thảo luận về cuộc chiến trên không đều diễn ra với mức độ thiếu chắc chắn khi cả Nga và Ukraine đều giữ kín thông tin về hoạt động của máy bay chiến đấu của họ trên chiến trường. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận biết là cuộc không chiến đã diễn ra hoàn toàn khác với dự đoán.
Khi Nga bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giới phân tích dự đoán Moscow có thể nhanh chóng giành quyền kiểm soát bầu trời và bay tới những nơi họ muốn để tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Nhưng đến thời điểm hiện tại. Moscow vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine. Nga hành động khá tiết chế dù có sức mạnh không quân vượt trội. Còn Ukraine, dù bị áp đảo về quân số và hỏa lực, song vẫn thực hiện các chuyến bay và hệ thống phòng không của nước này vẫn được coi là khả thi.
Điều này khiến nhiều chuyên gia quân sự bối rối bởi Lực lượng Không quân Ukraine sử dụng các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không từ thời Liên Xô. Ukraine không chỉ kém Nga về mặt quân số mà nhiều máy bay chiến đấu của nước này đã bị lỗi thời, thiếu phụ tùng và không được nâng cấp thường xuyên như máy bay chiến đấu của Nga.
Về mặt lý thuyết Nga lẽ ra đã kiểm soát không phận Ukraine một cách dễ dàng vì nước này có nhiều máy bay hơn, quen thuộc với chiến đấu cơ và hệ thống phòng thủ của đối phương. Vậy điều gì đã xảy ra?
Các chuyên gia quân sự đã nhận thấy Nga gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ tầm xa hoặc buộc máy bay chiến đấu của Ukraine tham chiến khi họ trong tình thế bất lợi. Ngoài ra, còn những bằng chứng về sự thiếu phối hợp của không quân Nga với các đơn vị bộ binh. Bộ binh Nga đôi khi được triển khai ngoài tầm với của lực lượng phòng không nước này.
Một số nhà quan sát cho rằng, điều này có thể là do Moscow chưa huy động toàn bộ lực lượng không quân và chỉ triển khai một số lượng hạn chế máy bay chiến đấu. Đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy Moscow triển khai tiêm kích đa nhiệm Su-57 thế hệ thứ 5 – vốn được coi là một trong những chiến đấu cơ hiện đại nhất của nước này, trên chiến trường. Moscow có thể lo ngại việc mất những máy bay tối tân hoặc các phi công dày dặn kinh nghiệm, vốn rất khó thay thế trong những trận chiến có nguy cơ tổn thất nặng nề.
Lý do thứ hai là khả năng Nga phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine, hoặc thiếu các loại đạn dược chính xác khiến họ khó áp chế hệ thống phòng không của đối phương.
Dù Nga phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến trên không, nhưng những vấn đề mà Ukraine gặp phải cũng nghiêm trọng không kém. Kiev có số lượng máy bay ít hơn, thiếu phụ tùng thay thế, nhân viên bảo trì và các phi công được đào tạo bài bản. Các máy bay chiến đấu của Ukraine có thể đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga, nhưng không ngăn cản được chiến đấu cơ Nga và cũng không thể thăm dò phía sau phòng tuyến của đối phương.
Hiện tại, Không quân Ukraine đang sở hữu các chiến đấu cơ MiG-29, Sukhoi Su-24, Sukhoi Su-25 và Sukhoi Su-27. Phi đội này đã bị tổn thất nặng nề kể từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến và đến tháng 3/2020, từng có tin đồn về việc Ba Lan chuyển giao cho Kiev máy bay MiG-29 của nước này để đổi lấy tiêm kích F-16 của Mỹ.
Thông tin này ngay lập tức bị Bộ Quốc phòng Mỹ bác bỏ với lý do hành động này dễ dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp với Nga, thậm chí khiến Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine hoặc tấn công các mục tiêu của NATO. Tuy nhiên, Ba Lan và các quốc gia thuộc Khối Warszawa trước đây đã bắt đầu gửi phụ tùng đến Ukraine để giúp Kiev bảo trì và vận hành máy bay chiến đấu của nước này.
Hồi tháng 7 vừa qua, chính phủ Mỹ đã bắt đầu thay đổi lập trường. Hiện Mỹ và NATO đang xem xét trang bị cho Không quân Ukraine máy bay chiến đấu tiên tiến của phương Tây. Các câu hỏi đặt ra là những máy bay nào sẽ được chuyển giao cho Kiev và điều này có tạo ra sự khác biệt trên chiến trường hay không?
Những ứng cử viên tiềm năng
5 ứng cử viên hàng đầu là tiêm kích F-15, F-16, Saab Gripen, Dassault Rafale và Eurofighter Typhoon. Tất cả những máy bay này đều đã được thử nghiệm trên chiến trường và phát huy hiệu quả. Chúng là các máy bay chiến đấu đa nhiệm có thể đảm đương nhiều vai trò khác nhau và luôn sẵn có với số lượng nhiều vì thế không gây ra sự thiếu hụt đối với các quốc gia tài trợ.
F-15 Eagle dù có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn là một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không hàng đầu có khả năng bay với tốc độ Mach 1.2, được xem là máy bay chiến đấu tốt nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Không quân Mỹ dự kiến tiếp tục vận hành loại máy bay này cho đến năm 2025.
Còn F-16 Fighting Falcon đã trở thành một câu chuyện thành công trong lĩnh vực hàng không vũ trụ nhờ chi phí thấp, khả năng cơ động và khả năng leo dốc thẳng đứng ngoạn mục. Với tốc độ tối đa Mach 2.05, nó hiện được sử dụng như một máy bay chiến đấu đa năng, thực hiện cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất.
Tiêm kích Gripen của Thụy Điển là máy bay chiến đấu cỡ nhỏ, linh hoạt, một động cơ, được trang bị động cơ Volvo-Flygmotor RM12. Máy bay này đã trải qua nhiều đợt nâng cấp kể từ khi thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1988. Các biến thể mới nhất của máy bay được tích hợp hệ thống điện tử hàng không mới, khả năng mang nhiều vũ khí và tốc độ tối đa Mach 2. Hiện giờ, Gripen đã trở thành máy bay chiến đấu thế hệ 4,5.
Chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon, cất cánh lần đầu vào năm 1994, là sản phẩm của sự hợp tác giữa Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha để thay thế cho nhiều loại máy bay đánh chặn tầm ngắn và máy bay tấn công mặt đất. Mặc dù không được ưa thích như tiêm kích F-22 Raptor thế hệ thứ 4 nhưng Eurofighter Typhoon được cho là hoạt động tốt hơn so với F-15 hoặc các biến thể Su-27 của Nga. Nó có thể đạt tốc độ Mach 1.5 và đang phục vụ cho một số lực lượng không quân ở châu Âu và Trung Đông.
Dassault Rafale do tập đoàn Dassault Aviation của Pháp chế tạo, hiện đang là máy bay chủ lực trong phi đội của của Hải quân và Không quân Pháp. Rafale có chiều dài 15,27 m, sải cánh 10,8 m, cao 5,34 m, có thể đạt tốc độ bay 2.250 km/h, tầm hoạt động 1.800 km, trần bay 18.000 m (vượt trội cả tiêm kích hạng nặng Su-30, Su-35 của Nga và F-35 của Mỹ). Chiến đấu cơ này được tiếp thị mạnh mẽ trên thị trường quốc tế và trở thành sản phẩm được nhiều người quan tâm trong các thương vụ mua bán vũ khí.
Tuy vậy, một số loại máy bay chẳng hạn như Lockheed Martin F-35 Lightning II, F-22 Raptor, hoặc Boeing F/A-18 Super Hornet có thể không nằm trong danh sách. Chúng có thể quá hiện đại và đắt đỏ. Chưa kể, Washington cũng lo ngại, thiết kế của F-35 hoặc công nghệ thế hệ 5 của chiến đấu cơ này có thể rơi vào tay Nga.
Máy bay chiến đấu đòi hỏi rất nhiều sự hỗ trợ để có thể duy trì hoạt động. Điều đó đồng nghĩa với việc quốc gia tiếp nhận cần phải được gửi kèm đạn dược, phụ tùng, thiết bị bảo trì, hệ thống chỉ huy và điều khiển, hệ thống phòng thủ đất đối không và rất nhiều cố vấn để hướng dẫn cách sử dụng chúng.
Nhưng vấn đề quan trọng nhất là đào tạo phi công. Các chuyên gia quân sự cho rằng, hoạt động huấn luyện quan trọng hơn nhiều so với hỗ trợ trang thiết bị và sự khác biệt về hiệu quả của các lực lượng không quân nằm ở khâu đào tạo. Nếu phương Tây chỉ cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu mà không huấn luyện họ sử dụng thành thạo thì điều này sẽ là vô ích.
Thời gian đào tạo phi công thường kéo dài ít nhất 6 tháng. Nhưng máy bay chiến đấu của phương Tây cùng các thiết bị hỗ trợ rất phức tạp vì thế quá trình đào tạo có thể kéo dài hơn. Chưa kể, phi công Ukraine thường quen với việc vận hành máy bay có từ thời Liên Xô, do đó việc làm quen với một chiến đấu cơ mới có thể rất khó khăn.
Đã quá muộn?
Nhiều người đặt câu hỏi liệu nếu phương Tây chuyển giao máy bay cho Ukraine trong thời điểm này thì điều đó liệu có quá muộn?
Tướng về hưu của Không quân Mỹ, ông Larry Stutxriem cho rằng, nếu một máy bay chiến đấu của phương Tây chẳng hạn như A-10 xuất hiện ngay từ đầu cuộc chiến thì cục diện chiến trường có thể đã thay đổi. Nhưng Nga đang triển khai hệ thống phòng không S-300 cùng nhiều tên lửa đất đối không và các hệ thống phòng không khác để bảo vệ lực lượng mặt đất. Moscow thậm chí còn điều động các đơn vị tác chiến điện tử chống lại hoạt động trinh sát và tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.
Ngoài những thay đổi trên chiến trường Ukraine, các nước NATO đang nhanh chóng xây dựng và củng cố lực lượng phòng thủ để đảm bảo an ninh do lo ngại tác động của xung đột. Đơn đặt hàng máy bay chiến đấu của các thành viên trong khối đã tăng 80,6% trong tháng 6. Với nhu cầu lớn như vậy, chắc chắn sẽ không có nhiều máy bay dư thừa để chuyển giao cho Ukraine.
Giới phân tích cho rằng, bất kể hoạt động chuyển giao nào cũng phải được xem xét trong bối cảnh rộng hơn. Nga đã phản đối mạnh mẽ sự can dự của NATO vào cuộc chiến Ukraine, đồng thời cảnh báo bất cứ thỏa thuận cung cấp máy bay chiến đấu nào cho Kiev cũng được coi là “hành động chiến tranh”. Từng có thông tin cho rằng, lực lượng người nhái của Ukraine do đội đặc nhiệm Special Boat Service của Hải quân Anh huấn luyện đã thực hiện nhiệm vụ giành lại quyền kiểm soát Đảo Rắn và Hải quân Hoàng gia Anh đã cung cấp thông tin tình báo cho hoạt động này. Hồi tháng 4 vừa qua, Moscow cho biết đã điều tra thông tin về việc một số thành viên thuộc lực lượng đặc nhiệm (SAS) của quân đội Anh được triển khai ở miền Tây Ukraine.
Ngoài nguy cơ xung đột leo thang, còn có một câu hỏi khác là cuộc chiến sẽ diễn ra trong bao lâu. Một số chuyên gia cho rằng, nếu chiến tranh sớm kết thúc, thì hoạt động chuyển giao máy bay chiến đấu của phương Tây sẽ diễn ra. Nhưng cả Nga và Ukraine vẫn chưa giành được chiến thắng quyết định trước đối thủ. Điều này đồng nghĩa với việc cuộc chiến có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm. Trong trường hợp đó, Ukraine sẽ có thêm thời gian để tiếp nhận máy bay của phương Tây và đào tạo phi công, song đây chỉ là một biện pháp đối phó trước một cuộc chiến tranh tiêu hao chưa có hồi kết./.
Từ khóa: xung đột nga ukraine, chiến tranh nga ukraine, phương tây chuyển giao chiến đấu cơ cho ukraine, không quân ukraine, không quân nga, máy bay chiến đấu của ukraine, cuộc chiến trên không, kiểm soát không phận ukraine, lý do nga chưa kiếm soát không phận ukraine, hệ thống phòng thủ ukraine, phương tây hỗ trợ ukraine máy bay chiến đấu
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN