Phát triển xã hội số, cần đào tạo công dân số
Cập nhật: 15/11/2024
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn tại Đông Anh, Hà Nội (25/11/2024)
Phát triển bền vững thương mại điện tử để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số (26/11/2024)
VOV.VN - Muốn phát triển xã hội số thì cần đào tạo công dân số, đó là nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân TP.HCM về đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp, diễn ra ngày 15/11.
Hiện nay, chuyển đổi số của TP.HCM có 3 trụ cột, đó là kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Tại phiên họp, nhiều đại biểu quan tâm đến xã hội số, nhất là việc sử dụng các nền tảng công nghệ số ở các lĩnh vực y tế, giáo dục và đời sống dân sinh. Nhiều đại biểu cho rằng, để phát triển xã hội số phải đào tạo công dân số.
Đại biểu Phạm Đăng Khoa -Trưởng Phòng Giáo dục Quận 3 cho rằng, đào tạo công dân số nên bắt đầu sớm cho học sinh từ trong nhà trường.
Ông Khoa cũng kiến nghị đẩy mạnh đầu tư kinh phí cho các trường học để đào tạo công dân số. Trong đó, cần đầu tư thành lập thư viện số, trung tâm học tập cộng đồng trực tuyến cho người dân thành phố… Đồng thời, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh quản lý, sạch hóa môi trường mạng xã hội.
Khu vực trường học sẽ là nơi đào tạo ra công dân số trong thời gian tới. Bây giờ cũng hơi trễ nhưng Thành phố nên đẩy mạnh đầu tư vào trường học để đào tạo công dân số, học sinh có tư duy số, có tư duy máy tính, hiểu rõ việc đảm bảo an ninh, an toàn trên môi trường số. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững trong thời gian tới.
Về chuyển đổi số ở lĩnh vực giáo dục, ông Nguyễn Bảo Quốc- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, Sở đang tập trung nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin cho các trường, đẩy mạnh cung cấp mạng internet tốc độ cao và kết nối dữ liệu với cơ sở quốc gia. Sở đã chuẩn bị nền tảng để đưa bài giảng số, video học tập, tài liệu tham khảo trực tuyến...xây dựng kho tài nguyên học tập điện tử, để học sinh tiếp cận.
Đồng thời, Thành phố sẽ xây dựng thư viện dùng chung cho các trường. Trong thư viện số này, Sở thí điểm 5 trường và sẽ mở rộng thêm đến 30/4 năm tới sẽ có 50 thư viện số.
Ông Quốc cho biết thêm: Thành phố đã tham gia vào mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO công nhận. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng nền tảng và kết hợp với các đơn vị cung cấp các khóa học trực tuyến và khóa học nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi số trong thời gian tới triển khai đến các trung tâm học tập cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TP.HCM cho rằng, điều quan trọng nhất trong phát triển xã hội số, đó là khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin của người dân. Người dân cần được hướng dẫn để sử dụng hiệu quả, đồng thời đảm bảo an tòan thông tin cá nhân khi chuyển đổi số.
Thành phố cần có giải pháp, đào tạo kĩ năng, kiến thức về an toàn trên không gian mạng cho người dân khi chuyển đổi số. Hiện nay, qua giám sát của Ban Pháp chế -HĐND TP chúng tôi thấy nhiều người dân đã bị lừa đảo qua mạng. Vậy, khi Thành phố chuyển đổi số thì có giải pháp cụ thể hơn để đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng cho người dân như thế nào?
Về việc hướng dẫn, đào tạo để người dân tiếp cận và sử dụng công nghệ số, ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thành phố có 4.000 tổ công nghệ số ở các xã, phường.
Hằng năm, Sở cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn cho người dân cách sử dụng hiệu quả và an toàn về công nghệ số. Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai mở rộng, hướng dẫn cho người dân các app công nghệ của Thành phố và dịch vụ công trực tuyến.
Về giải pháp đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng, ông Thành cho biết thêm: "Thành phố đang thực hiện đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống công nghệ thông tin theo mô hình bảo vệ 4 lớp. Đó là lượng tại chỗ, lực lượng chuyên nghiệp, hệ thống an toàn theo cấp độ và đặc biệt là kết nối với các hệ thống giám sát quốc gia. Hiện nay, trung tâm dữ liệu của Thành phố đang được kết nối với hệ thống giám sát an toàn mạng của Bộ Thông tin và truyền thông để phối hợp giám sát và cùng xử lý khi sự cố xảy ra".
Qua 4 năm thực hiện chuyển đổi số, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như như đứng top 5 các tỉnh, thành trong cả nước về chuyển đổi số, là đơn vị duy nhất trong cả nước được nhận giải thưởng ASOCIO của Hàn Quốc dành cho hạn mục Chính quyền số xuất sắc năm 2023. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cũng còn nhiều hạn chế, Thành phố đang đẩy mạnh nhiều giải pháp trong thời gian tới.
Từ khóa: Phát triển xã hội số, cần đào tạo công dân số, công dân số,Hội đồng nhân dân TP.HCM,chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp,đào tạo học sinh,3 trụ cột
Thể loại: Xã hội
Tác giả: lệ hằng/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN