Phó Thủ tướng: Công khai, minh bạch trong phát triển bền vững chuỗi giá trị

Cập nhật: 11/04/2024

VOV.VN - Thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển chuỗi giá trị bền vững. Đây là chủ đề chính của Diễn đàn hợp tác xã Quốc gia năm 2024 do Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức sáng nay (11/4), tại Hà Nội.

Với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm” trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, các tham luận tại Diễn đàn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát triển kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức với 4 nhóm vấn đề chính gồm: cơ chế chính sách; nguồn nhân lực; quản trị và phối hợp liên kết.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, cả nước hiện có hơn 31.000 hợp tác xã; 158 liên hiệp hợp tác xã và 73.000 tổ hợp tác. Trong số hơn 31.000 hợp tác xã, có hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã của cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã, có trên 3,8 triệu là nông dân. Nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững. Tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã giảm từ 5% đến 10%, doanh thu tăng thêm 15% đến 20%. Lợi nhuận cũng cao hơn từ 10% đến 12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong hợp tác xã.

“Chuỗi giá trị sản phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với các hợp tác xã. Và ngược lại, kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng ở khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Câu chuyện sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là yêu cầu mới với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong việc tham gia tạo dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững”, bà Cao Xuân Thu Vân khẳng định.

Phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; nhu cầu hỗ trợ và đề xuất giải pháp đột phá để các hợp tác xã tham gia phát triển bền vững chuỗi giá trị, các đại biểu cho rằng, hoạt động của các hợp tác xã trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thụ động, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước; tỷ lệ các hộ tham gia liên kết sản xuất còn thấp; sự liên kết còn chưa chặt chẽ; khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ về liên kết chuỗi, tín dụng và đầu tư cơ sở hạ tầng…

Các đại biểu đề nghị, cần tăng cường thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, tham gia phát triển bền vững chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, hợp tác công – tư để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chuyển đổi phương thức sản xuất; tạo động lực để khu vực kinh tế tập thể bắt kịp và vươn lên so với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường, nhất là về hạ tầng, công nghệ, vốn, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

“Quy hoạch lại các hợp tác xã để tập trung vào những thế mạnh theo từng lĩnh vực, vùng miền để tạo nên những giá trị cạnh tranh “cốt lõi”. Cần có chính sách khuyến khích hình thành các hợp tác xã có quy mô lớn về số lượng xã viên, đây cũng là đặc thù rất quan trọng để phát triển các hợp tác xã. Mong muốn Liên minh hợp tác xã cùng các Bộ, ngành bằng những cam kết có giá trị pháp lý được Chính phủ cho phép và phù hợp với những yếu tố pháp luật hình thành những hệ thống chuẩn mực chung cho hàng hóa nông sản có tham gia của các hợp tác xã vào chuỗi cung ứng nông sản”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Tổ chức phát triển hợp tác xã Hà Lan Agriterra tại Việt Nam cũng cho rằng, các hợp tác xã cần chủ động hợp tác, chia sẻ và tiếp cận những cơ chế, chính sách trong hỗ trợ kinh tế tập thể và hợp tác xã:  “Về chuỗi giá trị cần tập trung vào phân tích các tác nhân chính mà ở đó phải tôn trọng vai trò của các bên tham gia và liên quan để làm sao phân chia lợi ích một cách cân bằng.  Chúng ta thừa nhận vai trò của thương lái nhưng thời gian tới hợp tác xã cũng g cần phải lớn mạnh để chiếm thế chủ động. Bên cạnh đó, còn có các tác nhân phụ trợ như: các Cục, Vụ Viện, Trung tâm đào tạo, ban, ngành, các trung tâm Logistic cũng như các tổ chức tài chính và cuối cùng là môi trường chính sách”.

Khẳng định vai trò quan trọng của thành phần kinh tế tập thể, hợp tác xã đối với phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và trong cơ cấu nền kinh tế của đất nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, trong bối cảnh mới hiện nay, kinh tế tập thể, hợp tác xã phải nhận thức rõ, chủ động vươn lên, chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy và hành động; phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi xanh và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị.

Các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các tổ chức kinh tế hợp tác, các đối tác tham gia liên kết cần quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13; các quy định của Luật hợp tác xã năm 2013; các chính sách, pháp luật liên quan, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo để tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Về liên kết phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; củng cố, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách; tổng hợp, cân đối các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo yêu cầu tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực hiện từng giai đoạn…

Phó Thủ tướng lưu ý, các hợp tác xã, các doanh nghiệp với vai trò là cầu nối, chủ thể dẫn dắt của chuỗi liên kết phải chủ động tăng cường năng lực quản lý, điều hành, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết theo hướng công khai, minh bạch, nhận thức rõ và thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia chuỗi liên kết; trao đổi, thương lượng và thống nhất giải quyết, chia sẻ những khó khăn và rủi ro bất khả kháng trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết.

“Phải đảm bảo uy tín, công khai minh bạch, mà quan trọng nhất phải giữ uy tín. Nếu không có cơ chế xử lý sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong liên kết. Ở khâu người chủ trì trong khâu liên kết phải bảo đảm được những yếu tố này và quyền lợi của các bên cũng phải được đáp ứng. Liên kết là phải làm thế nào để người ta hiểu là làm 1 mình không tốt bằng tham gia vào chuỗi liên kết sẽ tốt hơn khi đó sẽ là thành công. Giải quyết những vấn đề này sẽ là “chìa khóa” để mở ra trong chuỗi giá trị, lợi ích được chia sẻ. Phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế nhân dân được hưởng và những người tham gia đóng góp, trong đó hầu hết là nông dân”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu.

Từ khóa: chuỗi giá trị, phát triển bền vững, kinh tế tập thể, hợp tác xã, Diễn đàn hợp tác xã Quốc gia, Liên minh hợp tác xã

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: minh long/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan