Phẫu thuật nụ cười cho bé trai “răng môi lẫn lộn, trộn vào nhau”

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Từ ngày 18/11 – 22/11/2024, Bệnh viện E phối hợp với tổ chức Operation Smile và Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức chương trình Vi phẫu quốc tế, tiến hành khám sàng lọc và điều trị phẫu thuật vi phẫu các bệnh lý về ung thư vùng đầu mặt cổ và bệnh lý về dây thần kinh số 7.

Trong số hàng trăm bệnh nhân được khám, có một ca bệnh phức tạp nhất từ trước đến nay; Đó là một cháu bé bị tai nạn pháo nổ cách đây 2 năm, làm hỏng khuôn mặt, bị viêm xương hàm không ăn uống được, phải đưa ống sonde qua dạ dày, từng được mổ cấp cứu ở tuyến dưới nhưng chưa cải thiện được nhiều.

Ca bệnh đặc biệt là bé trai N.T.A (11 tuổi, ở tỉnh Quảng Ninh) đến khám trong tình trạng vùng hàm mặt bị biến dạng, mất tổ chức phần mềm môi trên, dưới, co kéo vùng môi, mũ, không khép được miệng, răng di lệch nhiều.

Năm 2022, cháu N.T.A bị tai nạn pháo nổ, dẫn đến tình trạng vỡ hàm trên, hàm dưới, mất môi trên, môi dưới… từng được phẫu thuật hàm mặt tại tuyến dưới. Biết đến chương trình phẫu thuật nụ cười được tổ chức tại Bệnh viện E, người mẹ gầy gò, lam lũ quyết tâm đưa con trai lên Hà Nội với tâm nguyện tìm lại nụ cười cho con như bao bạn bè cùng trang lứa.

Nhận thấy đây là trường hợp nặng, các chuyên gia đã tiến hành hội chẩn, xác định cháu N.T.A bị khuyết, co kéo nặng tổ chức vùng miệng mặt. Ngay sau đó, bé trai này được chỉ định phẫu thuật giải phóng co kéo, che phủ một phần khuyết hổng bằng vạt vi phẫu. Dự kiến cháu N.T.A sẽ phải trải qua vài ca phẫu thuật nữa.

Chương trình sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật cho các trường hợp người bệnh bị các khối u lớn hoặc ung thư vùng hàm mặt; người bệnh bị khuyết hổng vùng hàm mặt; liệt dây thần kinh số 7.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Văn – Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện E; Trưởng Bộ môn Phẫu thuật Miệng và Hàm mặt, Trường Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, khi người bệnh bị những tổn thương lớn và phức tạp vùng mặt thì việc lựa chọn phương pháp tạo hình vi phẫu tái tạo lại các khuyết hổng cho người bệnh đang là lựa chọn tối ưu và đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Vi phẫu là một trong những kỹ thuật tiến bộ nhất trong tái tạo khuyết hổng vùng hàm mặt trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay.

Nếu như trước đây, nhiều tổn thương vùng hàm mặt rất khó điều trị bảo tồn khi phải phẫu thuật thì hiện nay, với những tiến bộ trong vi phẫu đã mang lại chất lượng điều trị mới. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là ghép nối, khôi phục, bảo vệ các bộ phận cơ thể bị tổn thương.

Đối với những khuyết hổng lớn vùng hàm mặt, khi sử dụng những vạt tại chỗ là không đủ để che lấp những khuyết hổng; Thậm chí có lúc khi lấy những vạt tại chỗ sẽ gây biến dạng vị trí đó. Do vậy, đối với những trường hợp có khuyết hổng lớn, phương pháp tối ưu nhất là đưa những vạt có cuống mạch từ xa lên chỗ khuyết hổng, phẫu thuật viên tạo hình sử dụng kính hiển vi và kỹ thuật vi phẫu để nối mạch máu nhằm tái lập cấp máu nuôi dưỡng vạt da.

Phương pháp này được áp dụng khi điều trị những tổn thương lớn và phức tạp vùng mặt cho người bệnh. Đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi đội ngũ phẫu thuật viên có trình độ chuyên môn cao, tập trung tinh thần cao độ trong quá trình phẫu thuật  vi phẫu thường kéo dài từ 8-10 tiếng, thậm chí có thể lên tới gần 20 tiếng.

Trong quá trình phẫu thuật vi phẫu, các phẫu thuật viên sử dụng kính hiển vi chuyên dụng kết hợp các dụng cụ y khoa mức độ chính xác cao để sửa chữa, bảo tồn từng cấu trúc nhỏ nhất trong cơ thể. Đưa những vạt từ xa có cuống mạch lên vùng có khuyết hổng, sau đó, sử dụng kỹ thuật vi phẫu để nối mạch máu (động mach, tĩnh mạch), dây thần kinh…có đường kính chỉ vài mm, giúp phục hồi lại các khuyết hổng đó bằng các vạt từ xa cho người bệnh.

Với những trường hợp người bệnh bị ung thư vùng hàm mặt, phương pháp vi phẫu được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị, vì việc phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn và ngăn chặn sự phát triển của khối u ung thư là rất quan trọng giúp đảm bảo tính mạng cho người bệnh.

Tuy nhiên, khi phẫu thuật cắt triệt để khối u sẽ để lại khuyết hổng vùng mặt rất lớn, hơn nữa, còn ảnh hưởng đến chức năng ăn uống, nói, thở và thẩm mỹ của người bệnh. Nếu như trước đây, các trường hợp như bị khối u lớn/ung thư vùng hàm mặt sẽ gây nhiều khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị do đa phần người bệnh phát hiện bệnh muộn và đã ở giai đoạn muộn, khối u phát triển lớn, phá hủy nhiều vùng tổ chức, di căn xa… không thể thực hiện phẫu thuật được.

Hiện nay, tại khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện E, đang sử dụng kỹ thuật vi phẫu điều trị cho những trường hợp có tổn thương nghiêm trọng. Các bác sĩ có thể thực hiện tạo hình lại các cơ quan bộ phận ngay trong một lần mổ bằng các vạt tổ chức tự do. Để đảm bảo các chức năng cho người bệnh, phẫu thuật viên đã tạo hình che phủ bằng các vạt da, xương tự do được lấy từ các vùng khác của cơ thể như chân, tay, bụng, lưng, nhằm tái tạo và phục hồi ở những tổn thương, giúp người bệnh phục hồi cả về chức năng và thẩm mỹ.

Hiện tại, vi phẫu là phương pháp có độ chính xác cao, mang lại nhiều lợi ích về kết quả và sự phục hồi của nhiều người bệnh. Kỹ thuật này giúp giảm thiểu thiệt hại cho các mô xung quanh, đồng thời cải thiện độ chính xác của việc sửa chữa nên người bệnh sẽ có thời gian hồi phục nhanh hơn và giảm các biến chứng sau phẫu thuật. Hơn nữa, việc thực hiện các sửa chữa phức tạp trên các cấu trúc rất nhỏ là tiền đề giúp Bệnh viện E thực hiện các ca ghép tạng tại Bệnh viện trong tương lai.

Từ khóa: phẫu thuật, phẫu thuật, phẫu thuật nụ cười, bệnh nhân, bệnh viện e

Thể loại: Xã hội

Tác giả: văn hải/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập