Phương Tây dần cạn kiệt kho vũ khí, Ukraine sẽ trông đợi vào đâu?
Cập nhật: 29/09/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Mỹ và châu Âu đang dần cạn kiệt kho vũ khí và sẽ không thể cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí mạnh nhất trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine bước vào giai đoạn quan trọng.
Phương Tây sắp hết vũ khí gửi đến Ukraine?
Dave Des Roches, chuyên gia quân sự cấp cao tại Đại học Quốc phòng Mỹ mới đây đã bày tỏ lo ngại rằng các lựu pháo Ukraine sử dụng để đẩy lùi lực lượng Nga có thể cạn kiệt đạn trong khoảng chỉ hai tuần.
“Tôi rất lo lắng. Trừ khi có thể sản xuất mới nhưng quá trình này sẽ mất nhiều tháng. Chúng tôi sẽ không có khả năng cung cấp thêm cho Ukraine”, ông Des Roches nói với CNBC.
Kho dự trữ vũ khí của EU cũng đang ở mức thấp. “Kho dự trữ quân sự của hầu hết các quốc gia thành viên đã cạn kiệt, bởi chúng tôi đã chuyển giao rất nhiều vũ khí cho Ukraine”, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết.
Mới đây, một quan chức cấp cao châu Âu nói rằng, sẽ không có bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào về dòng vũ khí đổ về Ukraine và không có chuyện phương Tây phá vỡ các quy tắc về các loại vũ khí gửi tới Kiev. Vị quan chức giải thích rằng đó là do Mỹ đang tránh để xảy ra xung đột trực tiếp với Nga bằng cách cung cấp vũ khí tối tân hơn cho Ukraine, đồng thời, kho vũ khí dự trữ của EU hiện đang cạn kiệt.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt với các quan chức quản lý vũ khí của liên minh hôm 27/9 để thảo luận về cách bổ sung kho vũ khí của các quốc gia thành viên.
Theo các nhà phân tích quân sự, các quốc gia phương Tây đã và đang sản xuất vũ khí với khối lượng nhỏ hơn nhiều trong thời bình khi nhiều nước lựa chọn cắt giảm chế tạo vũ khí và chỉ sản xuất vũ khí khi cần thiết. Bên cạnh đó, một số vũ khí sắp hết hạn sử dụng không được sản xuất nữa và cần phải có lao động có kỹ năng cao và kinh nghiệm để sản xuất vũ khí.
Trong kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần trước, ông Stoltenberg nói rằng các thành viên NATO cần tái đầu tư vào các cơ sở công nghiệp trong lĩnh vực vũ khí.
“Chúng tôi hiện đang làm việc với các nhà sản xuất để tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược”, người đứng đầu NATO nói, đồng thời cho biết thêm rằng các nước cần khuyến khích các nhà sản xuất vũ khí mở rộng năng lực dài hạn bằng cách đặt hàng nhiều vũ khí hơn.
Tuy nhiên, việc tăng cường sản xuất vũ khí không phải là một điều dễ dàng hay có thể nhanh chóng thực hiện đối với một quốc gia.
Khả năng tự vệ của Mỹ có bị ảnh hưởng không?
Theo CNBC, câu trả lời là không. Cho đến nay, Mỹ là nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng, với 15,2 tỷ USD tiền vũ khí cho Kiev. Một số loại vũ khí do Mỹ sản xuất cung cấp cho Ukraine được cho là đã thay đổi cục diện trên chiến trường, đặc biệt là pháo tự hành 155mm và hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn có thể” để đẩy lùi lực lượng Nga. Điều này có nghĩa là nếu muốn hỗ trợ Ukraine, Mỹ cần nhiều vũ khí hơn.
Mỹ đã hết pháo 155mm để cung cấp cho Ukraine, để gửi thêm cho Kiev, Washington sẽ phải xem xét tới kho dự trữ vũ khí dành cho các đơn vị quân đội Mỹ sử dụng để huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Các nhà phân tích quân sự nói rằng, đó là điều Lầu Năm Góc không nên làm, vậy nên, nguồn cung vũ khí dành cho các hoạt động của Mỹ rất ít có khả năng bị ảnh hưởng.
“Tôi nghĩ rằng có một số hệ thống vũ khí mà Bộ Quốc phòng Mỹ không còn nhiều và sẽ không sẵn sàng cung cấp thêm cho Ukraine. Bởi vì Mỹ cần duy trì kho dự trữ vũ khí để hỗ trợ các kế hoạch trong tương lai”, Mark Cancian, cựu Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ và là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói.
Lựa chọn thay thế nào cho Ukraine?
Việc Mỹ không thể cung cấp thêm cho Ukraine một số loại vũ khí nghĩa là các vũ khí quan trọng đối với lực lượng Ukraine trên chiến trường như lựu pháo 155mm đang được thay thế bằng những khẩu pháo cũ và kém tối ưu hơn, có trọng lượng nhỏ hơn và tầm bắn ngắn hơn.
“Đây thực sự là một vấn đề đối với Ukraine bởi tầm bắn rất quan trọng trong cuộc chiến này. Đây là một cuộc chiến pháo binh”, ông Des Roches nói.
Các vũ khí khác có thể giúp Ukraine giành ưu thế nhưng lại đang rất hạn chế trong kho vũ khí của Mỹ bao gồm bệ phóng HIMARS, tên lửa Javelin, tên lửa Stinger, lựu pháo M777 và đạn pháo 155mm.
Hệ thống tên lửa chống tăng dẫn đường vác vai Javelin là một trong những loại vũ khí mạnh mẽ nhất mà Mỹ gửi cho Ukraine. Tuy nhiên, theo CSIS, số lượng tên lửa Javelin Mỹ sản xuất mỗi năm là khoảng 800 quả và Washington hiện đã gửi khoảng 8.500 quả đến Ukraine.
Vào đầu tháng 5, trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất hệ thống tên lửa Javelin ở Alabama, Tổng thống Biden nói sẽ “đảm bảo Mỹ và các đồng minh có thể bổ sung kho vũ khí để thay thế những gì chúng tôi đã gửi đến Ukraine”. Tuy nhiên, ông Biden nói thêm rằng “quá trình này sẽ tốn rất nhiều chi phí”.
Lầu Năm Góc đã đặt hàng những hệ thống tên lửa Javelin mới trị giá hàng trăm triệu USD, nhưng việc tăng tốc sản xuất cần có thời gian. Ông Cancian cho biết, có thể mất từ 1-4 năm để Mỹ tăng cường sản xuất vũ khí tổng thể một cách đáng kể.
“Chúng tôi phải đẩy mạnh chuỗi cung ứng và năng lực để sản xuất thêm vũ khí. Sau đó, việc chuyển giao vũ khí sẽ diễn ra trong khoảng 6,12 hoặc 18 tháng tiếp theo”, Jim Taiclet - Giám đốc điều hành tập đoàn Lockheed Martin cho biết.
Trong bối cảnh phương Tây đang cạn kiệt dần nguồn cung vũ khí, Ukraine có thể tìm kiếm các nhà cung cấp khác, chẳng hạn như Hàn Quốc, quốc gia có năng lực sản xuất vũ khí đáng gờm. Vào tháng 8, Hàn Quốc đã ký hợp đồng bán xe tăng và lựu pháo trị giá 5,7 tỷ USD cho Ba Lan. Bên cạnh đó, lực lượng Ukraine cũng sẽ phải làm quen với các loại vũ khí thay thế thường kém tối ưu hơn.
Jack Watling, chuyên gia về chiến tranh trên bộ tại Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, tin rằng Ukraine vẫn còn khả năng nhận được nhiều loại vũ khí mà nước này cần.
“Vẫn còn đủ thời gian để giải quyết trước khi vấn đề này trở nên cấp bách hơn và cần phải đẩy mạnh sản xuất vũ khí”, ông Watling nói và lưu ý rằng Ukaine có thể nhận một số loại đạn từ các quốc gia chưa có nhu cầu sử dụng ngay lập tức hoặc có kho dự trữ sắp hết hạn sử dụng.
“Tuy nhiên, Ukraine cần phải thận trọng về mức độ sử dụng vũ khí và sử dụng đúng loại vũ khí trên chiến trường bởi nguồn cung cấp không phải là vô hạn”, chuyên gia Watling nói./.
Từ khóa: Nga tấn công Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine, phương Tây cạn kiệt kho vũ khí, hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS, kho dự trữ vũ khí của EU cạn kiệt, lựu pháo 155mm, Mỹ tăng cường sản xuất vũ khí, hệ thống tên lửa Javelin, tên lửa Stinger
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN