Phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Cập nhật: 04/06/2021
VOV.VN - Lực lượng chức năng tỉnh Sơn La và Đắk Lắk phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Kinh doanh khẩu trang không rõ nguồn gốc, 1 cửa hàng ở Sơn La bị xử phạt 10 triệu đồng
Theo phóng viên VOV-Tây Bắc, Đội quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La vừa phát hiện và xử lý một cửa hàng kinh doanh hơn 12.000 chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Khi đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh của anh Vũ Đức Công tại bản Thẳm, phường Chiềng Sinh, Thành phố Sơn La đã phát hiện cơ sở này đang kinh doanh hơn 12.000 chiếc khẩu trang y tế. Toàn bộ số hàng trên không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ.
Đội quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm. Cơ sở kinh doanh vi phạm cũng bị xử phạt với số tiền 10 triệu đồng.
Phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng và mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Theo phóng viên Nam Trang/VOV-Tây Nguyên, ngày 3/6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và xử lý một cơ sở kinh doanh hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng và mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử và quản lý địa bàn, sáng 3/6, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh tại 85 Đỗ Nhuận, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk do ông Nguyễn Viết Lãm sinh năm 1995, trú tại phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột làm chủ.
Đoàn kiểm tra phát hiện tại đây chứa hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng như thuốc giảm cân; siro hỗ trợ ăn ngon, ngủ ngon cho trẻ em; viên tinh nghệ sữa ong chúa; collagen; bột cần tây… và các loại mỹ phẩm như: kem dưỡng da, sữa tắm, tinh dầu, thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu, son môi…; bánh kẹo, ca cao…
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, hồ sơ tài liệu chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa; cũng như không xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh. Chủ cơ sở cho biết đã nhập toàn bộ số hàng hóa này trôi nổi trên thị trường về kinh doanh chủ yếu trên các nền tảng thương mại điện tử như: Tiki, Shopee và Facebook với tên tài khoản là Thanh Trương - Chuyên mỹ phẩm giá cạnh tranh. Doanh thu mỗi tháng của cơ sở này lên tới hàng trăm triệu đồng.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ hàng hóa để tiếp tục làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật./.
Từ khóa: kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Sơn La, Đắk Lắk
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN