Phát triển kinh tế giao thông nếu biết sử dụng năng lượng hiệu quả

Cập nhật: 05/02/2021

VOV.VN - Sử dụng năng lượng hiệu quả cho phát triển kinh tế trong ngành GTVT là một nội dung quan trọng trong các chiến lược và quy hoạch của quốc gia.

Ngành Giao thông Vận tải (GTVT) là một trong các hệ thống hạ tầng thiết yếu khuyến khích tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đặc biệt, một hệ thống giao thông thuận tiện góp phần tối ưu hóa và nhanh chóng hơn trong vận tải là giảm thiểu tiêu thụ năng lượng cũng như thời gian tiêu thụ năng lượng. Chính vì vậy, việc sử dụng năng lượng hiệu quả cho phát triển hiệu quả kinh tế trong ngành GTVT là một nội dung quan trọng trong các chiến lược và quy hoạch phát triển của quốc gia.

Tại Diễn đàn “Sử dụng năng lượng hiệu quả phát triển kinh tế giao thông” do Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 5/2 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho rằng, phát triển vận tải tiết kiệm nhiên liệu thời gian qua đã được lồng ghép, thúc đẩy trong chính sách phát triển của ngành GTVT và đã đem lại một số kết quả quả tích cực trong việc tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường ngành GTVT.

Đặc biệt, thực hiện Luật giao thông đường bộ, Luật bảo vệ môi trường, ngành GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện GTVT cơ giới đường bộ ngày càng được tăng cường; mức tiêu chuẩn khí thải được xây dựng theo hướng ngày càng nâng cao.

“Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hệ thống GTVT đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, ngành GTVT đã quan tâm phát triển vận tải tiết kiệm nhiên liệu. Ngành cũng tích cực đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế và kết nối đa phương thức trong vận tải nội địa. Đặc biệt, Bộ GTVT đã ban hành quy định về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống; xe mô tô, xe gắn máy cũng như phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy”, ông Tiến cho biết.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hội kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam, khi bị tình trạng ùn tắc giao thông trong các đô thị diễn ra, sự lãng phí nhiên liệu tăng lên, đồng thời sự ô nhiễm càng gia tăng do khối lượng phương tiện dồn ứ không di chuyển được. Đáng chú ý, hầu hết những loại xe ô tô cũ và xe máy đang lưu hành đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Trong khi đó, nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam còn chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

“Nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Đặc biệt, nhiều phương tiện cũ nát, hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, không chỉ làm lãng phí năng lượng mà còn đe dọa đến sự an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí của các đô thị, đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của người dân”, ông Thái nêu thực tế.

Hướng chuyển đổi phương tiện tốn ít nhiên liệu

Từ thực trạng của hệ thống GTVT ở Việt Nam kinh nghiệm giảm phát thải của một số quốc gia trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, ngành GTVT cần triển khai những giải pháp như quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng GTVT theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái đề xuất, ngành GTVT cần lồng ghép công tác giảm nhẹ khí phát thải nhà kính vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, phát triển GTVT. Cùng với đó, cần ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tài trợ về tài chính cho việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

“Ngành GTVT cần phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp vận tải, lái xe và người tham gia giao thông về các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, như hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch. Đồng thời phải hạn chế, tiến tới giảm dần hàng triệu chiếc xe máy, ô tô cá nhân; hệ thống xe buýt cũng cần được xanh hóa... nhằm xây dựng hệ thống giao thông công cộng xanh, giảm ô nhiễm môi trường", PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) Nguyễn Hữu Tiến cho rằng, cần ưu tiên phát triển phương tiện vận tải hàng hóa khối lượng lớn, ít tiêu tốn nhiên liệu như đường sắt, đường thủy tiến tới hình thành một số doanh nghiệp vận tải hàng hoá đa phương thức có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải hoàn chỉnh đường bộ - đường sắt - đường biển, hoặc đường bộ - đường thuỷ - đường biển.

Đối với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành GTVT, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng quy chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với một số loại phương tiện vận tải, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật ngành. Đồng thời có chính sách khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng trong GTVT.

“Bộ GTVT tiếp tục triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu. Từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Phối hợp với các địa phương thúc đẩy việc chuyển đổi xe buýt, taxi tại các thành phố sang sử dụng CNG, LPG. Kết hợp các nguồn lực tổ chức nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách, lộ trình chuyển đổi  phương tiện giao thông sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng sạch tái tạo góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường”, ông Tiến nói./.

Từ khóa: sử dụng năng lượng, năng lượng sạch, hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, giao thông đô thị

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập