Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Khó thu hút “đại gia“
Cập nhật: 25/09/2019
"Giáo dục sẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam"
Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Togo chia sẻ kinh nghiệm phát triển đất nước
VOV.VN - Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi cần xác định điểm đột phá, cốt lõi và tập trung nguồn lực thực hiện cho được.
Chiều 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảoNghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025.
Ít “đại gia”, nhiều “đại ca”
Là người có thời gian dài gắn bó với đồng bào dân tộc miền núi khi công tác tại Bộ đội Biên phòng, Thượng tướng Võ Trọng Việt- Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN khẳng định diện mạo vùng này thay đổi khá toàn diện nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thời gian qua. Tuy vậy, các chính sách còn manh mún, chưa toàn diện nên mức phát triển ở miền núi thấp, còn nhiều việc phải làm.
“Rất cần thiết có một Đề án tổng thể là rất cần thiết để tập trung chỉ đạo, tập trung nguồn lực, xác định phạm vi. Nhưng theo tôi, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng làm Trưởng đề án chứ ở cấp Bộ trưởng là không ngang tầm vì diện tích và phạm vi điều chỉnh của đề án rất lớn” –ông Võ Trọng Việt nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN Võ Trọng Việt |
Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN một lần nữa nhắc đến việc ở rừng “đại gia thì ít, đại ca thì nhiều” và băn khoăn khi cán bộ được đào tạo cơ bản không gắn bó với địa phương. Do đó, cần có chính sách mạnh mẽ và mục tiêu đặt ra phải có giải pháp thì mới tạo lòng tin.
“Có dự án cứng để thực hiện nhưng cũng cần có cách làm để bà con phát huy được thế mạnh. Vấn đề chính là cách làm, bám bà con để họ thay đổi nhận thức. Còn cứ kiểu đầu tư dự án xong rồi bỏ đó “sống chết mặc bay” thì không ăn thua” – Thượng tướng Võ Trọng Việt thẳng thắn bày tỏ.
Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN cho rằng, có những mục tiêu mà 30 đến 50 năm sau chưa chắc làm được, chưa sát với bà con. Do đó bà con cần cái gì thì chăm lo cái đó, đi từ nhỏ tới lớn. Nguồn lực đầu tư phải căn cứ điều kiện thực tế. Cơ chế chính sách vướng gì thì đề xuất khắc phục để người dân giữ đất, giữ rừng, giữ mối quan hệ và giữ ổn định chính trị.
Cũng là người có gần 40 năm gắn bó với đồng bào Tây Nguyên và Tây Bắc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số “đều “nhất” cả nhưng từ dưới lên” nên việc xây dựng đề án phát triển vùng này được ông đánh giá cao.
Nhấn mạnh đồng bào kỳ vọng nhiều vào đề án, ông Đỗ Bá Tỵ kiến nghị cần tập trung chỉ đạo, làm từng bước vững chắc, khoanh vùng, tập trung vào vùng lõi, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.
“Khó thu hút “đại gia” lên đây vì còn rất nhiều khó khăn. Ta đào tạo nhiều nhưng bao nhiêu người về địa phương đâu, trừ người tâm huyết” – ông Đỗ Bá Tỵ lưu ý.
Chủ nhiệm Uỷ ban TC-NS Nguyễn Đức Hải nói trong báo cáo đã nêu rất nhiều khó khăn, nhưng cũng phải nhìn nhận có cả lợi thế, cứ nghĩ có cái gì đó tự ti quá thì không nên.
“Trước kia nhiều “đại ca” nhưng gần đây rất nhiều "đại gia" doanh nghiệp bắt đầu tìm về miền núi để đầu tư công nghệ, các tập đoàn lớn bắt đầu quan tâm miền núi” – ông Nguyễn Đức Hải nói và nhấn mạnh phải có doanh nghiệp thực sự có tâm, có tiền, có tài vì đồng bào thì sẽ phát triển được.
Chủ nhiệm Uỷ ban TC-NS cũng đồng quan điểm tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm nhưng đi đôi phân cấp mạnh. Bài học của chúng ta vừa qua là phân tán nên chương trình tản mạn không hiệu quả. Do đó, cần xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức rõ ràng.
“Một số mục tiêu hơi tham vọng”
Cho ý kiến vào nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị rà soát kỹ để đảm bảo tính khả thi, tính cụ thể, tránh đưa ra đề án mà thực hiện không được như mong muốn. Theo đó phải xác định rõ quan điểm tập trung vật lực và trí lực để thực hiện cho được. Bởi nhiều khi đưa mục tiêu quá lớn mà không tập trung nguồn lực thì khó thực hiện. Cùng với đó là thu gọn đầu mối, có phân cấp; đi vào khâu cốt lõi, đột phá, vào điểm hiện nay đang yếu nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn về tính khả thi của một số mục tiêu trong đề án |
Đề cập đến nguồn lực cho đề án, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, một số mục tiêu hơi tham vọng, khó thực hiện như đến 2025 đạt 90% giao thông thôn bản kiên cố hoá.
“Nhiều kế hoạch đưa vào rồi nhưng khi bố trí từng năm một mà nhiều điểm còn đuối. Lo Chính phủ không cân đối được chứ còn chính sách với đồng bào dân tộc miền núi khi sang Quốc hội chỉ cho thêm chứ không bao giờ cắt giảm”- ông Hiển nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đánh giá đây là dự án rất lớn, rất quan trọng và rất cần thiết vì nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc, miền núi đã được ban hành, thực hiện song chưa cụ thể, chưa đồng bộ, hệ thống. Tuy vậy, đề án dừng lại ở mức độ nào, tập trung vào nhóm vấn đề gì cần cân nhắc thận trọng.
Lưu ý tính khả thi trong bố trí nguồn lực cho đề án, ông Uông Chu Lưu đồng quan điểm cần xác định thời gian và tầm nhìn để xác định. Ngoài ra, cần thống kê giai đoạn 2011-2020 Nhà nước đã đầu tư cho các chương trình, dự án bao nhiêu, hiệu quả như thế nào để so sánh, cân đối một cách khoa học. Đề án cũng cần đặt trong bối cảnh chiến lược phát triển KT-XH của đất nước.
“Chúng ta rất thấu hiểu khi vùng này có nhiều cái “nhất” như có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất... Định hướng, mục tiêu được đề cập tương đối đầy đủ nhưng giải pháp, tổ chức thực hiện trong đề án còn chưa đầu tư đúng mức” –Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói./.
Kết quả giảm nghèo ở vùng dân tộc miền núi chưa bền vững
Từ khóa: đề án phát triển miền núi, đồng bào dân tộc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN