Phát huy giá trị Quần thể di tích Điện Biên Phủ với phát triển kinh tế
Cập nhật: 06/05/2020
HIEUTHUHAI, Long Vũ, Hoàng Hà lọt Top 3 đề cử VTV Awards 2024
Nhà hát Múa rối Thăng Long đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
VOV.VN - Từ du lịch, tỉnh Điện Biên đã giải quyết việc làm cho trên 14.000 người, với khoảng 6.000 lao động trực tiếp và 8.000 lao động gián tiếp.
Quần thể di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với 45 điểm di tích thành phần, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt vào năm 1962.
Từ đó đến nay, tỉnh Điện Biên đã chú trọng việc trùng tu, cũng như bảo tồn, nhằm phát huy các giá trị lịch sử to lớn của quần thể này, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch lịch sử vốn được xem là thế mạnh của địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên kiểm tra tiến độ hoàn thiện bức tranh Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. |
Khi lịch sử hỗ trợ tương lai
Quần thể di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt vào năm 1962, với tổng cộng 45 điểm di tích thành phần.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 7 trọng điểm di tích tại thành phố Điện Biên Phủ được tỉnh đưa vào phục vụ du lịch một cách có hiệu quả, gồm: Bảo tàng Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hầm Dcat Teri, Ðồi A1, Di tích cứ điểm đồi Him Lam, Tượng đài Chiến thắng tại thành phố Ðiện Biên Phủ, Tượng đài kéo pháo tại xã Nà Nhạn, Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ và Bãi duyệt binh mừng chiến thắng tại xã Mường Phăng.
Xác định thế mạnh của các điểm di tích trong phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt là du lịch lịch sử, tỉnh Điện Biên đã đặc biệt chú trọng công tác đầu tư tôn tạo các điểm di tích này.
Được đầu tư, tôn tạo, các điểm di tích lịch sử tại Điện Biên hiện nay đã đáp ứng được với vóc dáng của đô thị hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét trang nghiêm. |
Năm 1999, đúng dịp Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, dự án đầu tư tu bổ cấp thiết chống xuống cấp di tích bắt đầu được triển khai tại một số hạng mục quan trọng, như: Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, hầm Dcat Teri, đồi A1 và cầu Mường Thanh (được thay thế 90% gỗ mặt cầu, đánh rỉ và sơn lại toàn bộ khung sắt).
Đến năm 2003, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 225 về Dự án Tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Đây cũng là đợt tu bổ, tôn tạo quy mô lớn nhất từ khi được công nhận đến nay đối với Quần thể di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Năm 2014, công trình nhà Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ tiếp tục được tu bổ, nâng cấp và được khánh thành đúng vào dịp chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Với quy mô hoành tráng, hiện đại, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đáp ứng phù hợp các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật xứng tầm với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, phù hợp với kiến trúc tổng thể của thành phố Điện Biên Phủ trong giai đoạn hội nhập.
Du khách tham quan hầm Dcat Teri. |
Ngoài các hạng mục bên trong bằng mô hình, khối tượng sinh động, còn có gần 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh… khái quát sắc nét cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta trong 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay đơn vị đang gấp rút hoàn thiện bức tranh toàn cảnh (Panorama) tại tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đây là công trình thuộc giai đoạn II trong đợt tu bổ, nâng cấp của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Theo thiết kế, bức tranh Panorama có chiều cao 20m, dài 130m và được các họa sĩ vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Sau gần 6 tháng thi công, công trình đã hoàn thành 50% khối lượng, tái hiện chân thực không gian, không khí và tạo hình của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong 56 ngày đêm làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
...Tham quan Sở Chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng. |
Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện thời tiết, cảnh quan, giúp khách tham quan có cái nhìn chân thực hơn, tỉnh Điện Biên đã yêu cầu chủ đầu tư thay đổi thiết kế của trần nhà từ khung nhôm thành bức vẽ bầu trời để tạo không gian thoáng, rộng, từ đó tổng thể bức tranh sẽ sáng, đẹp hơn. Ngoài ra, một số bố cục, chi tiết, hình ảnh trong bức tranh Panorama theo thiết kế ban đầu cũng sẽ được thay đổi cho phù hợp, đúng với ý nghĩa của lịch sử.
Nhiều du khách khi đến thăm quan những địa danh lịch sử của Chiến trường Ðiện Biên Phủ đã không khỏi bồi hồi bởi tầm vóc và quy mô hoành tráng của các cụm di tích hiện nay. Các cứ điểm như: đồi A1, Hầm Dcat Teri... được trồng hoa xung quanh, tạo cảnh quan đẹp mắt, nhằm làm dịu đi hình ảnh đau thương, khô khan của chiến trường bom đạn năm xưa, song không làm mất đi tính trang nghiêm và các giá trị lịch sử vốn có.
Với nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử của Quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ gắn với thế mạnh du lịch cộng đồng, chú ý khai thác các nét đặc sắc văn hóa các dân tộc... tỉnh Ðiện Biên đã dần khẳng định vị thế du lịch của mình.
Tham quan kết hợp trải nghiệm thực tế đang tạo làn gió mới cho du lịch lịch sử của Điện Biên, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm lịch sử của du khách. |
Năm 2018, tỉnh Ðiện Biên đã đón hơn 700.000 lượt khách du lịch, số lượng khách quốc tế khoảng 150.000 lượt, cho tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trên 1.155 tỷ đồng. Năm 2019, tỉnh đón hơn 840.000 lượt khách, (trong đó khách quốc tế ước đạt 183.000 lượt); doanh thu từ hoạt động du lịch cũng tăng lên, ước đạt trên 1.366 tỷ đồng (tăng hơn 18% so với năm 2018).
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: những kết quả này cho thấy du lịch Ðiện Biên, đặc biệt là du lịch lịch sử đang ngày càng nhận được sự quan tâm của du khách. Từ du lịch, tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 14.000 người, với khoảng 6.000 lao động trực tiếp và 8.000 lao động gián tiếp.
Toàn tỉnh đã có trên 210 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, với tổng số gần 2.800 buồng/4.880 giường (trong đó có 1 khách sạn đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận hạng 4 sao và nhiều khách sạn đã đạt từ 1-3 sao). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 106 nhà hàng có thể đón, phục vụ cùng lúc từ 120 - 1.200 khách, 10 điểm vui chơi giải trí, tham quan ngoài trời có khả năng đáp ứng nhu cầu vui chơi cho 80.000 lượt khách cùng một lúc...
“Làn gió mới” cho du lịch lịch sử
Nếu như trước đây, du khách đến Điện Biên chỉ thăm quan các điểm di tích, nghe thuyết minh viên giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa của chiến dịch, thì nay việc để du khách trực tiếp trải nghiệm công việc, nhiệm vụ của bộ đội ta trong chiến dịch (1954) đã tạo nên làn gió mới cho du lịch lịch sử của tỉnh. Đây cũng là hình thức du lịch đang được nhiều người quan tâm, lựa chọn khi đến Điện Biên.
Học sinh Trường Phổ thông Song ngữ quốc tế Wellspring(thành phố Hồ Chí Minh)hào hứng tham gia trải nghiệm, tìm hiểu lịch sửtrong không gian mang đậm chất lính. |
Ðể thực hiện mục tiêu hình thành du lịch lịch sử kết hợp trải nghiệm, từ năm 2016, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đã điều chỉnh một số hạng mục tại di tích Ðồi A1; đồng thời triển khai nhiều dịch vụ trải nghiệm thực tế như: “bữa cơm chiến sĩ” - du khách được tổ chức nấu cơm trên bếp Hoàng Cầm; đẩy xe đạp thồ chở hàng hóa; chụp ảnh lưu niệm với bộ đội và dân công…
Cuối tháng 12/2019, 30 học sinh Trường Phổ thông Song ngữ quốc tế Wellspring (TP Hồ Chí Minh) lần đầu tiên đặt chân đến Ðiện Biên. Hành trình trên mảnh đất lịch sử của các em tuy không dài, nhưng thực sự là kỷ niệm khó quên khi được khoác lên mình bộ quân tư trang của người lính để tìm hiểu lịch sử, cảm nhận Ðiện Biên một cách chân thực nhất.
Hành trình bắt đầu với hoạt động thiêng liêng dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1, tham quan các điểm di tích: Hầm Dcat Teri, Ðồi A1, Nhà trưng bày Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ.
Cùng với việc ôn lại những kiến thức lịch sử thông qua phần giới thiệu của thuyết minh viên, các em được tham gia hành quân dọc các tuyến giao thông hào trên Ðồi D1 và trải nghiệm đẩy xe đạp thồ, thử tài làm anh nuôi nấu bếp Hoàng Cầm và thưởng thức “bữa cơm chiến sĩ” trong không gian mang đậm chất lính tại Khu trải nghiệm di tích Ðồi A1...
Đây cũng là cách để các trường học trên địa bàn giúp học sinh có những bài học lịch sử thú vị, bổ ích, dễ nhớ từ những tìm hiểu, trải nghiệm thực tế. |
Cô giáo Ngô Thị Hồng Anh - người dẫn đoàn học sinh Trường Phổ thông Song ngữ quốc tế Wellspring cho biết: Sau khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, các em rất hào hứng. Đây thực sự là chuyến đi bổ ích, các em có thêm nhiều kiến thức thực tế, vun đắp thêm tình yêu, niềm tự hào dân tộc và để lại nhiều tình cảm, suy nghĩ cho cả học sinh và giáo viên trong đoàn.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ cho biết: hiện nay, đơn vị đang nghiên cứu đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên triển khai các hoạt động kết hợp vừa tham quan, vừa trải nghiệm tại tất cả các điểm di tích trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Bảo tàng cũng sẽ xây dựng các tour trọn gói để có thể kết nối, quảng bá tới các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh. Ðồng thời, tiếp tục giới thiệu hoạt động tham quan kết hợp trải nghiệm đến các trường học trên địa bàn, để học sinh có những bài học lịch sử thú vị, bổ ích, dễ nhớ từ việc tìm hiểu, trải nghiệm thực tế.
Việc thổi một “làn gió mới” cho du lịch lịch sử, kết hợp phát huy du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa... đang giúp du lịch Điện Biên ngày càng khẳng định vị thế của mình trong bản đồ du lịch Việt Nam, là điểm đến linh thiêng, giàu ý nghĩa mà hấp dẫn trong hành trình "về nguồn" tìm hiểu giá trị lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu" của du khách gần xa./.
Từ khóa: Điện Biên Phủ, Điện Biên, quần thể di tích, di tích lịch sử
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN