Phát thanh góp phần đưa tiếng nói của Đảng đến vùng sâu vùng xa

Cập nhật: 16/06/2020

Sóng phát thanh luôn đóng vai trò quan trọng, đưa chủ trương, chính sách của Đảng nhà nước, đến gần hơn với đồng bào ở những vùng xa xôi hẻo lánh.

Ngày 12/6, Quốc hội thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong sự phát triển chung của khu vực này, sóng phát thanh luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng nhà nước, đưa tri thức, văn hóa nhân loại đến gần hơn với đồng bào ở những vùng xa xôi hẻo lánh nhất. Hành trình ấy đang buộc những người làm phát thanh phải đổi mới hơn mỗi ngày để đưa tiếng nói của Đảng, tiếng nói của quê hương gần gũi thiết thực hơn với đồng bào mình.

Sóng phát thanh luôn đóng vai trò quan trọng, đưa chủ trương, chính sách của Đảng nhà nước, đến gần hơn với đồng bào ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Ảnh: truyenhinhnghean.vn

Mỗi sớm thức giấc,công việc đầu tiên của bà Lưu Thị Tiệp ở Háng Chấu, xã Cai Bộ, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng là mở đài để nghe tiếng nói mẹ đẻ của dân tộc mình và những làn điệu dân ca gắn bó từ thủa thơ bé. Sau hơn 2 tháng phát sóng thử nghiệm, chương trình phát thanh tiếng Tày-Nùng của Đài TNVN đã nhận được hàng vạn lượt phản hồi từ thính giả nghe Đài trên khắp cả nước, từ địa đầu Móng Cái, các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn và cả đồng bào Tày sống ở Tây Nguyên.

“Mỗi buổi sáng thức dậy tôi mở đài nghe chương trình tiếng Tày được nghe tiếng của dân tộc mình trên sóng Quốc gia, tôi cảm ơn chương trình rất nhiều. Tôi mong chương trình sẽ có nhiều thời lượng phát sóng về các làn điệu Then, Sli, Lượn để bà con đi làm đồng về mệt được nghe những bài hát Then, Lượn sẽ cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn...", bà Tiệp cho hay.

Ở những nơi địa đầu Tổ quốc, chiếc radio nhỏ từ lâu đã là người bạn tâm tình với người lính biên phòng mỗi khi tuần tra biên giới. Gần 20 năm gắn bó với đồn A Pa Chải, vùng cực tây của Tổ quốc, người lính biên phòng Lê Văn Thinh vẫn nhớ như in những đêm biên giới lạnh thấu xương, trăng sáng vằng vặc, núi rừng A Pa Chải hiện lên rõ mồn một. Ấy là lúc anh xúc động và nhớ quê hương, cảm nhận rõ nhất giá trị trong từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mình. Tiếng nói từ chiếc radio nhỏ khiến cho bước chân tuần tra biên giới bớt đi phần mỏi mệt.

"Có nhiều đêm chúng tôi đi gác, chỉ cần nghe tiếng radio, được nghe những bài hát quê hương đã cảm thấy ấm lòng, bớt mỏi mệt phần nào", anh Thinh chia sẻ.

Thường xuyên đi đến những vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc để lắng nghe tiếng nói của cử tri, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão nhận định: tại nhiều vùng sâu vùng xa hiện nay, sóng phát thanh vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa thông tin tới bà con.

"Nhiệm vụ của phát thanh là phải có chiến lược dài hơi làm thế nào để phủ sóng toàn diện, nơi mà bà con chưa có điều kiện tiếp cận, thông qua hệ thống loa truyền thanh. Thứ hai, phát thanh phải nắm được thông tin cốt lõi, nhu cầu thông tin của bà con để thông tin ứng dụng, truyền tải kịp thời với bà con. Muốn vậy, Đài TNVN phải có lộ trình phối hợp chặt chẽ để cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc để thực hiện các chiến lược tăng cường vận động bà con vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn để bà con hợp tác kịp thời, nắm bắt được thông tin. Làm sao để bà con đi làm trong rẫy cũng có thể nghe", ông Mão cho hay.

Là đại biểu của dân, đi nhiều nơi , tiếp xúc với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Duy Hứa, đoàn Đắk Lắk cảm nhận rõ rệt vai trò của sóng phát thanh từ thực tiễn chống dịch Covid-19 vừa qua.

"Tôi đánh giá rất cao loại hình phát thanh. Đây là hình thức hiệu quả nhất mang được chủ trương chính sách của Đảng Nhà nước đến với người dân. Điều này thấy rõ nhất trong dịch Covid-19 vừa qua, người dân nhận được ngay chỉ đạo của Chính phủ khi thông điệp được đưa ra. Nhờ đó mà chúng ta nhanh chóng dập tắt được đại dịch", ông Hứa chia sẻ.

Mở rộng vùng phủ sóng tới các vùng sâu vùng xa, đặc biệt là các vùng lõm từ lâu đã nằm trong chiến lược của Đài TNVN. Cùng với đó là chủ trương đưa thông tin về cơ sở qua sóng phát thanh quốc gia. Với chủ trương này, theo Phó Tổng giám đốc Đài TNVN Trần Minh Hùng, Đài TNVN đang phối hợp với một số cơ quan chức năng nghiên cứu sản xuất những loại radio phù hợp với điều kiện của bà con vùng sâu vùng xa.

"Thực hiện mục tiêu đưa thông tin về cơ sở, Chính phủ đã giao Đài TNVN phối hợp với các đơn vị cấp phát radio cho bà con ở các vùng sâu vùng xa để kịp thời tiếp nhận thông tin từ Đảng, Nhà nước tới người dân", Phó Tổng giám đốc Đài TNVN Trần Minh Hùng thông tin.

54 dân tộc anh em là 54 kho tàng văn hóa, nghệ thuật phong phú, nhưng có nguy cơ mai một trước xu thế phát triển của kinh tế thị trường. Kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam tới lớp thính giả trẻ tuổi là một trong những sứ mệnh của làn sóng phát thanh. Qua làn sóng ấy truyền đi thông tin về công cuộc đổi mới kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh trong nước và từ khắp nơi trên thế giới, để ý Đảng đến được gần dân, để bà con cảm thấy ấm lòng khi nghe được tiếng nói của tổ tiên dân tộc mình./.

Mỹ Hà/VOV1

Từ khóa:

Thể loại: Tin hoạt động VOV

Tác giả:

Nguồn tin: R&D