VOV.VN - Trong thời gian vừa qua, nhiều TAND tỉnh, thành phố cũng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của TAND tối cao về triển khai phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm.
Ngày 26/4, TAND Tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trực tuyến toàn quốc tháng 4/2024, Chuyên đề “Phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến của TAND cấp cao tại Hà Nội, kết nối trực tiếp trong toàn hệ thống TAND”, được kết nối từ điểm cầu trung tâm – TAND cấp cao tại Hà Nội với điểm cầu thành phần – TAND tỉnh Thái Bình, được truyền trực tuyến đến gần 800 điểm cầu trong toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Thế Lệ, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, việc chọn vụ án trong lĩnh vực mới, đó là “Đăng kiểm” để đưa ra xét xử là hiệu ứng mới trong toàn quốc về loại án này. Điều đó cho thấy rất phù hợp để TAND rút kinh nghiệm chung. Về phần rút kinh nghiệm, ông Nguyễn Thế Lệ cho biết, về mặt hình thức, HĐXX đã tiến hành đảm bảo đúng trình tự, pháp luật tố tụng và một số nội quy, cũng như chủ trương lớn của TAND tối cao… Về mặt âm thanh, ánh sáng được bảo đảm tốt. Đối với các nội dung kháng cáo được HĐXX xét hỏi và Viện kiểm sát, luật sư hỏi, đặc biệt vấn đề tranh tụng đã được làm rõ.
Theo đó, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm bằng hình thức trực tuyến đối với vụ án hình sự “Nhận hối lộ” tại tỉnh Thái Bình. Vụ án do TAND tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm có kháng cáo. Cụ thể, bị cáo Lưu Minh Hải (Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình) bị TAND tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù vì tội "Nhận hối lộ". Tại phiên phúc thẩm, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lưu Minh Hải, giảm án từ 3 năm 6 tháng tù xuống còn 2 năm 6 tháng tù về tội "Nhận hối lộ".
Quá trình tố tụng tại phiên tòa, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Võ Hồng Sơn và HĐXX đã phổ biến và bảo đảm cho bị cáo, bị hại thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định. Những người được triệu tập đến phiên tòa đều được Chủ tọa hỏi để làm rõ những vấn đề còn chưa thống nhất.
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã làm đúng chức trách nhiệm vụ; đã làm rõ và tham gia xét hỏi những vấn đề còn mâu thuẫn, những vấn đề chưa rõ, vấn đề mà HĐXX chưa hỏi để giúp cho HĐXX có cách nhìn nhận khách quan toàn diện trong quá trình giải quyết vụ án.
Các luật sư tham gia phiên tòa đều đánh giá cao phần điều hành phiên tòa của Hội đồng xét xử, đảm bảo quy trình tố tụng, rõ ràng, mạch lạc, khoa học, tạo điều kiện cho các bên đối đáp, trình bày và tranh luận đảm bảo đầy đủ, đúng quy trình tố tụng. Mặc dù là phiên tòa trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo mọi quyền lợi của bị cáo như phiên tòa trực tiếp.
Hoạt động tố tụng tại phiên tòa trực tuyến, quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng đều được đảm bảo. Chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt, các bên đều nghe rõ, nội dung đối đáp được đầy đủ, đúng theo quy định tố tụng, hình thức trang nghiêm.
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã góp phần giảm thấp nhất tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, nâng cao được niềm tin của người dân vào hệ thống tòa án. Nghị quyết 33 của Quốc hội về Tổ chức phiên tòa trực tuyến đã tạo ra bước đột phá trong công tác xét xử, đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng, tiết kiệm thời gian, chi phí xã hội, đảm bảo hoạt động tư pháp từng bước chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp với xu hướng hiện nay. Đây cũng là bước đi cần thiết tiến tới xây dựng Tòa án điện tử. Tính đến nay, có tổng cộng hơn 18.600 vụ án được xét xử trực tuyến tại 757/768 tòa án.
Từ khóa: tòa án, phiên tòa trực tuyến, tòa án nhân dân, hội đồng xét xử