Phó Thủ tướng: Tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản

Cập nhật: 20/05/2024

VOV.VN - Bên cạnh khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV khai mạc trọng thể sáng 20/5. Quốc hội đã nghe Chính phủ Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, quyết liệt

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tình hình KTXH những tháng cuối năm 2023 tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

“Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, những kết quả đạt được của năm 2023 là rất đáng ghi nhận, trân trọng và tự hào” – ông Lê Minh Khái nói.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nêu rõ nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Đó là tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn; thủ tục đầu tư kinh doanh còn rườm rà; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn...

Bên cạnh đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa nghiêm. An ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, sạt lở đất tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề.

Về tình hình KTXH những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng cho biết tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực.

Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nhiều đổi mới, được tập trung nguồn lực thực hiện; chủ động rà soát, kịp thời sửa đổi, ban hành nhiều quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó tập trung triển khai các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được triển khai tích cực. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, người nước ngoài.

Chính phủ tổ chức triển khai Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, không ngừng, không nghỉ và đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là công tác thu hồi tài sản cho nhà nước, gắn công tác phòng, chống tham nhũng với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm.

Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đề cập nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới, Chính phủ cho biết tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới quản lý công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, liêm chính, thực sự là công bộc của nhân dân; triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 01/7/2024; hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trong tháng 9/2024.

“Hoàn thiện các chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm”, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Đặc biệt, triển khai đồng bộ các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tăng cường công khai, minh bạch trong thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh thi hành án dân sự, hành chính, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh những kết quả tích cực đạt được trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, GDP Quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong Quý I từ năm 2020 đến nay và vượt kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại. Trong đó cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vẫn diễn ra. Tội phạm về trật tự xã hội còn xảy ra nhiều, tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Chính vì vậy, một trong những nhóm giải pháp được Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính.

“Thực hành tiết kiệm, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức” – ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Từ khóa: chính phủ, phó thủ tướng chính phủ, lê minh khái, vũ hồng thanh, quốc hội, kỳ họp thứ 7, ktxh, tham nhũng, tiêu cực

Thể loại: Nội chính

Tác giả: ngọc thành/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập