Phó Thủ tướng: Ủy ban quản lý vốn Nhà nước cần sắp xếp hiệu quả sau khi giải thể

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự và chỉ đạo phương hướng hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) trong thời gian tới.

Tại hội nghị tổng kết năm 2024 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) ngày 6/12, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch CMSC cho biết, trong năm, ủy ban đã cơ bản tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN của 5 Bộ để các bộ tập trung nhiệm vụ quản lý nhà nước, ban hành chính sách. Hình thành cơ quan chuyên trách thực hiện đầy đủ, toàn diện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty theo quy định. Hoàn thành xử lý hầu hết 259 công việc thuộc trách nhiệm các Bộ còn xử lý dở dang, tồn đọng qua nhiều thời kỳ sau khi tiếp nhận DN.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh có lãi

Nhờ đó, hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty sau 5 năm chuyển về ủy ban phát triển liên tục, ổn định, hoàn thành kế hoạch hàng năm; tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển; mặc dù khó khăn trong gần 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp NSNN, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên.

Đến nay, tổng vốn chủ sở hữu 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tăng 5%); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (tăng 44%). Tổng nộp NSNN giai đoạn 2018-2023 đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu NSNN hàng năm của cả nước.

“Nhiều DN thua lỗ nhiều năm hoặc có nguy cơ thua lỗ khi chuyển giao về ủy ban, sau khi quá trình tái cơ cấu, kiện toàn thay thế cán bộ lãnh đạo chủ chốt đến nay đều hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc, Hàng hải Việt Nam, Lương thực Miền Nam, Cà phê Việt Nam, Đường sắt Việt Nam...”, ông Cảnh chỉ ra.

Cũng theo ông Cảnh, năm 2024 Ủy ban chủ động đề xuất nhận nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương; đã tham mưu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý đối với toàn bộ 11 dự án, DN thuộc nhiệm vụ của ủy ban. Các dự án, DN sau khi có phương án xử lý đã được tái cơ cấu, tái khởi động hoặc tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo dòng tiền trả nợ ngân hàng, cung ứng sản phẩm ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động...

“Xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, xuất phát từ nguyên tắc “chọn đúng người, giao đúng việc”; chọn lãnh đạo doanh nghiệp, bên cạnh bản lĩnh chính trị vững vàng, đặt yêu cầu về trình độ, năng lực, kết quả công tác, kinh nghiệm quản trị lên trước yêu cầu về chuyên môn ngành nghề. Ủy ban thực hiện kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín, thực hiện phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống”, ông Cảnh nói.

Mặc dù vậy, trong năm ủy ban chưa thể hiện được sự vượt trội so với trước về tính chuyên nghiệp, hiệu quả, hoạt động còn mang tính chất hành chính; chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng ban đầu đặt ra là tạo ra bước đột phá trong quản lý một cách chuyên nghiệp và hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty. Một phần nguyên nhân là do khung khổ pháp luật; nguồn lực cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với ủy ban đối với hoạt động của DN nhà nước nên cần thêm thời gian để thích nghi.

CMSC sắp xếp hiệu quả sau khi giải thể

Dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đề cập tới Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Theo kế hoạch, CMSC sẽ kết thúc hoạt động để chuyển về Bộ Tài chính và các đơn vị khác. Do vậy, ủy ban cần họp với các tập đoàn, tổng công ty, các Bộ, ngành sắp xếp để đảm bảo sự hiệu quả, phù hợp.

“Đây là vấn đề cần làm và phải làm thật nhanh. Nhưng mối quan hệ giữa quản lý vốn và quản lý ngành, mối quan hệ giữa chủ sở hữu với chủ quản lý vốn thế nào... là vấn đề phải tính đến để đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất. Ủy ban cần tập trung cho việc này một cách khoa học nhất, hiệu quả nhất, tránh tâm lý dao động, hoang mang. Công việc không được gián đoạn, nâng cao hoạt động của DN nhà nước, trở thành “quả đấm thép, ông Phớc nhấn mạnh.

Nhận thấy thời gian qua, sự phối hợp giữa các ủy ban và Bộ, ngành chưa đồng bộ nên dễ xảy ra xung đột, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật đối với mô hình hoạt động của ủy ban, khi mô hình quản lý của ủy ban không được quy định trong luật, nên cần đưa vào Nghị định.

Từ khóa: CMSC, CMSC,hoạt động, doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập