Phát triển đô thị Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Cập nhật: 13/03/2024

VOV.VN - Hôm nay (13/3) tại kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông 14 Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Nghị quyết về Chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được nghiên cứu trên phạm vi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quan điểm xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh…

Về quy mô dân số đến năm 2030 dân số toàn đô thị Thừa Thiên Huế khoảng 1.500.000 người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 70%. Đến năm 2045 dân số toàn đô thị khoảng 1.850.000 người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 75%. Tầm nhìn đến năm 2065 dân số tối đa khoảng 2.300.000 người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 77%.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 2 quận, trong đó thành phố Huế hiện hữu chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương; 3 thị xã gồm thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thị xã Phong Điền và 4 huyện gồm Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông.

Từ sau năm 2025 đến năm 2030, thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận gồm: quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương và quận Hương Thủy; 2 thị xã gồm Hương Trà, Phong Điền và các huyện Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc. Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây, gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại III để phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Từ sau năm 2030 đến năm 2045, thành phố trực thuộc Trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 quận, quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà, và thành phố Chân Mây, thị xã Phong Điền và các huyện Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, Phú Lộc…  

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xem xét, quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách tỉnh năm 2023 sang năm 2024; thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn I, II, III; thông qua Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông...

Ông Lê Trường Lưu - Bí Thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương hoàn chỉnh đề án, trình Bộ xây dựng xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, đạt tiêu chí đô thị loại I.

“Đề nghị UBND tỉnh hoàn thiện đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi lấy ý kiến nhân dân để tiếp tục các bước tiếp theo. Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong quý I năm 2024, chuẩn bị tốt các điều kiện trước khi công bố quy hoạch để Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065”, ông Lê Trường Lưu cho biết.

Từ khóa: Thừa Thiên Huế, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế,đô thị Thừa Thiên Huế ,trực thuộc Trung ương,Lê Trường Lưu,Bí thư Tỉnh ủy

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: lê hiếu/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan