Phú Quang – Nỗi nhớ mùa đông: điểm hẹn âm nhạc mùa xuân Paris
Cập nhật: 17/02/2022
(VOV5) - Buổi nhạcPhú Quang – Nỗi nhớ mùa đông vào trung tuần tháng 2 như một điểm hẹn âm nhạc đầu xuân ấm áp và ngập tràn cảm xúc tại Paris.
Khi Việt Nam đã đón mùa xuân ấm áp, thì tại Paris vẫn là mùa đông lạnh giá, bầu trời nhiều mây xám xịt, mưa lâm thâm, cỏ cây trơ trọi, như trong mùa đông Hà Nội. Hai năm dịch Covid hoành hành, đường bay Pháp Việt vẫn chưa nối lại, và những người con xa quê hương lại tiếp tục lỡ dịp Tết đoàn viên nơi quê nhà. Các chương trình đón Tết lớn của cộng đồng của người Việt tại Pháp vẫn tổ chức online như chương trình truyền hình trực tiếp.
Trong không khí ảm đạm ấy, buổi nhạcPhú Quang – Nỗi nhớ mùa đông vào trung tuần tháng 2 như một điểm hẹn âm nhạc đầu xuân ấm áp và ngập tràn cảm xúc tại Paris, cho những người con Hà Nội, và người yêu nhạc Phú Quang.
Khán phòng đêm nhạc. |
Với hơn 600 ca khúc, Phú Quang đã giới thiệu Hà Nội bằng âm nhạc sâu lắng và tình yêu mãnh liệt của mình, để mang vấn vương, thổn thức cho bao trái tim người nghe nhạc, với hương hoa sữa nồng nàn, cây bàng, gió mùa đông Bắc, tiếng dương cầm… và biết bao nhiêu kỷ niệm tình yêu da diết.
Với những đứa con xa Hà Nội như Hoàng Long, thành viên ban nhạc DLD, cũng là người lên ý tưởng và dẫn dắt chương trình Phú Quang – Nỗi nhớ mùa đông tại Paris, thì niềm yêu thương và tiếc nhớ ấy là động lực để anh và bạn bè quyết tâm thực hiện nguyện vọng tổ chức buổi nhạc này.
Anh xúc động chia sẻ: "Ngoài ca sĩ Lệ Quyên, người được mệnh danh là nữ hoàng nhạc nhẹ của Việt Nam thập niên 80, thì chúng tôi, những người tham gia chương trình đều là những người không chuyên nghiệp. Những kỹ sư xây dựng, những kỹ sư tin học, cố vấn tài chính, cố vấn truyền thông marketing…đều có niềm say mê âm nhạc. Chúng tôi đều cố gắng gặp nhau mỗi cuối tuần để cùng tập, cùng sửa, với mục đích mang đến chương trình chất lượng nhất của tình yêu, của sự trân trọng."
Buổi nhạc thu hút gần 200 người tham dự và được chuẩn bị chỉ trong hơn một tháng rưỡi, với hầu hết là các trao đổi online ngoài giờ làm việc của các thành viên Hội Aurore, Việt ba-lô tại Pháp, và nhóm Thích CA Paris, là những hội nhóm đã cùng kết hợp tổ chức nên đêm nhạc.
Các nghệ sĩ, thành viên ban tổ chức và khán giả đêm nhạc chụp ảnh lưu niêm |
Hà Nội trong nhạc Phú Quang rất đẹp, nhưng vì xuất phát từ nỗi nhớ nên thường buồn. Đó là những ký ức về những mối tình đã qua không bao giờ trở lại nhưng khó phai mờ. Dẫu vậy, trong cái u sầu, man mác buồn ấy, khi cùng chạm đến được, người nghe lại thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn. Hoàng Long cũng đã đồng cảm với Nỗi buồn của nhạc sĩ Phú Quang như thế:
"Được tặng cho băng cát sét, trong đó có ca khúc Nỗi buồn, khi nghe xong Long tự nói với mình: chắc lúc nào buồn không dám nghe bài hát này. Thế nhưng đến một ngày, lòng rất buồn, bật băng cát sét lên thì đúng là bài hát này. Khi đó, Long lắng nghe từng nốt nhạc và bỗng nhiên thấy lòng mình thật thanh thản. Long nghĩ rằng người nghệ sĩ viết ra được ca khúc như thế, có lẽ đã trải qua những giây phút buồn nhớ sâu thẳm. Như nhạc sĩ Phú Quang từng tâm sự: tất cả âm nhạc của tôi đều rút ra từ cuộc sống của chính tôi, một cuộc sống mà tất cả buồn vui đều xảy ra đến tận cùng, và có lẽ bởi vì thế, nó cũng buộc người nghe phải cảm nhận nó đến tận cùng." - Hoàng Long nói
Trong suốt ba tiếng diễn ra chương trình, khán phòng ran ran tiếng vỗ tay, có nụ cười nhẹ nhàng cho chuyện tình yêu và trải nghiệm đã qua, có nước mắt của ký ức và nỗi nhớ. Những cung bậc cảm xúc như kết nối những người xa lạ theo các câu chuyện về người nhạc sĩ tài ba.
Ca sĩ Lệ Quyên, "nữ hoàng nhạc nhẹ" thập niên 80 rưng rưng cho biết: "Lệ Quyên sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Càng xa quê hương, chúng ta càng nhớ về quê cha đất tổ. Anh Phú Quang là một trong những nhạc sĩ viết nhiều bài hát hay nhất về Hà Nội, đó là Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội… Và Lệ Quyên cũng có rất nhiều tình cảm, quý trọng nhạc sĩ, từ thời 1970 Lệ Quyên học ở nhạc viện Hà Nội và sau đó. Nhạc sĩ Phú Quang trước đây ở trong Dàn nhạc giao hưởng, anh thổi kèn Cor. Anh đã sáng lập ra dàn nhạc Mùa thu, học sinh trường nhạc cứ xúm vào nghe. Lệ Quyên khi lấy chồng vào Sài Gòn cũng đi diễn theo anh, do anh đứng ra tổ chức chương trình. Năm 2016 kỷ niệm ngày thành lập Nhạc viện Hà Nội, tức trường Âm nhạc Việt Nam, không ngờ lại là lần cuối gặp anh. Nhưng những giai điệu,ca từ của anh sẽ còn mãi."
Phú Quang rất nhạy cảm với tất cả mọi diễn biến trong cuộc đời mình. Ông chắt lọc chúng một cách tinh tế, để rồi biến chúng thành những nốt nhạc, những giai điệu đẹp. Có lẽ vì thế mà khi đã giao cảm được âm nhạc của ông, thì ai cũng nhìn thấy những khoảnh khắc đời mình trong đó, như được kể chuyện, sẻ chia cảm xúc.
Và thành công của buổi nhạc đã đến từ những rung động và giai điệu đẹp như thế. Ông Cao Nguyên, Bí thư thứ nhất, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp chia sẻ: "Đại sứ quán thực sự ghi nhận đây là một trong những sự kiện ý nghĩa, góp phần vào những sự kiện của cộng đồng Việt tại Pháp, mở màn cho những hoạt động sắp tới, trong điều kiện bình thường mới., thực sự đánh giá cao sự chuẩn bị của chương trình này, Chúng ta chỉ khác về quy mô, còn nội dung không kém gì chương trình của nhạc sĩ trong nước, đầy đủ màu sắc. Và mọi người đều làm việc trên hoàn toàn tự nguyện vì tình yêu với nhạc Phú Quang, rộng hơn nữa là âm nhạc Việt Nam, lớn hơn nữa là với văn hóa Việt Nam và truyền bá văn hóa Việt Nam tại Pháp."
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, đêm nhạc Phú Quang, Paris, ca sĩ Lệ Quyên
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5