Phụ huynh Hà Nội hoang mang trước những điểm mới tuyển sinh vào 10

Cập nhật: 23/02/2021

[VOV2] - Học sinh thi tuyển vào lớp 10 Hà Nội xác định khu vực tuyển sinh dựa vào hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tuyển sinh theo khu vực cư trú. Điều này liệu có tạo ra một cuộc đua đổi hộ khẩu, chạy giấy xác nhận nơi cư trú?

“Sốt”chuyện hộ khẩu thường trú

Đón nhận phương án tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm nay, cả nhà chị Hồ Thị Phương mất ăn, mất ngủ. Cho con theo học chương trình tiếng Đức 4 năm ở trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm với ý định sẽ thi cấp 3 vào Trường THPT Việt Đức. Như những năm trước, để dự thi trường Việt Đức, con chị chỉ cần làm đơn theo mẫu xin đổi, có xác nhận của hiệu trưởng trường THCS nơi đang học lớp 9, nộp tại trường THCS. Tuy nhiên, với quy định xác định khu vực tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú, có khả năng mọi tính toán của gia đình chị nhiều năm qua “đổ sông đổ bể”. Gia  đình chị Phương có hộ khẩu ở quận Nam Từ Liêm nhưng cư trú lại ở quận Long Biên. Trong khi đó, những khu vực này không có trường THPT nào đào tạo chương trình tiếng Đức.

“Nhà một nơi, hộ khẩu một nơi, con học một nơi. Giờ không có trường nào đào tạo tiếng Đức thì đành phải cho con học dân lập rồi học tiếng Đức ở ngoài vì đã chuẩn bị 4 năm nay rồi. Nguyện vọng của tôi là phương án thi nên giữ nguyên như cũ là hợp lý nhất”, chị Phương rầu rĩ.

Tương tự chị Phương, chị Tú có hộ khẩu thường trú ở quận Long Biên cũng như “ngồi trên đống lửa”. Mặc dù con chị Tú   đang học cấp 2 tại quận Long Biên nhưng cả gia đình đã dự tính đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT Trần Phú, THPT Việt Đức. Tuyển sinh đúng theo hộ khẩu theo chị Tú là đang “gây khó” cho các học sinh có học lực tốt.

Theo chị Tú, những trường THPT “đáng mơ ước” ở Hà Nội chủ yếu tập trung ở các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Trong khi, khu vực Hoàng Mai, Long Biên có rất ít những trường chất lượng như vậy.

“Cấp 1, cấp 2 học đúng tuyến là đúng nhưng cấp 3 đã phân biệt được năng lực rồi nên các bạn có trình độ tương đương học với nhau sẽ dễ hơn. Tâm lý phụ huynh bao giờ cũng muốn con có môi trường học để các bạn tương đương để cọ xát và phát triển năng lực. Quy định đăng ký tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú sẽ làm hẹp cánh cửa để các con có thể bứt phá, như thế sẽ thiệt thòi cho những bạn học lực tốt”- chị Tú bày tỏ quan điểm.

Dù năm nay, học sinh Hà Nội có thêm một nguyện vọng nữa nhưng chị Tú cho rằng, nguyện vọng 3 chỉ phục vụ cho các cháu có học lực yếu, hầu như không có ý nghĩa vì cộng tới 2 điểm, nhất là khi không được thay đổi nguyện vọng sau khi đăng ký.

Con mình được giải Nhì thành phố môn Địa lý nên sẽ được cộng 1.5 điểm thi vào THPT. Gia đình thống nhất sẽ chuyển hướng tập trung để con thi chuyên vào THPT Chuyên Amsterdam (Cầu Giấy) hoặc THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông), phương án cuối cùng nếu không thi chuyên được thì cho con học dân lập chứ không muốn học trường công lập làng nhàng”, chị Tú quả quyết.

Trước những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh, ngay trong tối 21-2, Sở GD&ĐT Hà Nội đã hướng dẫn về nguyện vọng tuyển sinh. Theo đó, nếu học sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng thì nguyện vọng đó có thể thuộc bất kỳ khu vực tuyển sinh nào. Trường hợp học sinh đăng ký 2 nguyện vọng thì cả 2 nguyện vọng có thể thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định hoặc nguyện vọng thứ nhất thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định còn nguyện vọng thứ hai thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Điều này theo chị Hoàng Vân – một phụ huynh ở Hoàng Mai, đã mở thêm một cánh cửa cho các học sinh lứa 2006 ở Hà Nội. Thế nhưng, xác suất trượt nguyện vọng ưa thích rất dễ xảy ra.

Chị Vân cho rằng 2 trường tốp đầu ở 2 quận thì điểm không chênh nhau nhiều. Do đó nếu không đỗ nguyện vọng 1 thì rất có thể con cũng trượt luôn cả nguyện vọng 2. Trong khi đó, điểm chuẩn vào các trường THPT ở Hà Nội năm nay sẽ rất khó đoán.  

Lo tình trạng chạy giấy xác nhận nơi cư trú, chuyển hộ khẩu tràn lan

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội về nguyện vọng tuyển sinh, học sinh được đăng ký tuyển sinh theo khu vực cư trú. Tuy nhiên, chỉ còn 3 tháng nữa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã diễn ra, nhiều phụ huynh băn khoăn việc xác nhận cư trú liệu có dễ dàng?

“Còn 3 tháng nữa là thi vào lớp 10, xác nhận nơi cư trú sẽ rất rườm rà vì ngay đầu năm giáo viên đã cho điền nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, kiểm tra sát hạch, khớp rồi, thay đổi sẽ kéo theo cả hệ thống từ giáo viên đến hành chính, công an….”, chị Mai Hồng Quyên ở quận Long Biên lo lắng.

Trong khi đó, trên các diễn đàn cha mẹ học sinh, nhiều phụ huynh cho rằng, để mở rộng cơ hội cho con vào các trường tốp đầu, rất có thể sẽ xảy ra một cuộc đua chạy giấy xác nhận cư trú, chạy đua chuyển hộ khẩu thường trú.

Áp lực giữ nguyên 4 môn thi

Ngoài những lo lắng về nguyện vọng tuyển sinh thì hầu hết phụ huynh của Hà Nội cũng đang hoang mang khi Sở GD&ĐT Hà Nội tuyên bố vẫn tổ chức thi môn thứ 4, trong khi môn thi này sẽ được công bố vào tháng 3. Sở dĩ có những lo lắng này bởi với những học sinh sinh năm 2006, các em đã trải qua 2 mùa Covid-19 phải học trực tuyến. Chất lượng việc dạy và học trực tuyến khiến cho nhiều phụ huynh, học sinh không thực sự yên tâm.

Chị Nguyễn Thị Giang ở Hoàng Mai có con năm nay thi vào lớp 10 khẳng định, học sinh phải thi 4 môn rất áp lực, bởi các con học trực tuyến tới 2 năm, toàn những phần quan trọng phải học trực tuyến, hiệu quả sẽ khó có thể cao bằng học trực tiếp.

Nếu như năm ngoái cũng điều kiện dịch bệnh nhưng lịch thi được dời đến tận giữa tháng 7, năm nay chỉ còn 3 tháng nữa là các con đã phải thi.

Nguyễn Hoàng Minh – học sinh lớp 9 một trường THCS ở Long Biên cũng mong muốn không thi môn thứ 4 để giảm áp lực. Năm ngoái, sau khi học online, nhà trường vẫn tổ chức cho kiểm tra trực tuyến. Kết quả kiểm tra trên mạng thì điểm bạn nào cũng cao. Tuy nhiên, khi đi học trở lại,  trường tổ chức khảo sát lại thì điểm của ai cũng thấp. Như em, thi Hóa trên mạng được 9.5 nhưng kiểm tra trực tiếp thì chỉ được 4 điểm…

Phụ huynh ngồi học cùng con mới biết được chất lượng thực sự của việc học trực tuyến khó lòng theo kịp học trực tiếp bởi lãng phí từ thời gian điểm danh, nhắc mở camera đến vấn đề kỹ thuật như đường truyền rơi rớt, tắc nghẽn... xảy ra thường xuyên. Đó là chưa kể việc thiếu tương tác giữa giáo viên với học sinh khiến cho hiệu quả học online chỉ bằng 30% học trực tiếp. Chị Mai Hồng Quyên ở Hoàng Mai khẳng định.

Trao đổi xung quanh việc giữ nguyên 4 môn, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, không phải vì dịch bệnh Covid-19 mà phải giảm số môn. Bởi chương trình học vẫn vậy, việc dạy học trực tuyến được tổ chức và có kiểm soát chất lượng.

“Thi 3 hay 4 môn thì cũng không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập của các con, bởi các con vẫn phải học tất cả các môn và thi thực chất. Chưa kể, thi 3 hay 4 môn thì Hà Nội vẫn lấy chừng đó học sinh vào lớp 10 THPT công lập (chiếm khoảng 62% tổng số)” , ông Đại khẳng định.

Tuy nhiên, ông Đại cũng cho hay, trong trường hợp tình hình dịch phức tạp, Sở có thể xem xét trình UBND thành phố giảm bớt số môn. Giáo viên đã  phải lao động rất vất vả để có tiết dạy online. Ban giám hiệu nhà trường, Ban Giám đốc Sở đều có thể kiểm tra nên không thể dạy sơ sài. “Tôi mong các phụ huynh động viên con em mình học tập qua hình thức trực tuyến nghiêm túc để đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi”.

Từ khóa: tuyển sinh lớp 10, phụ huynh, học sinh, Hà Nội, trực tuyến, khu vực, cư trú

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập