Phú Yên ưu tiên nguồn nước sinh hoạt cho dân
Cập nhật: 25/09/2019
Mẹ ném con 3 tháng tuổi xuống mương nước
Xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ đẩy thế giới vào thế chiến III?
VOV.VN - Hạn hán kéo dài ở Phú Yên làm hàng nghìn héc ta lúa, cây trồng khô cháy, hơn 10.200 hộ dân ở tỉnh này thiếu nước sinh hoạt.
Mấy ngày nay, tại tỉnh Phú Yên nhiều nơi vẫn thiếu nước sinh hoạt. Mới sáng sớm, dọc đường từ trung tâm huyện Tuy An về các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Lĩnh, An Cư…, người dân dùng xô, thùng mua nước chở về dùng.
Xe bồn của Bộ Chỉ huy Quận sự tỉnh Phú Yên cấp nước miễn phí cho dân. |
Bà Nguyễn Thị Thương ở xã An Cư than thở, chưa năm nào hạn như năm nay. Nhà làm mấy sào ruộng đã khô cháy từ mấy tháng trước. Trâu bò thiếu thức ăn gầy gò ốm yếu. Hầu hết các giếng đào, giếng khoan ở trong thôn đã cạn nguồn nước.
"Nắng mà không mưa được là khô, ở trong kia khô hạn từ lâu rồi. Có nhà giếng còn vài tấc nước nhưng múc thường xuyên cũng cạn. Nhà mình cũng phải đi mua nước", bà Thương nói.
Người dân sử dụng thùng lớn trữ nước để dùng. |
Tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh Phú Yên hơn 8 tháng qua thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm từ 50mm - 280mm. Phần lớn các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh mực nước đã thấp hơn thiết kế. Các hồ, đập nhỏ đã khô cạn, không còn nước tưới. Hơn 5.000 héc ta lúa hè thu thiếu nước, trong đó 1.300 hécta lúa chết khô, mất trắng; hơn 2.400 héc ta rừng bị khô chết. Chưa năm nào tỉnh Phú Yên xảy cháy nhiều vụ cháy rừng qui mô lớn như năm nay với 67 vụ cháy, thiêu rụ hơn 1.100 héc ta rừng; có ngày xảy ra 3 vụ cháy rừng.
Khó khăn nhất hiện nay là hơn 10.200 hộ dân thiếu nước sinh hoạt từ nhiều tháng qua, có nơi người dân phải bỏ tiền mua nước sinh hoạt đắt gấp 10 lần so với nước máy.
Xe của quân đội huy động chở nước sinh hoạt cho dân vùng bị hạn. |
Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh Phú Yên cho biết, 5 năm liên tiếp tỉnh Phú Yên bị hạn nặng, nguồn nước ngầm suy giảm nghiêm trọng. Hầu hết các công trình nước tự chảy, sinh hoạt tập trung hoặc các giếng đào, giếng khoan đều không còn tác dụng. Nhiều nơi, ở miền núi, giếng đào sâu hàng chục mét vẫn không có nước. Vì vậy, việc đầu tư các công trình cấp nước tự chảy hay đào giếng như trước đây không còn phù hợp với thực tế.
Theo ông Hồ Hữu Như, để giải quyết nguồn nước sinh hoạt căn cơ phải thay đổi cách đầu tư.
Nhiều giếng đào ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cạn trơ đáy. |
"Về lâu dài phải đầu tư được 8 công trình cấp nước này. Nó nằm ở những vùng điều kiện khó khăn cần phải dùng ngân sách, đầu tư hỗ trợ. Chủ yếu tập trung lấy nước hồ chứa, sông lớn, nguồn nước khai thác ổn định", ông Như nói.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, diện tích lúa của tỉnh rất lớn. Canh tác một héc ta lúa, mỗi năm phải tiêu tốn hơn 10.000 m3 nước. Trong khi đó, nước tưới các cây trồng khác như mía, rau màu chỉ bằng một nửa. Tỉnh đang qui hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa màu, cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới, thay đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình tưới tiết kiệm nước.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh đã yêu cầu các Công ty Thuỷ nông Đồng Cam, Thuỷ điện Sông Hinh tập trung tưới đối với diện tích còn khả năng cứu, ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân.
"Chúng tôi phải huy động xe cứu hoả, xe lực lượng vũ trang và Công ty Môi trường Đô thị cùng với các địa phương để chở nước sinh hoạt cho dân. Chúng tôi xuất ngân sách dự phòng của tỉnh để chở nước cấp cho dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích các đơn vị doanh nghiệp đầu tư tạo ra hệ thống nước nhỏ phục vụ cho bà con nhân dân", ông Thế cho hay./.
Từ khóa: Hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, khô hạn
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN