Phụ nữ làm cách nào thoát khỏi các "bẫy" giảm giá cuối năm
Cập nhật: 04/11/2020
VOV.VN - Mua sắm vốn là thú vui của đa số phụ nữ, đặc biệt với các chương trình giảm giá cuối năm. Chỉ cần ở một chỗ với một chiếc điện thoại, phụ nữ có thể dễ dàng "chốt đơn".
Dịp sale cuối năm 11/11 và Black Friday đang cận kề, kèm theo đó là các chương trình khuyến mại kích thích mua sắm của các thương hiệu. Tất cả đều khiến chị em dễ yếu lòng mà "đánh ngã" ví tiền vào những cuộc mua sắm. Vậy làm sao để chúng ta vừa thỏa mãn nhu cầu mua sắm vừa không lo "cháy túi" trong mùa sale? Dưới đây là bộ bí kíp mà chị em nên nhanh tay lưu lại ngay:
1. Lên danh sách mua sắm theo thứ tự ưu tiên
Hãy kiểm tra lại một lượt quần áo, đồ dùng của bạn và người thân trong nhà, lên danh sách những thứ cần ưu tiên mua sắm. Điều này không chỉ giúp chị em không bị "mờ mắt" bởi những chương trình sale "sập sàn" mà còn giúp chúng ta có thời gian tìm được nơi có mức giá ưu đãi nhất cho sản phẩm mình tìm kiếm. Một công đôi việc phải không?
Bên cạnh đó, việc mua thứ mình cần chứ không phải thứ mình thích sẽ giúp chúng ta hình thành được sự tự chủ trước các chiêu trò quảng cáo, giảm giá nhan nhản trên mạng. Hơn thế, còn giúp tránh lãng phí vào những thứ không cần thiết.
2. Sắp xếp lại tủ đồ trước "mùa bão" để biết mình cần gì
Có một sự thực là với phụ nữ, việc "không có gì để mặc" là một vấn đề nan giải. Thế nhưng việc miệng thì kêu không có gì để mặc trong khi tủ đồ thì đầy ắp những món đồ không biết mua từ bao giờ và chưa mặc lấy một lần cũng là thực trạng của nhiều người. Và sự thực mua sắm là việc dễ "nghiện", nên càng sở hữu nhiều quần áo, bạn càng dễ sa đà vào mua sắm thêm cả tỉ món đồ cũng là điều dễ hiểu.
Vậy nên, nếu muốn thắt chặt và quản lý chi tiêu, hãy dọn lại tủ đồ của bạn, biết đâu bạn sẽ phát hiện ra bản thân đã có đủ mọi kiểu dáng mình cần rồi. Hoặc ít ra bạn cũng biết mình đã có những gì và cần mua những gì.
Việc mua sắm vật chất thực sự chỉ đem lại cho bạn cảm xúc vui vẻ nhất thời và ngắn ngủi.
3. Tự đặt ra giới hạn cho bản thân
Tốt nhất hãy tự đặt ra thời khóa biểu cho việc mua sắm của mình. Ví dụ chỉ mua đồ vào thứ 7, trong 1-2h. Nếu không nằm trong khoảng thời gian đó, hãy bình tĩnh lướt qua mọi quảng cáo dù chúng có hấp dẫn đến đâu. Và nếu chợt nghĩ ra mình cần mua thứ gì cũng đừng vội lao vào tìm kiếm ngay, bạn sẽ dễ bị cuốn đi và khi dừng lại mới đau khổ phát hiện mình đã mua nhiều hơn thứ mình cần rồi. Thay vào đó, hãy ghi lại và chờ đến đúng "ngày mua sắm" để mua.
Việc ghi chú và đặt lịch như vậy không chỉ khiến bạn không bị yếu lòng trước mọi dịp sale mà còn giúp bạn duy trì sự tập trung vào công việc và kiểm soát được các khoản chi hơn.
4. Đặt câu hỏi trước khi mua sắm
Dù đã đặt giới hạn về thời gian mua sắm nhưng nếu cứ thích gì là ghi lại chờ đến ngày "bung lụa" thì túi tiền của bạn sẽ phải "khóc thét" với khả năng phung phí của mình đấy. Hãy thật lý trí, nhìn lại danh sách mình đã lên để xem mình có thực sự cần nó hay chỉ vì nó rẻ. Vì suy cho cùng, thứ bạn mua vì đang sale và vì quá hời so với mọi khi chỉ là thứ đang "móc túi" bạn mà thôi.
Vì vậy, để tiêu tiền một cách hợp lý, hãy đặt câu hỏi cho bản thân trước khi mua: Mình có nên mua không? Mình có thứ như vậy chưa? Mình cần nó để làm gì? Tránh chi tiêu vô tội vạ nhé.
5. Tạo khoảng ngân sách phù hợp
Ngoài tạo thời khóa biểu cho việc mua sắm, hãy tạo một khoản ngân sách dùng cho mua sắm và chỉ chi tiêu trong khoảng ngân sách này thôi. Một cách quản lý chi tiêu hiệu quả được nhiều người áp dụng là liệt kê các khoản chi cần thiết trong tháng thành các mục chính như: tiền sinh hoạt, tiền xăng xe, tiền học phí cho con, tiền hiếu hỉ, mua sắm thêm và tiền tiết kiệm...
Khi đã có danh sách chi và khoản tiền cố định cho khoản chi đó, bạn sẽ không thể vượt quá ngân sách cho phép, từ đó buộc phải suy tính kỹ càng trước khi mua để đảm bảo túi tiền không bị thâm hụt.
6. Tránh mang nhiều tiền mặt và thẻ bên người
Càng có nhiều tiền mặt trong túi bạn sẽ càng dễ bị mờ mắt bởi những chiêu trò giảm giá, mua 1 tặng 1... của các cửa hàng mà "tặc lưỡi" mua thêm. Để tránh bội chi, hãy cố gắng mang một số tiền mặt vừa đủ trong túi và hạn chế quẹt thẻ. Bởi so với tiền mặt, quẹt thẻ càng dễ dàng khiến chúng ta chi tiêu mất kiểm soát hơn.
Từ khóa: mẹo chi tiêu, quản lý chi tiêu, mua sắm
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN