Phẫu thuật thẩm mỹ có phải làm lại căn cước công dân?

Cập nhật: 12/08/2023

VOV.VN - Trong nhiều trường hợp, phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến thay đổi hoàn toàn khuôn mặt tự nhiên ban đầu. Vậy, trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ có phải làm lại căn cước công dân/chứng minh nhân dân hay không?

Hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ đang ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ có các chị em phụ nữ mà ngay cả nam giới cũng đã lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ để làm đẹp, hoặc khắc phục những nhược điểm về hình thức của bản thân. Nhiều người nhờ mẫu thuật thẩm mỹ đã thay đổi gần như hoàn toàn dung mạo ban đầu, khác biệt rất lớn so với hình ảnh, đặc điểm nhận dạng của họ trong các giấy tờ tùy thân, trong đó có thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước đó. Vậy, trong trường hợp này thì người đã qua phẫu thuật thẩm mỹ có phải làm thủ tục để cấp lại thẻ căn cước công dân hay không?

Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định: “1. Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này; 2. Nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác.” (Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3). Đồng thời, ảnh chân dung và đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ cũng là những nội dung được thể hiện trên thẻ Căn cước công dân và được thu thập, cập nhật trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân (Điều 15 và Điều 18). Vì vậy, tại điểm c Khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân năm 2014 đã quy định khi có thay đổi “đặc điểm nhận dạng” là một trong các trường hợp được cấp đổi thẻ căn cước công dân.

Khái niệm thay đổi đặc điểm nhận dạng được hướng dẫn tại điểm a Mục 2 Phần II Thông tư số 04/1999/TT-BCA (C13) ngày 29/04/1999 của Bộ Trưởng Bộ Công an, theo đó:  “Thay đổi đặc điểm nhận dạng là những trường hợp đã qua phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh hình hoặc vì lý do khác đã làm thay đổi hình ảnh hoặc đặc điểm nhận dạng của họ”. Do đó, các trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ Căn cước công dân, thì họ được làm thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước công dân. Trường hợp họ không thực hiện việc cấp đổi thẻ Căn cước công dân thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các giao dịch và thủ tục hành chính liên quan.

Trình tự, thủ tục, thời hạn và nơi làm thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân được thực hiện theo quy định tại các Điều 24, Điều 25 và Điều 26 Luật Căn cước công dân năm 2014, Điều 10 và Điều 11 của Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15/05/2021 của Bộ Trưởng Bộ Công an, cụ thể như sau:

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ

Công dân đến cơ quan Công an có thẩm quyền (theo quy định tại Điều 26 Luật Căn cước công dân năm 2014 và Điều 10 Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15/05/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an) đề nghị được cấp đổi thẻ Căn cước công dân.

Bước 2: Xử lý hồ sơ

Cán bộ Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp đổi thẻ Căn cước công dân thu nhận thông tin công dân: Tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhân dạng; thu nhận vân tay; chụp ảnh chân dung; in phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên; thu lệ phí theo quy định; cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết.

Thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân.

Tra cứu tàng thư căn cước công dân để xác minh thông tin công dân (nếu có).

Xử lý, phê duyệt hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Bước 3: Trả Căn cước công dân

Tùy từng khu vực mà trong thời hạn 07 ngày làm việc đối với khu vực thành phố, thị xã; 20 ngày làm việc tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo và 15 ngày làm việc tại các khu vực còn lại thì cơ quan Công an có thẩm quyền sẽ trả thẻ Căn cước công dân và kết quả giải quyết cấp đổi thẻ Căn cước công dân. Trường hợp công dân đăng ký trả thẻ Căn cước công dân đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan Công an lập danh sách, phối hợp với đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát để thực hiện và công dân phải trả phí theo quy định.

Lệ phí đổi thẻ Căn cước công dân là: 50.000 đồng/thẻ theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30/08/2019 của Bộ Tài chính. Riêng từ ngày 01/07/2023 đến ngày 31/12/2023 thì lệ phí đổi thẻ Căn cước công dân chỉ có 25.000 đồng/thẻ theo quy định tại Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29/6/2023 của Bộ Tài chính.

Từ khóa: phẫu thuật, thẩm mỹ, tư vấn luật, tư vấn pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí, tư vấn luật online, phẫu thuật thẩm mỹ, căn cước công dân, căn cước công dân gắn chíp, cccd

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: nguyễn hiền/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập