VOV.VN - Ngày 14/10, Hà Nội chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố năm 2024. Tại mỗi điểm tiêm chủng, rất đông phụ huynh đưa con em mình hưởng ứng chiến dịch.
Ngay trong ngày đầu tiên diễn ra chiến dịch, 8 quận, huyện đồng loạt triển khai tiêm chủng gồm: Long Biên, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thường Tín, Đông Anh, Hoài Đức, Sơn Tây, Thạch Thất. Các địa phương còn lại sẽ triển khai tiêm chủng trong các ngày tiếp theo.
Hôm nay, đồng loạt 20/20 trạm y tế xã, thị trấn của huyện Hoài Đức tiến hành tiêm vaccine cho trẻ từ 1-5 tuổi, tức là các bé có ngày sinh từ 15/10/2018 đến 14/10/2023.
Tại Trạm Y tế xã Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội), ngay từ sáng sớm, mọi khâu chuẩn bị tiêm chủng đã hoàn tất. Các bậc phụ huynh nhanh chóng đưa con em mình đến trạm thực hiện tiêm chủng
Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Trạm trưởng Trạm y tế Di Trạch cho biết: "Đơn vị đã trải qua 2 buổi tập huấn do Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức tổ chức về công tác tiêm chủng, bảo quản vaccine, xử lý sự cố tiêm nếu có.... Trong ngày tiêm chủng hôm nay, chúng tôi đã bố trí phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ đảm nhiệm các khâu khác nhau đảm bảo công tác tiêm chủng được diễn ra trơn tru, an toàn".
Hôm nay Trạm Y tế Di Trạch dự kiến tiêm cho khoảng 120 cháu. Nếu trẻ nào chống chỉ định hoãn tiêm sẽ được tiêm ghép, tiêm bù vào đợt sau.
Trẻ đi tiêm sẽ được kiểm tra cân nặng, nhiệt độ... trước khi vào tiêm
Theo ông Hùng, khi trẻ đến điểm tiêm chủng, bước đầu tiên là xếp hàng vào bàn tiếp đón để được ghi phiếu chỉ định tiêm, rồi vào phòng khám, sau đó tiến hành tiêm. Khi tiêm xong trẻ sẽ được theo dõi sau tiêm. Cán bộ phụ trách sẽ mang sổ tiêm chủng và phiếu để viết vào sổ theo dõi sau tiêm. Khoảng 30p sau, trẻ sẽ được về nhà để tiếp tục theo dõi.
Đợt này, trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm vaccine sởi rubella
Tại điểm tiêm chủng Trường Mầm non An Khánh A (huyện Hoài Đức) dự kiến tiêm cho gần 700 trẻ trong độ tuổi 1-5.
Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức bố trí 5 dây chuyền tiêm xuống hỗ trợ cho xã An Khánh. Kèm theo 5 dây chuyền tiêm là 1 tổ cấp cứu gồm các bác sĩ và điều dưỡng để xử lý sự cố sau tiêm nếu có. Ngoài ra, ở mỗi điểm tiêm cũng được chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, hộp thuốc chống sốc, bình oxy với mục tiêu đảm bảo an toàn tiêm.
Tại huyện Hoài Đức, dự kiến khoảng 2.500 trẻ sẽ được tiêm trong ngày hôm nay.
Bà Hoàng Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: "Để các bậc cha mẹ có thể nắm rõ lịch tiêm chủng hôm nay, chúng tôi tiến hành rà soát qua nhà trường và đội ngũ y tế thôn bản. Thêm vào đó là kênh zalo, kênh này dành cho người dân vãng lai sinh sống trên địa bàn, qua đó nắm được tình hình để đưa con đi tiêm. Mục tiêu của chúng tôi là không bỏ sót trẻ trong diện tiêm chủng".
Theo bà Thanh, để buổi tiêm chủng diễn ra suôn sẻ, trước đó Trung tâm Y tế cũng đã tổ chức 2 buổi tập huấn. Một buổi dành cho UBND các xã thị trấn, trạm trưởng y tế; một buổi nữa dành cho nhân viên y tế và nhân viên y tế các trường học, đặc biệt là các khối mầm non và khối tiểu học.
Buổi tiêm chủng hôm nay được đông đảo người dân hưởng ứng nhiệt tình
Chị Nguyễn Thanh Loan (xóm Dền, Di Trạch Hoài Đức) cho biết: "Bé nhà tôi mới tiêm được một mũi vào năm 2021. Do vướng dịch covid-19 nên hôm nay mới tiến hành tiêm mũi thứ 2 cho con. Nay được xã gọi đi tiêm như thế này, bản thân tôi cũng an tâm hơn".
Từ khóa: vaccine, vaccin sởi, chiến dịch tiêm chủng, tiêm vaccine, dịch sởi, bệnh sởi, tiêm vaccin sởi,tiêm chủng,hà nội thực hiện tiêm vaccine sởi