Phố giữa rừng cao
Cập nhật: 01/02/2020
Khẩn trương rà soát, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm khai thác IUU
Kim Long Motor Huế hợp tác với tập đoàn ô tô Trung Quốc sản xuất xe du lịch
VOV.VN - Những ngôi làng dáng phố xuất hiện ngày càng nhiều ở huyện vùng cao biên giới Tây Giang, Quảng Nam, cuộc sống người dân cũng dần khấm khá.
Dưới tia nắng mai ấm áp, những dãy nhà sàn trong ngôi làng Tà Vàng nép mình bên sườn đồi, thoắt ẩn, thoắt hiện dưới làn sương mỏng trông thật bình yên. Con đường dẫn vào làng thảm bê tông phẳng lì, sạch bóng. Điều khiến mọi người ngỡ ngàng là làng nào cũng gắn bảng tên và nhà nào cũng có số; xen giữa vài căn nhà lại bắt gặp những thùng chứa rác màu xanh của Công ty Môi trường Đô thị.
Nhà Gươl, nơi tập trung các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của người dân. |
Thói quen đổ rác theo giờ đã ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con. Ngay giữa làng là nhà Gươl (Nhà sinh hoạt cộng đồng) tập trung khá đông bà con, mọi người tất bật sửa soạn bữa tiệc liên hoan mừng năm mới, tiếng cười nói râm ran. Anh A Lăng Nhen vừa phụ mấy chị em nấu nướng, vừa khoe, mấy năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp đầu xuân là làng tổ chức gặp mặt dân làng.
"Bà con ở đây bây giờ sướng hơn rồi. Gia đình nào cũng có nhà cửa ổn định, sạch sẽ, có internet, có wifi, phương tiện giống như ở thành phố, có việc gì thì gọi điện thoại cũng dễ, nhà nào cũng có số, có nhà vệ sinh xanh, sạch đẹp, có bể nước.... Người dân ở đây cũng làm đủ nghề - làm ruộng, trồng keo, cao su, nói chung cũng đủ ăn. Thôn ni cũng gần hết hộ nghèo rồi. Trước đây nhà cửa làm bằng tre, nứa, mưa gió sợ nhất là sạt lở vùi lấp nhà", anh A Lăng Nhen nói.
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi anh shipper xuất hiện trước ngôi nhà số 46. Thấy bóng người giao hàng, chị A Lăng Thị Úi từ trong bếp chạy ra đưa tiền rồi nhận lấy hàng. Chị Úi giải thích, khi cần mua gì, từ đồ dùng sinh hoạt hay quần áo, giày dép… cứ gọi shipper là có hết. Cuộc sống của người dân làng này chả khác gì dân thành phố.
Nơi đây, sóng điện thoại di động, mạng internet… phủ khắp mọi nhà. Chị Úi khoe rằng, trai gái trong làng Tà Vàng, xã A Tiêng đều dùng điện thoại thông minh; nhiều nhà gắn cả hệ thống phát wifi trong nhà mình để vào mạng tra cứu, tìm kiếm thông tin, đọc báo, nghe đài, xem phim…
"Từ khi có mạng wifi tiện lợi lắm. Mình chỉ cần gõ thì hàng giao tận tay là có người chuyển hàng tới tận nhà. Như hồi xưa là phải đi chợ khó khăn, đi xa nữa. Có Internet thì nắm được thông tin trong nước, xem được phim hay, muốn nghe Đài cũng dễ hơn", chị Úi cho biết.
Nhờ có mạng internet, cuộc sống của bà con thuận tiện và hiện đại hơn. |
Anh Đinh Dương, một shipper ở huyện Đông Giang cho biết, bây giờ làng nào cũng có tên, nhà nào cũng có số nên việc ship hàng rất thuận tiện.
"Khách đây cũng nhiều. Mình chạy tuyến Tây Giang, từ thị trấn xuống A Vương, Bhalêê, A Nông, xã Giang, xã Lăng. Làm theo công ty giao hàng tiết kiệm. Họ thích mua gì thì lên mạng đặt hàng qua facebook, zalo... rồi mình giao trực tiếp cho họ. Nói chung khắp huyện Tây Giang hầu hết quy hoạch theo mô hình chung, có nhà xung quanh rồi nhà truyền thống ở giữa nên cũng thuận lợi cho việc giao hàng", anh Dương nói.
Việc gắn biển tên làng, đánh số nhà là cách làm rất riêng của huyện miền núi cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. A Tiêng là xã đầu tiên của huyện này thực hiện thí điểm gắn biển tên làng trên hình vẽ cách điệu ngôi nhà Gươl truyền thống của đồng bào Cơ Tu từ năm 2009.
Đến nay, những ngôi làng phố trên núi như thế này xuất hiện ngày càng nhiều ở huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Điều này không chỉ giúp địa phương thuận tiện trong công tác quản lý hành chính mà còn là niềm vui của đồng bào về sự đổi thay nhanh chóng trên quê hương, làng bản của mình.
Ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam khẳng định, bức tranh rừng núi Tây Giang hôm nay đã khác xưa, khang trang, sạch đẹp và hiện đại hơn rồi.
"Trước đây người ta chọn mặt bằng nào bằng đẹp tí người ta lập làng; còn tự nhiên thì gồ ghề, phức tạp. Bây giờ chúng ta ủi mặt bằng đẹp như thế thì người ta sắp xếp một cách tự nhiên, trật tự hơn thì rõ ràng bền vững hơn. Và chỗ đó hình thành nên những đô thị mới: có điện, có nước, có trường, có trạm, đặc biệt là có dịch vụ. Ở đó người ta bán cà phê, hàng hóa, phục vụ ngay chính dân của họ", ông Bríu Liếc cho biết thêm.
Bây giờ, những khu phố mới mọc lên giữa núi rừng đã và đang tạo nên diện mạo mới cho khu vực miền núi cao biên giới tỉnh Quảng Nam. Cuộc sống của đồng bào nơi đây từng bước theo kịp bà con miền xuôi. Rừng núi ngày càng khởi sắc và bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu luôn được gìn giữ, hội nhập và lan tỏa./. Nông dân bàn cách giúp nhau làm giàu
Từ khóa: làm giàu, vùng cao, huyện biên giới Tây Giang, Quảng Nam
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN