Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng: Phát thanh có những cơ hội phát triển mới
Cập nhật: 02/08/2022
Phấn đấu vận động 400 tỷ đồng để triển khai các hoạt động trong Tháng Nhân đạo
Bộ NN&MT sẽ học tập kinh nghiệm nước ngoài để cải thiện chất lượng không khí
VOV.VN - Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 đang diễn ra sôi động với phần thi phát thanh trực tiếp. Đây là phần thi nhận được sự quan tâm của những người làm nghề.
Có mặt và theo dõi các tác phẩm phát thanh trực tiếp của các đơn vị phát thanh trong cả nước sáng nay (2/8) diễn ra tại trụ sở Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH), nhà báo Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Uỷ viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí những nét mới của kỳ liên hoan phát thanh lần này cũng như cơ hội của phát thanh trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Phóng viên: Thưa ông, chương trình Liên hoan phát thanh toàn quốc năm nay có gì đặc biệt so với các kỳ liên hoan phát thanh đã tổ chức trước đó?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Mặc dù Liên hoan phát thanh lần thứ XV mới diễn ra một ngày, nhưng qua theo dõi các chương trình phát thanh trực tiếp của các đài phát thanh truyền hình địa phương, cũng như của Đài Tiếng nói Việt Nam tham dự liên hoan, chúng tôi rất ấn tượng bởi sự sôi động và tính chuyên nghiệp của các đồng nghiệp thể hiện qua các chương trình.
Đề tài các chương trình trực tiếp đề cập những vấn đề sát với cuộc sống, thu hút sự quan tâm của công chúng. Ví dụ như tâm lý trẻ em học đường, về sự phục hồi của TP.HCM sau dịch, hay những vấn đề về giao thông đô thị của thành phố lớn. Họ đã thể hiện rất chuyên nghiệp. Một xu hướng mới là các đồng nghiệp tận dụng nền tảng số, tận dụng mạng xã hội để phân phối nội dung phát thanh. Khi phân phối nội dung các chương trình phát thanh trên nền tảng ấy, chương trình phát thanh có thêm hình ảnh, video, đồ họa... để hỗ trợ cho và làm phong phú thêm nội dung phát thanh. Tinh thần, hồn cốt, tính chuyên nghiệp vẫn là phát thanh, với ngôn ngữ nói, với khả năng tương tác trực tiếp với công chúng, làm cho chương trình phát thanh rất sinh động.
Xu hướng chuyển đổi công nghệ hiện nay thì người nghe phát thanh theo phương thức truyền thống - qua radio truyền thống không đông đảo như trước đây, mà người nghe phát thanh nghe nhiều trên ô tô, các phương tiện di chuyển, rồi nghe trên các thiết bị cầm tay, điện thoại thông minh... Chúng tôi thấy, các đơn vị dự thi năm nay tận dụng rất tốt việc tranh thủ công chúng trên môi trường số để hỗ trợ cho nội dung phát thanh và các chương trình phát thanh trở thành những chương trình Multimedia chứ không chỉ là phát thanh truyền thống. "Đầu ra" của phát thanh không chỉ là radio mà còn nhiều thiết bị nhỏ gọn, thuận tiện khác nên sự tương tác giữa khán thính giả với người làm chương trình sâu sắc hơn, đông hơn, đa dạng hơn (về độ tuổi cũng như vị trí xã hội) rất nhiều. Khi tương tác tốt thì bản thân chương trình phát thanh ấy đã hoàn thành chức năng là cầu nối với nhân dân, là diễn đàn của dân, đem tiếng nói của dân đến với Đảng và Nhà nước.
Có tín hiệu rất tốt cho ngành phát thanh là khi người ta tham gia vào môi trường mạng thì xu hướng nghe đang trở lại, xu hướng lên mạng để nghe qua các nền tảng như Sportify, Podcast... Với các cơ quan báo chí, chúng ta thấy không chỉ các đài phát thanh và các báo điện tử lớn ở Việt Nam cũng đang chú trọng làm Podcast, đang làm những chương trình có nội dung phát thanh, qua đó thấy rằng, ranh giới phân biệt giữa các loại hình báo chí đã mờ đi và những người làm phát thanh có những cơ hội phát triển mới. Hay nói một cách khác, công nghệ đã bổ khuyết những hạn chế của phát thanh, vốn dĩ chỉ có âm thanh. Công nghệ đã giúp cho phát thanh đến với công chúng một cách thuận tiện, thân thiện và chất lượng hơn rất nhiều. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.
Phóng viên: Với xu hướng phát triển như vậy, ông kỳ vọng như thế nào vào tương lai phát thanh?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Công nghệ thay đổi và thay đổi hoàn toàn thói quen của con người, trong đó có hoạt động báo chí. Cách đây khoảng 10 - 15 năm, người ta có thói quen luôn vào những tờ báo điện tử quen thuộc để cập nhật thông tin. Thế nhưng gần đây họ thường vào các nền tảng mạng xã hội. Điều này cho thấy, công nghệ thay đổi rất nhanh đòi hỏi những người làm báo phải thay đổi rất quyết liệt để không bị lạc điệu.
Và cuối cùng là gì? Các cơ quan báo chí tồn tại được, thứ nhất chúng ta phải là những người đưa tin rất chuyên nghiệp. Thứ hai, chúng ta có khả năng phân tích, dự báo thông tin và mang đến cho công chúng những thông tin hữu ích mà họ muốn tiếp thu và họ muốn giải thích những sự kiện, những chiều hướng phát triển của các vấn đề kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội trong nước, quốc tế.
Tôi nghĩ rằng nếu những người làm báo, những nhà quản lý báo chí đầu tư đúng hướng cho phát thanh nói riêng thì phát thanh có cơ hội tiếp tục phát triển, là một trong những loại hình báo chí thân thiết, hữu dụng và gần gũi với công chúng.
Phóng viên: Phần thi phát thanh trực tiếp được đánh giá là danh giá, khó và cũng hấp dẫn nhất. Qua theo dõi, ông đánh giá các phần thi của các đội như thế nào?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Một kỳ liên hoan phát thanh toàn quốc thì có rất nhiều thể loại báo chí dự thi, nhưng tôi nghĩ, các chương trình trực tiếp vẫn là những chương trình rất đặc biệt, nó thể hiện sức mạnh của phát thanh vì tính tức thời, khả năng đưa tin nhanh nhất đến công chúng. Chúng ta còn theo dõi mấy chục chương trình trực tiếp của các đài địa phương nữa để có đánh giá tổng quan. Qua tín hiệu ban đầu của 5 đơn vị dự thi, tôi cảm thấy rất tự tin và lạc quan về tương lai của phát thanh và về tính chuyên nghiệp của các đồng nghiệp ở các đơn vị đã dự thi. Họ đem đến cho chúng ta thấy màu sắc rất mới, những kinh nghiệm rất mới.
Bản thân tôi chỉ đạo nội dung của Đài nhưng tôi cũng rất ngạc nhiên, thú vị. Qua các chương trình của các đài địa phương, của các đồng nghiệp, tôi thấy sự trưởng thành của họ, khoảng cách giữa Trung ương và địa phương gần như bị xóa nhoà. Các đồng nghiệp tận dụng rất tốt những thành tựu phát triển của khoa học công nghệ cũng như phát hiện những đề tài hấp dẫn, gần gũi để đưa đến cho công chúng những chương trình có tính chuyên nghiệp cao và thuyết phục được công chúng. Chúng tôi cho rằng, đây là một tín hiệu rất tích cực và hứa hẹn cho sự thành công của Liên hoan phát thanh lần thứ XV này.
Phóng viên: Xin cảm ơn nhà báo Phạm Mạnh Hùng!./.
Từ khóa: liên hoan phát thanh, phát thanh trực tiếp, đài phát thanh địa phương, đài tiếng nói việt nam, chuyển đổi số, Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV, Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2022, ông phạm mạnh hùng phát biểu tại liên hoan phát thanh
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN