Phổ cập bơi cho trẻ vì sao vẫn nằm... trên giấy?
Cập nhật: 26/06/2024
Bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em - nguyên nhân, hậu quả và giải pháp phòng ngừa (25/11/2024)
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - trụ cột của phát triển ngành thủy sản bền vững (24/11/2024)
VOV.VN - Dù có nhiều cảnh báo cũng như nỗ lực trong chính sách cùng sự phối hợp từ nhiều bộ ngành nhưng số ca đuối nước ở trẻ vẫn trong tình trạng báo động. Từ đầu năm 2024, đặc biệt từ đầu hè liên tục xảy ra các vụ đuối nước của trẻ em.
Đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ từ 1-14 tuổi ở Việt Nam, và dù có giảm nhưng vẫn còn gần 2000 trẻ đuối nước mỗi năm.
Để giảm số trẻ tử vong do đuối nước, phổ cập bơi cho trẻ đã trở thành mục tiêu của ngành giáo dục và nhiều địa phương. Tuy nhiên vì sao phổ cập bơi cho trẻ vẫn khó thực hiện?
Bà Nguyễn Thị Chiên, Phó trưởng phòng Thể dục Thể Thao cho mọi người, Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến con số 2000 trẻ đuối nước mỗi năm. Có thể kể đến như việc thiếu quản lí, trông coi của người lớn khi môi trường sống xung quanh thiếu an toàn như gần ao, hồ, sông suối, thậm chí chậu tắm hay ang nước cũng có thể trở thành nguy cơ đuối nước với các em ở độ tuổi nhỏ.
Nguyên nhân còn ở việc trẻ em không được hướng dẫn, giám sát chặt chẽ khi tập luyện, vui chơi giải trí dưới nước; do thiên tai bão lũ; do chưa thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông đường thủy.
Bao trùm tất cả có nguyên nhân từ trẻ em chưa biết bơi, thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước.
Luật sửa đổi bổ sung Luật Thể dục thể thao 2018 (Luật TDTT) có quy định về chính sách dành đất đai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và ưu tiên phát triển môn bơi trong nhà trường. Nhưng thực tế, các địa phương trong cả nước hiện nay vẫn rất thiếu bể bơi. Thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2020, chỉ có 0,04% trường học trên cả nước có bể bơi.
Cùng với đó còn hàng loạt khó khăn, vướng mắc do nguồn ngân sách còn hạn chế nên hầu hết đề án/kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước của các tỉnh/thành còn chung chung, chưa cụ thể hoá việc đầu tư kinh phí, cơ sở, vật chất, xây lắp bể bơi tại khu dân cư, trường học, nhà văn hoá, nhà thiếu nhi để đáp ứng nhu cầu học bơi của nhân dân.
“Thậm chí có trường học, cơ sở giáo dục có bể bơi nhưng thiếu nguồn lực đảm bảo, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng vận hành hoạt động của bể bơi đạt hiệu quả dẫn đến tình trạng có bể bơi nhưng không triển khai được công tác phổ cập bơi cho trẻ em, học sinh“, bà Chiên phân tích.
Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã đưa dạy bơi vào nội dung tự chọn từ bậc tiểu học. Điều này theo bà Chiên đã cụ thể hoá Nghị quyết số 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đồng thời là chủ trương phát triển môn bơi trong trường học được quy định tại Luật sửa đổi bổ sung Luật TDTT.
Quy định đưa môn bơi trở thành môn học tự chọn của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng tạo cơ hội cho viêc xã hội hóa hoạt động dạy bơi cho trẻ. Tuy nhiên, nhìn vào quy trình tổ chức dạy bơi theo mô hình xã hội hóa mới chỉ thấy nỗ lực của phụ huynh và giáo viên mà chưa có sự hỗ trợ của xã hội. Ví dụ như việc giảm giá vé vào bể bơi mới chỉ căn cứ theo chiều cao là chưa hợp lý.
“Khoản 7 Điều 11 Luật sửa đổi bổ sung Luật TDTT có quy định trẻ em, HSSV có chính sách được miễn, giám giá vé, giá dịch vụ tập luyện TDTT tại các cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về miễn, giảm như thế nào nên đây cũng là một khó khăn, vướng mắc đối với các địa phương để ban hành quy định cụ thể về chính sách ưu tiên cho trẻ em, học sinh tập luyện TDTT nói chung, môn bơi nói riêng trong các cơ sở thể thao”, bà Chiên chia sẻ thực tế.
Những năm trở lại đây, ở nhiều địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các quận, huyện vào các dịp hè đều có mô hình dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với sự tham gia của các Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao. Bên cạnh đó, theo bà Chiên còn có những tấm gương điển hình cá nhân và tổ chức, đơn vị tại các tỉnh/thành đã chung tay đóng góp, hỗ trợ kinh phí, vật lực, nhân lực để tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em.
Ví dụ về cá nhân có bà Sáu Thia ở tỉnh Đồng Tháp hơn 20 năm dạy bơi miễn phí cho trẻ em; Tổ chức Swim Quảng Nam, Tổ chức Huế Help và nhiều tổ chức Đoàn, Đội, trường học… Ở nhiều vùng nông thôn, căn cứ vào điều kiện thực tế đã linh hoạt, sáng tạo lắp đặt bể bơi di động hoặc sử dụng nguồn nước mở tại khu vực biển, sông, suối, ao, hồ để tổ chức dạy bơi cho trẻ em.
Cục Thể dục Thể thao đang nỗ lực thúc đẩy việc dạy bơi trong cộng đồng, đặc biệt trẻ em bằng việc tích cực triển khai các nhóm nhiệm vụ giải pháp tại Quyết định số 3246 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Tại Lễ khai mạc hè hàng năm, Bộ VHTTDL kêu gọi sự quan tâm của UBND các tỉnh/thành phố, sự chung tay, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước trong việc đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, bể bơi trong các nhà trường, nhà thiếu nhi, nhà văn hóa và trên địa bàn dân cư.
Đồng thời, Cục cũng đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hơn nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tư nhân phối hợp với các trường học đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi và tổ chức các hoạt động dạy bơi phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Với trẻ em chưa biết bơi hoặc đang ở độ tuổi rất nhỏ, theo bà Chiên, ông bà, bố mẹ, thầy cô cần quan tâm giám sát các em khi vui chơi ở những khu vực có ao, hồ, sông suối hoặc cẩn trọng ngay cả với những bể bơi nhỏ của gia đình, chum vại hoặc kể cả chậu tắm chứa nước. Mùa hè, thời gian các em nghỉ học, các gia đình nên tạo điều kiện để con em tham gia các sinh hoạt vui chơi, tập luyện của phường, xã, địa bàn dân cư để tránh việc rủ nhau bơi lội ở những khu vực thiếu an toàn. Và việc để trẻ em tham gia các lớp dạy bơi cùng các kỹ năng phòng chống đuối nước cần được các gia đình quan tâm đầu tư.
Từ khóa: Phổ cập bơi, Phổ cập bơi cho trẻ, dạy bơi lội, đuối nước
Thể loại: Đời sống
Tác giả: ý dịu/vov2
Nguồn tin: VOVVN