Phòng chống bệnh bạch hầu cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Cập nhật: 22/07/2020
Giám đốc Công an Hà Nội chỉ đạo điều tra vụ 2 người tử vong nghi do ngộ độc
Chế tạo khoang bí mật trên xe bán tải để vận chuyển vảy tê tê
VOV.VN -6 tháng qua, trong số 31 bệnh truyền nhiễm đang lưu hành, toàn vùng Tây Nguyên có 29 bệnh truyền nhiễm giảm.
Sáng nay (21/7), tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức tại Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2020 và Hội thảo triển khai chiến dịch tiêm vaccine bạch hầu khu vực Tây Nguyên.
6 tháng qua, trong số 31 bệnh truyền nhiễm đang lưu hành, toàn vùng Tây Nguyên có 29 bệnh truyền nhiễm giảm. 2 bệnh truyền nhiễm tăng so với cùng kỳ là bệnh dại và bệnh bạch hầu. Đáng chú ý là bệnh bạch hầu, hiện tại, toàn vùng đã ghi nhận 104 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Bệnh bạch hầu xuất hiện ở 32 xã, phường ở 4 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk.
Ngành y tế Đắk Lắk tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh.
|
Theo ông Viên Chinh Chiến, Viện Trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên: trong thời gian tới, Tây Nguyên sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho tất cả các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, với mục tiêu tiêm vaccineđạt tỷ lệ trên 90%. Để chiến dịch tiêm vaccine thành công, cùng với sự nỗ lực của ngành y tế, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị: "Những ca bệnh xảy ra ở vùng lõm của tiêm chủng tức là những vùng người ta vẫn chưa ủng hộ lắm chuyện tiêm vaccine. Phải thuyết phục làm sao cho họ hiểu là cần phải tiêm để tự phòng cho mình, tự phòng cho gia đình thì câu chuyện đó rõ ràng một mình ngành y tế không làm được. Phải có sự vào cuộc của cả chính quyền, của cả các đoàn thể xã hội, của cả già làng trưởng bản của các địa phương”.
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ y tế đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong 6 tháng đầu năm tại các tỉnh Tây Nguyên. Ông Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, nguy cơ phát sinh các ca bệnh truyền nhiễm vẫn còn tiềm ẩn trong toàn vùng Tây Nguyên và có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.
"Phải làm công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân để thay đổi hành vi, nhận thức của người dân trong công tác tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh. Triển khai chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt là tiêm phòng chống bạch hầu ở các tỉnh thuộc vùng đồng bào Tây Nguyên. Sở y tế phối hợp cùng với sở ban ngành phải làm tốt công tác tuyên truyền đảm bảo vệ sinh môi trường đặc biệt là vệ sinh cá nhân như ra đường phải đeo khẩu trang, rửa tay và phun thuốc tiêu trùng khử độc", ông Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh./.
Từ khóa: phòng chống bệnh bạch hầu, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN