Phong tỏa sớm nhất Mỹ Latin, vì sao Peru vẫn “chao đảo” vì Covid-19?
Cập nhật: 21/05/2020
VOV.VN - Peru là một trong những nước đầu tiên ở Mỹ Latin áp lệnh phong tỏa nhưng vẫn không thể ngăn được sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19.
Thời gian đầu, Peru có vẻ như đã làm mọi điều đúng hướng. Tổng thống Peru Martín Vizcarra tuyên bố áp lệnh phong tỏa chống Covid-19 từ 16/3, sớm nhất ở Mỹ Latin.
Các tiểu thương chợ Ciudad de Dios, thủ đô Lima chờ xét nghiệm Covid-19 ngày 11/5. Ảnh: Getty |
Trái ngược với người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro, người công khai phản đối các biện pháp giãn cách xã hội, nhà lãnh đạo Peru lại tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và huy động cả lực lượng cảnh sát, quân đội để giám sát việc thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, hơn 2 tháng sau đó, Peru lại trở thành một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất trong khu vực và không thể làm phẳng đường cong của dịch Covid-19.
Tính đến sáng 21/5, Peru ghi nhận 104.020 ca mắc và 3.024 ca tử vong do Covid-19, cao thứ 12 trên thế giới và cao thứ 2 ở Nam bán cầu (và khu vực Mỹ Latin nói riêng) chỉ sau Brazil.
Cuối tuần trước, Tổng thống Vizcarra nói rằng Peru đã tiến hành 600.000 xét nghiệm, “nhiều hơn bất cứ nước nào khác trong khu vực”. Tuy nhiên, dù số ca mắc bệnh của Peru cho thấy nước này có quy mô xét nghiệm lớn và khoanh vùng tốt, thì sự gia tăng đột biến số ca bệnh mới là điều không thể phủ nhận. Tuần trước, số ca mới ghi nhận trong ngày ở mức trung bình 3.000-4.000, thì đến ngày 19/5, con số này là 4.550.
Người dân không tuân thủ giãn cách xã hội?
“Phản ứng của Peru là rất kịp thời. Đây cũng là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latin áp lệnh phong tỏa”, Elmer Huerta, một bác sỹ Peru và là một diễn giả đáng tin cậy về các vấn đề y tế cộng đồng ở Mỹ Latin, nói.
“Tuy nhiên vấn đề là cách hành xử của người dân. Thực tế ở tuần thứ 8 của lệnh phong tỏa, việc có tới hàng nghìn người dương tính với SARS-CoV-2 đồng nghĩa với việc những người này đã nhiễm virus trong thời gian đất nước đang áp lệnh phong tỏa. Điều đó cho thấy họ đã không tuân thủ nghiêm túc các biện pháp giãn cách”.
Người thân các bệnh nhân Covid-19 đang chờ sạc lại bình oxy tại một bệnh viện ở Iquitos ngày 14/5. Ảnh: Getty. |
Ngoài ra, dịch Covid-19 tác động nặng nhất tới những người nghèo ở Peru. Ở một cộng đồng Shipibo-Konibo sống ở Cantagallo – một xóm nghèo bên sông ở Lima, 72% số người được xét nghiệm (476 người) đã mắc Covid-19 sau khi có 3 người trong khu vực tử vong do dịch bệnh này.
Covid-19 cũng tác động tới những người ở tuyến đầu chống dịch. Hơn 4.000 nhân viên cảnh sát mắc Covid-19, trong đó 82 người đã tử vong. Dịch bệnh cũng khiến 180 tù nhân và 12 bảo vệ tử vong, đồng thời cướp đi sinh mạng của hàng chục y, bác sỹ.
Nguồn lây bệnh từ các khu chợ thực phẩm
Ở Lima, thành phố được coi là thủ đô “sành ăn” của Nam Mỹ, các khu chợ thực phẩm trở thành “đầu mối” chính của sự lây nhiễm. Các xét nghiệm tại chỗ cho thấy hầu hết các tiểu thương đều mang mầm bệnh Covid-19 mà không có bất cứ triệu chứng nào.
“Chúng tôi tự hào về truyền thống ẩm thực của mình, các phương pháp nấu nướng, các nguyên liệu tươi ngon. Nhưng chúng tôi đã quên mất mục tiêu không phải chỉ là hạn chế việc đi ra ngoài mà còn có cả việc thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội”, Hugo Nopo, một nhà nghiên cứu hàng đầu tại tổ chức phát triển Grade, nói.
Nopo cũng cho biết, dù có nền kinh tế phát triển nhanh trong số các quốc gia Nam Mỹ, nhưng Peru có tới hơn 70% lực lượng lao động làm việc trong các lĩnh vực không chính thức và khoảng 40% là người kinh doanh tự do, tỷ lệ cao nhất trong khu vực.
“Đối với những người này thì không có sự phong tỏa nào cả”, ông Nopo nói.
Hàng chục nghìn người đã rời khỏi thủ đô đi bộ về các thị trấn quê nhà do lệnh phong tỏa khiến họ thất nghiệp và không đủ trả tiền thuê nhà. Điều này khiến dịch bệnh phát tán nhanh hơn và rộng hơn.
Đại dịch Covid-19 tấn công Mỹ Latin, thế giới bị “khuất tầm nhìn“
Hệ thống y tế không được đầu tư
Dịch bệnh chết người ở khu vực ven biển phía Bắc Peru và khu vực Amazone – nơi mà các biện pháp giãn cách xã hội thường xuyên bị coi thường – cũng phơi bày những kẽ hở trong hệ thống y tế không được đầu tư tương xứng của Peru.
Theo ông Huerta, mặc dù có tỷ lệ nợ công trên GDP thấp nhất Mỹ Latin trước khi đại dịch càn quét, nhưng Peru đã có một thời gian dài có mức đầu tư công cho y tế và giáo dục thấp nhất khu vực, và điều này đã hạn chế khả năng đối phó dịch bệnh.
“Thật thương tâm”, Miguel Hilario-Manenima, một giáo sư đại học ở Peru cho biết, đồng thời tiết lộ các bệnh viện công ở Pucallpa đã đóng cửa và thậm chí tăng gấp 5 lần giá của các xi lanh oxy.
“Chúng tôi cảm thấy bị chính phủ bỏ rơi và bị chính quyền địa phương phớt lờ. Đối với các cộng đồng ở sâu hơn trong rừng [Amazon], cứ như thể họ bị kết án tử vậy. Còn những người nghèo nhất trong số những người nghèo, họ còn có thể làm gì được?”, Hilario-Manenima nói.
“Đây không phải là sai lầm của bản thân hệ thống y tế mà là hậu quả của một hệ thống y tế không được đầu tư suốt hàng chục năm qua”, ông Huerta nói./.
Từ khóa: Mỹ Latin, peru, ổ dịch covid-19, covid-19 ở nam bán cầu, phong tỏa chống covid-19
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN