Phát triển kinh tế biển: Không đánh bắt tận diệt, chuyển dần sang nuôi biển
Cập nhật: 04/06/2024
VOV.VN - Phát triển kinh tế biển bền vững cần được xác định ngay từ hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển…
Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ sáng 4/6, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, về các biện pháp bảo tồn thiên nhiên làm đa dạng sinh học biển, từ đó phát triển kinh tế biển bền vững.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, khai thác, sử dụng tài nguyên biển là một thể thống nhất gồm rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nằm trong mục tiêu thực hiện Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững “mạnh về biển giàu từ biển”.
Theo quy hoạch thủy sản, hiện nay chúng ta đã cố gắng chuyển dần từ hạn chế đánh bắt, đánh bắt ở mức độ vừa phải để thủy sản có sự phát triển, tuyệt đối không đánh bắt tận diệt và chuyển dần sang nuôi biển (nuôi trồng thủy sản, hải sản).
“Nhiều địa phương hiện nay đang chuyển dịch từ mô hình khai thác sang nuôi biển. Trong hoạt động đánh bắt cũng được thực hiện theo quy định, các ngư dân tuân thủ không đánh bắt trái phép để tạo điều kiện cho nguồn lợi thủy sản có thời gian phát triển. Khai thác thủy hải sản được thực hiện theo lộ trình, kế hoạch đảm bảo bền vững, bởi khi nguồn hải sản không còn, chắc chắn ngư dân đi đánh bắt sẽ không có lợi nhuận, không có thu nhập nên đây đang là một trong những nghiên cứu trong tổng thể quy hoạch Chiến lược thủy sản”, Bộ trưởng Khánh nói.
Cùng tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan sáng nay cho biết, bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển nằm trong 3 trụ cột của phát triển kinh tế thủy sản Việt Nam, đó là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Vừa qua, Chính phủ cũng đã phê duyệt quyết định về Quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó có phân ra không gian bảo tồn và không gian bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, để vận hành quy định còn liên quan tới nguồn lực và các định chế về tổ chức bộ máy, bởi khi có 1 khu bảo tồn biển cần phải có bộ máy quản lý khu bảo tồn đó. Nhưng hạn chế hiện nay, các Chi cục Thủy sản địa phương, nhất là ở cấp huyện không đủ người cho hoạt động bảo tồn không gian biển, nên Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Bộ Nội vụ nhằm củng cố nguồn lực cho hoạt động này. Trong bối cảnh các nguồn lực hạn chế, chúng ta phải phát huy nguồn lực xã hội và nhiều nơi đã có mô hình tương đối thành công. Bộ NN&PTNT mong muốn những mô hình này sẽ trở thành một xung lực mới cho bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
“Bao nhiêu luật lệ, bao nhiêu hướng dẫn hay bao nhiêu thông thư thậm chí quy định từng kích thước mắt lưới cũng không thể thành công, nếu không có bà con ngư dân. Bà con ngư dân cần xem đây là câu chuyện của mình, trong làng trong xóm, trong cộng đồng khi liên quan đến bảo tồn biển. Hơn nữa, hoạt động bảo tồn do con người tạo ra và duy trì, nếu không tạo ra được sinh kế cho những người xung quanh vùng bảo tồn sẽ không thành công”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Nêu câu chuyện giữ rừng, giữ biển ở Cù lao Chàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đây là một trong những khu bảo tồn biển và trở thành một biểu tượng thành công nhất trong hoạt động quản lý biển ở Quảng Nam. Đây có thể là gợi ý cho các địa phương để có cách tiếp cận khác ngoài nguồn lực nhà nước, đó là tiếp cận nguồn lực từ cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, đề cập đến những hạn chế trong công tác phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về biển và hải đảo, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT đưa ra các giải pháp khắc phục, để hoạt động này ngày càng thiết thực hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm trong hoạt động đánh bắt trái phép.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, theo Luật Tài nguyên biển và hải đảo, Bộ TN&MT cũng phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng các địa phương phổ biến Luật Thủy sản, cố gắng để tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân và đặc biệt trong hoạt động khai thác tài nguyên biển.
“Công tác phổ biến pháp luật, ý thức trách nhiệm của người dân rất quan trọng, do đó cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc để cùng tuyên truyền phổ biến pháp luật. Bộ TN&MT đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam trực tiếp là phối hợp với các địa phương để phổ biến, phổ biến pháp luật, chính sách nhà nước trong công tác này”, Bộ trưởng Khánh khẳng định.
Theo Bộ trưởng Khánh, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện kịp thời những sai phạm, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra đánh bắt hải sản trái phép không đúng với quy định. Bộ TN&MT cũng phối hợp với Bộ NN&PTNT cũng với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về nội dung liên quan đến việc đánh bắt.
“Quy hoạch thủy sản mới được Chính phủ ban hành có định hướng sẽ tập trung vào những không gian nuôi biển, nhất là nuôi xa biển. Thay vì sản lượng đánh bắt lớn như hiện nay với nhiều chủng loại có phần mang tính hủy diệt, cố gắng tránh để bị động về môi trường, đánh bắt thủy sản hướng đến tăng tỷ trọng và giá trị thủy sản và đặc biệt tập trung vào quá trình nuôi xa biển”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.
Từ khóa: kinh tế biển, kinh tế biển,bảo tồn, khai thác, nguồn lợi thủy sản,chất vấn
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN