Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương ban hành kết luận các cuộc thanh tra
Cập nhật: 22/07/2020
Phát hiện điểm bất thường trên tên lửa Kh-55SM Nga vừa tấn công Ukraine
"Hành trình vì hòa bình" của những người lính Mũ nồi xanh Việt Nam
VOV.VN - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu khẩn trương ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất.
Sáng 22/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thanh tra 6 tháng qua và triển khai những tháng cuối năm 2020. Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, 6 tháng qua, Thanh tra chính phủ đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn ngành thanh tra đề ra phương án điều hành linh hoạt công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Theo đó, toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 3.200 cuộc thanh tra hành chính và gần 74.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 31 tỷ đồng, hơn 3.000 ha đất. Kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 14.000 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 41 vụ việc...
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch, một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra; nhiều vụ việc khiếu nại tố cao giải quyết còn chậm, kéo dài, khi giải quyết còn nhiều sai sót.
Ông Bùi Dũng Thế, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công Thương cho rằng, pháp luật về thanh tra chuyên ngành chưa quy định cụ thể về thanh tra thường xuyên theo điều 37 Luật Thanh tra hiện hành quy định các hình thức thanh tra theo kế hoạch thanh tra thường xuyên, thanh tra độc lập và thanh tra đột xuất. Tuy nhiên Nghị định 07 năm 2012 chỉ quy định về hình thức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Việc thực hiện thanh tra chuyên ngành thường xuyên hiện chưa có văn bản hướng dẫn, gây nên những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định quy định cụ thể về hoạt động thanh tra kiểm tra doanh nghiệp, để các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra áp dụng thống nhất. Tạo điều kiện để Thanh tra Chính phủ thống nhất với Kiểm toán Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương sớm thông báo dự kiến kế hoạch thanh tra, kiểm tra của ngành cho UBND các tỉnh để tránh tình trạng chồng chéo kế hoạch thanh tra kiểm tra hàng năm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, thách thức phía trước còn rất lớn, trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có những khó khăn; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch; tình hình lao động, việc làm chịu nhiều ảnh hưởng.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành thanh tra bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid – 19.
Bên cạnh đó tập trung kết thúc các cuộc thanh tra đã triển khai theo đúng thời gian quy định; khẩn trương ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành thanh tra tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự tạo tiền đề để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Đảng./.
Từ khóa: thanh tra Chính phủ, Covid-19, khiếu nại tố cáo, Đại hội 13
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN