Phó Tổng LĐ Lao động: Cần thiết thực hiện chế độ làm việc 44 giờ/tuần

Cập nhật: 23/10/2019

VOV.VN -Theo ông Ngọ Duy Hiểu, cần nghiên cứu để điều chỉnh giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), ông Ngọ Duy Hiểu (đoàn đại biểu TP.Hà Nội) - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần thiết thực hiện chế độ làm việc 44 giờ/tuần.

pho tong ld lao dong: can thiet thuc hien che do lam viec 44 gio/tuan hinh 1
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. (ảnh: Quochoi.vn)

Theo ông, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là rất quan tâm đến người lao động, coi đây là đối tượng được thụ hưởng đầu tiên những thành quả do chính họ làm nên và những thành tựu kinh tế xã hội.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, từ năm 2021 trở đi, mục tiêu của chúng ta đặt ra là tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Như vậy, lương của cán bộ công chức, viên chức và lương của khu vực doanh nghiệp sẽ tiếp cận nhau.

"Đây là một trong những căn cứ cần nghiên cứu để điều chỉnh giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần" - ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 46 quốc gia đang thực hiện chế độ làm việc 48 giờ/tuần, nhưng theo đánh giá về thu nhập trên đầu người thì nước ta đã trên 66 quốc gia, theo công bố của Quỹ tiền tệ quốc tế vào năm 2018. Ngay cả Myanmar là quốc gia có thu nhập trên đầu người thấp hơn Việt Nam, họ cũng đã thực hiện chế độ làm việc dưới 44 giờ/tuần.

"Chúng tôi trên tinh thần rất chia sẻ là doanh nghiệp có lợi nhuận, có phát triển thì người lao động mới có việc làm tốt. Đất nước phát triển thì người lao động mới cải thiện đời sống. Chúng tôi đề xuất phương án: Thứ nhất là thực hiện chế độ làm việc 44h/tuần và có thể tăng giờ làm thêm. Thứ hai, thực hiện chế độ làm việc 44 giờ và có thể tăng giờ làm thêm lên 100 giờ. Thời gian giảm giờ làm việc thì có thể thực hiện theo lộ trình là 1-2 năm nữa mới giảm" - ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc giảm thời giờ làm việc bình thường là việc lớn có tác động đến các chủ thể liên quan như người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, Nhà nước và có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách và nền kinh tế nên cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể.

pho tong ld lao dong: can thiet thuc hien che do lam viec 44 gio/tuan hinh 2
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Theo luật hiện hành, thời gian làm việc hiện nay là 48 giờ/tuần và trong luật cũng khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động làm việc 40 giờ. Theo báo cáo, đánh giá của Bộ, hiện nay có 89,6% doanh nghiệp đang thực hiện 48 giờ, 3,6% doanh nghiệp thực hiện 44 giờ, 6,8% thực hiện 40 giờ.Trong khi đó Chính phủ đang xin ý kiến đại biểu Quốc hội là cho tăng giờ làm.

Trong 10 nước ASEAN, hiện nay có 8 nước thực hiện 48 giờ/tuần như Việt Nam, có 2 nước bố trí thấp hơn là Singapore và Indonesia. “Nước càng giàu thì thời gian lao động càng ít, nước càng nghèo thì thời gian lao động càng cao hơn” – ông Dung nói.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, nếu Việt Nam giảm 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, thì tổng thời gian giảm là 208 giờ, kéo theo đó tổng chi phí tăng lên 10%, tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm 2 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,5%.

"Các chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp thì phải phấn đấu tăng trưởng kinh tế khoảng 7%. Vì vậy, đây là vấn đề lớn và hệ trọng đối với quốc gia, cần phải đánh giá kỹ lưỡng và đề nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu đến thời điểm thích hợp sẽ giảm giờ làm việc" - ông Đào Ngọc Dung cho biết./.

Từ khóa: Luật Lao động, tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm, Quốc hội, Kỳ họp thứ 8

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập