Phát thanh - phương tiện truyền thông không thể thiếu tại Australia

Cập nhật: 13/02/2020

VOV.VN - Phát thanh ngày càng khẳng định được vị thế và là phương tiện truyền thông không thể thiếu trong đời sống người dân tại Australia.

Mọi người có lẽ chưa thể quên thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử vừa diễn ra tại Australia khiến hàng triệu héc-ta đất và rừng bị tàn phá. Cháy rừng đã hủy hoại thế thống cung cấp điện tại một số khu vực. Một số nơi cũng đã bị cô lập hoàn toàn do cháy. Lửa to cùng với gió thổi mạnh và đổi hướng liên tục khiến các đám cháy rất khó kiểm soát. Trong bối cảnh này, nhà chức trách Australia kêu gọi người dân sống trong khu vực nguy hiểm liên tục theo dõi, cập nhật thông tin thường xuyên các phương tiện thông tin đại chúng trong đó có đài phát thanh quốc gia ABC.

phat thanh - phuong tien truyen thong khong the thieu tai australia hinh 1
Ảnh minh họa. Ảnh: Getty

Không chỉ trong thảm họa cháy rừng lần này, khi trận lũ lịch sử càn quét diện tích lên tới gần 1.340.000 km2 tại bang Queensland vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011, đài phát thanh và những cục pin cũng đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người mà nhờ đó họ có thể cập nhật thông tin để có kế hoạch ứng phó phù hợp với sự thay đổi của tình hình.

Đây là hai trong nhiều ví dụ cho thấy khi thảm họa ập đến, điện bị cắt, giao thông bị gián đoạn, phát thanh trở thành phương tiện truyền thông an toàn, bền vững và là chỗ dựa quý giá của người dân.

Không chỉ trong thảm họa, ngay trong đời sống hàng ngày tại Australia, phát thanh vẫn có chỗ đứng trong lòng người dân nước này. Tại Australia, bên cạnh hệ thống các đài phát thanh của nhà nước của tổ hợp truyền thông ABC và SBS còn có sự phát triển mạnh của các đài phát thanh thương mại, đài phát thanh cộng đồng. Ba hệ thống đài phát thanh này đều có vai trò và thính giả của riêng mình.

Theo số liệu thống kê của tổ hợp truyền thông ABC năm 2019, khoảng 30% người dân sống tại 5 thành phố lớn nhất của Australia thường xuyên theo dõi các kênh phát thanh của đài ABC. Số liệu của tổ hợp truyền thông ABC cũng cho thấy các nội dung tin tức trên đài phát thanh ABC được người nghe tải về để nghe lại đạt 26 triệu lần trong 1 năm.

Đối với đài phát thanh cộng đồng. Hiện nay chính phủ Australia đã cấp phép cho 400 đài phát thanh kiểu này hoạt động. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các đài phát thanh cộng đồng, khoảng 1/4 dân số Australia nghe các đài phát thanh cộng đồng hàng tuần và số lượng giờ nghe đạt 15,4 giờ/tuần.

Về phát thanh thương mại, lượng người nghe các đài phát thanh thương mại cao hơn 2 lần so với đài quốc gia ABC. Số liệu thống kê của Hiệp hội các đài phát thanh thương mại Australia cũng cho thấy nhiều con số thú vị. Theo đó, 86,8% thanh niên trong độ tuổi từ 10-17 sống tại 5 thành phố lớn nhất của Australia thường xuyên nghe đài. Đây là lứa tuổi có tỷ lệ nghe đài nhiều nhất trong khi lứa tuổi ít nghe đài nhất là từ 65 tuổi trở lên với tỷ lệ đạt khoảng 66,5%. Đáng lưu ý, số lượng người nghe đài phát thanh kỹ thuật số và nghe trên xe ô tô tăng 107,9% trong 5 năm qua.

Những số liệu này cho thấy trong bối cảnh báo chí, truyền thông và mạng xã hội phát triển đa dạng như hiện nay, với ưu thế của mình, phát thanh vẫn có vị trí của riêng (đôi lúc là không thể thiếu) trong đời sống xã hội hiện đại. Số lượng người nghe trẻ tuổi cao, tỷ lệ nghe đài trong lúc di chuyển cũng tăng dần lên và việc nghe theo nhu cầu không nhỏ cho thấy phần nào tương lai của các đài phát thanh tại Australia.

Điều quan trọng vẫn là các đài phát thanh cho dù là đài nhà nước, đài phát thanh cộng đồng hay đài thương mại, nếu ứng dụng công nghệ phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của người nghe thì thính giả sẽ vẫn luôn sát cánh cùng phát thanh trong mọi hoạt động của cuộc sống./.

Từ khóa: phát thanh, ngày phát thanh thế giới, Australia, phương tiện truyền thông, thảm họa thiên nhiên

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập