VOV.VN - Bí thư Bùi Tiến Sỹ xác định, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là một ngọn lửa nhiệt huyết, qua đó làm nên sức mạnh để “thổi bùng” lên khát vọng phát triển.
Có thể nói, lý tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà con người muốn hướng đến, muốn vươn tới và do vậy mà con người sẽ ra sức phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thậm chí hy sinh quên mình để quyết tâm đạt cho bằng được. Là cán bộ, đảng viên thì không thể không có lý tưởng cách mạng, vì đây là tiêu chí hàng đầu để khẳng định phẩm giá, tư cách chân chính của người cộng sản.
Hướng dẫn các em nhỏ học và làm bài mỗi tối là công việc quen thuộc của Thiếu tá Cầm Bá Thành – Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập (thuộc Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La). Nhiều năm nay, anh vẫn được biết đến là người phụ trách Chương trình “Ươm mầm xanh biên giới - Vững bước tới tương lai”. Chương trình này bắt đầu từ tháng 6/2021 trên cơ sở tiếp nối các chương trình hỗ trợ con em vùng biên trên hành trình kiếm tìm tri thức mà Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã, đang triển khai, như: “Con nuôi biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”…
Trung tá Thành cho hay, hiện nay, đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đang nuôi dưỡng 2 em học sinh tại đơn vị và đỡ đầu 3 cháu khác, trong đó có 1 cháu người Lào; mức hỗ trợ là 500.000 đồng/cháu/tháng trong 9 tháng của năm học cho đến khi các cháu học hết lớp 12. Từ năm 2012 đến nay, đơn vị vẫn duy trì mô hình nấu bữa sáng hàng ngày cho các em học sinh mầm non tại bản Buốc Pát trong mô hình “Bữa sáng cho em”, cũng như hỗ trợ 30 em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Lóng Sập. Kinh phí thực hiện chương trình được trích từ sự đóng góp của cán bộ, chiến sỹ đơn vị và từ nguồn xã hội hoá.
“Không chỉ cá nhân tôi mà cả cán bộ, chiến sỹ Đồng Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đều mong muốn con đường đến trường của các cháu thêm ngắn lại, con đường đến tương lai thì ngày càng rộng mở. Từ đó, chúng tôi đã triển khai một số mô hình hướng vào việc nâng cao dân trí cho các cháu, để các cháu có điều kiện học tập, sau này góp phần xây dựng bản làng quê hương ngày càng giàu đẹp và xây dựng một vùng biên giới ngày càng phát triển”, Trung tá Thành chia sẻ.
Trong bối cảnh đời sống kinh tế của nhiều gia đình ở vùng biên giới còn khó khăn, nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng vì gia đình không có tiền nộp học, việc các thầy giáo mang quân hàm xanh tiếp sức, nâng bước tới trường thực sự đã, đang chắp cánh ước mơ cho nhiều em học sinh vùng khó, giúp sự nghiệp “trồng người” ở vùng biên giới Mộc Châu ngày thêm khởi sắc và đặc biệt là lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng.
Nhiều em học sinh được đỡ đầu đang theo học tại trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Chiềng Sơn (Mộc Châu) chia sẻ, nhà các em rất khó khăn, có em thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở nhờ họ hàng; em thì bố đi tù vì buôn bán ma tuý...các em thường xuyên thiếu tiền nộp học. Được các chú bộ đội hỗ trợ, nên các cháu mới học đến bây giờ....
Thầy giáo Vương Văn Học, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu cũng bày tỏ, việc chung sức vì các em học sinh vùng khó ở Mộc Châu của các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, thuộc Bộ chỉ huy BĐBP Sơn La là việc làm hết sức nhân văn, rất là tốt, bởi giúp đỡ cho rất nhiều em học sinh ở các gia đình có điều kiện học tập tốt hơn, sau này học hành thành đạt, các em sẽ có điều kiện quay trở lại phục vụ cho quê hương, đất nước.
Sinh ra, lớn lên trong một gia đình thuần nông ở bản Bó Bun, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), nhưng với khát khao cháy bỏng về một cuộc sống mới, làm đẹp giàu cho bản làng, quê hương, chàng trai trẻ người dân tộc Thái Là Văn Phong đã từng bước thắp sáng và thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ bằng việc khởi nghiệp từ chính những lợi thế sẵn có ở quê mình.
"Bản thân tôi những ngày đầu đi học đại học thì cũng mong muốn là sẽ có một công việc nào đấy là công chức Nhà nước. Tuy nhiên, khi ra trường, với những nhận định về lợi thế, tiềm năng của biển hồ Sông Đà, chúng tôi đã quyết định trở về và bắt tay vào khởi nghiệp từ phát triển du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La", Là Văn Phong chia sẻ.
Sau 9 năm hoạt động, nhóm khởi nghiệp 3 thành viên ban đầu ấy đã trở thành Công ty Cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel; cơ sơ vật chất là 3 du thuyền 2 tầng với sức chứa từ 30 đến 120 du khách; khu nhà hàng nổi trên mặt nước, Vịnh Uy Phong tổng diện tích 3.000 mét vuông; doanh thu mỗi năm đạt 4 – 5 tỷ đồng...
Trong kế hoạch hoạt động và chiến lược kinh doanh của đơn vị, chàng trai trẻ Là Văn Phong trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty luôn chú trọng việc tạo việc làm, với thu nhập ổn định cho người dân, nhất là lao động trẻ trên địa bàn.
"Ở trên này thanh niên trẻ hầu như đi làm ăn xa hết. Đi làm ăn xa vừa xa gia đình; nhiều cặp vợ chồng có con nhỏ lại phải bỏ để ông bà trông, thật sự rất thương các cháu. Bản thân tôi thì có ý định chỉ tìm việc làm trên này. Cơ duyên là anh Là Văn Phong tạo công ăn việc làm cho. Hồi mới làm cũng khó khăn, về sau cùng cố gắng thì công ty đã phát triển lên", anh Lò Văn Toàn ở bản Pu Khoang, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai cho biết.
Nỗ lực thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết vì cuộc sống cộng đồng, cùng những thành công bước đầu từ mô hình du lịch trên lòng hồ thuỷ điện Sơn La, Là Văn Phong đã trở một trong những tấm gương thanh niên khởi nghiệp điển hình, được tuyên dương tại Chương trình “Khát vọng khởi nghiệp, bừng sáng bản làng” do Đài Tiếng nói Việt Nam và Uỷ ban Dân tộc phối hợp tổ chức.
Không chỉ “Ngày thứ 7 cùng dân”, mà hầu như tất cả các ngày trong tuần, chỉ trừ khi họp, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) Bùi Tiến Sỹ lại xuống các bản, hòa mình vào cơ sở, “xắn tay” hăng hái cùng bà con bạt ta-luy, san nền, cuốc đất, làm bờ kè, hay xây mương… Những lúc như thế, không ai nghĩ bàn tay thoăn thoắt, gương mặt rám nắng với nét mặt tươi vui tràn đầy sức sống ấy là Bí thư Đảng ủy xã. Chị Lò Thị Vượng, hội viên phụ nữ xã Ngọc Chiến chia sẻ, bà con rất vui và tự hào khi có Bí thư năng động sáng tạo, không biết ngày nghỉ, thứ 7, chủ nhật, trời nắng, trời mưa cũng luôn sát sao với dân, luôn đồng hành cùng dân hết bản này sang bản khác vì dân.
Bí thư Bùi Tiến Sỹ xác định, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là một ngọn lửa nhiệt huyết, qua đó làm nên sức mạnh để “thổi bùng” lên khát vọng phát triển.
"Tôi chỉ nghĩ đơn giản mình là cán bộ, đảng viên, làm được gì cho dân thì phải cố gắng làm. Nhân dân luôn đặt niềm tin và mong chờ, thì mình và anh em cán bộ, đảng viên cần cố gắng từ những điều nhỏ nhất để đời sống của nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc".
Vun cây ắt có quả ngọt, nỗ lực vì cuộc sống cộng đồng của người đứng đầu cấp uỷ ở Ngọc Chiến, cùng sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc được phát huy đã biến những điều “không thể” thành “có thể”; người Thái, người Mông xưa vốn sản xuất tự cung, tự cấp, nay đã biết “biến” nông sản thành hàng hóa, biết làm du lịch cộng đồng… đưa Ngọc Chiến trở thành “miền quê cổ tích” với những bản làng trù phú, ấm no và hạnh phúc./.
Để ngọn lửa nhiệt huyết luôn rực sáng và công tác phát triển Đảng ở Sơn La ngày càng khởi sắc, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của cấp ủy đảng các cấp trong việc tạo cơ hội, điều kiện để thanh niên tu dưỡng, rèn luyện, tiếp tục thắp sáng niềm tin, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng, góp sức vì một Việt Nam hùng cường. Nội dung này sẽ có trong bài thứ 3, cũng là bài cuối của loạt bài này. Mời quý độc giả theo dõi.
VOV.VN - Khắc ghi lý tưởng cao đẹp của Đảng và phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, nhiều lớp thanh niên ở tỉnh miền núi Sơn La đã thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết vì cuộc sống cộng đồng bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Tuy nhiên hiện nay một bộ phận người trẻ vẫn chưa sẵn sàng đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Từ khóa: phát triển đảng, sơn la, đảng viên, công tác phát triển đảng, thanh niên, vào đảng