Phân loại xử lý trong vụ Việt Á: Phải công tâm, khách quan và cẩn trọng
Cập nhật: 08/12/2022
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Theo luật sư Hùng, để chủ chương này có thể thực hiện được chính xác và hiệu quả trên thực tế thì đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có sự công tâm, khách quan và cẩn trọng trong việc điều tra, xem xét và đánh giá đối với từng trường hợp cụ thể.
Đại dịch COVID-19 là lần đầu tiên đất nước ta phải đối mặt với dịch bệnh đặc biệt lớn, có quy mô toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân, ảnh hưởng sâu rộng và gây ra những thiệt hại to lớn trên nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong hai năm, nước ta có hơn 43.000 người tử vong, gần 4.500 trẻ em mồ côi. Nỗi đau còn lớn hơn khi cả hệ thống chính trị, các y, bác sĩ, lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu chấp nhận hy sinh với tinh thần "chống dịch như chống giặc", thì nhiều tỉnh, thành có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, gục ngã trước “cơn bão” mang tên Việt Á.
Đây là vụ án điển hình về tham nhũng, tiêu cực, quy mô lớn từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở; nhiều cán bộ bị kỷ luật, khởi tố trong đó có cả Ủy viên Trung ương Đảng.
Vụ việc phức tạp, gây nhiều bức xúc trong công luận
Liên quan đến vụ án này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/12, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, đây là một vụ việc phức tạp, gây nhiều bức xúc trong công luận.
Tính đến ngày 1/12, cơ quan điều tra đã khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 29 bị can. Đồng thời, áp dụng các biện pháp phong tỏa, ngăn chặn các tài khoản giao dịch, sổ tiết kiệm, kê biên tài sản và tạm giữ số tiền mà một số bị can đã tự nộp, trả lại là 1.700 tỉ đồng.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, vì vụ việc này liên quan đến nhiều đảng viên nên ngày 20/10/2022, Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương xử lý tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm trong vụ Việt Á, chia làm 3 trường hợp. Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định, chủ trương này nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời thể hiện tính nhân văn, khoan hồng.
Trước đó, chiều 18/11, tại buổi họp báo thông báo kết quả họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Nguyễn Thái Học – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, vụ án đang được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Vụ án có diện vi phạm rất rộng, nhiều đối tượng, liên quan đến cán bộ, đảng viên nên quá trình xem xét, xử lý đòi hỏi phải khẩn trương nhưng cũng phải thận trọng, đánh giá bối cảnh, tình hình dẫn đến vi phạm và có sự phân hóa.
Theo ông Nguyễn Thái Học, vừa qua Bộ Chính trị có kết luận về chủ trương phân loại trong quá trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên. Kết luận của Bộ Chính trị là cơ sở, đường lối, chủ trương để trên cơ sở phân loại đối tượng nào xử lý nghiêm, đối tượng nào được giảm nhẹ, đối tượng nào được miễn. Còn trong quá trình xử lý hình sự, các cơ quan chức năng phân tích, đánh giá một cách toàn diện vụ án để xác định tình tiết nào tăng nặng, tình tiết nào giảm nhẹ, tình tiết nào là khoan hồng.
Phải công tâm, khách quan và cẩn trọng
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Chủ tịch HĐTV – Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, bên cạnh các hành vi sai phạm với mục đích trục lợi, tư lợi cá nhân, tham nhũng, tiêu cực thì cũng có những sai phạm do khách quan, xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết, khẩn cấp của công tác phòng, chống dịch bệnh và pháp luật chưa có quy định, hoặc chưa có những hướng dẫn, chỉ đạo cần thiết của các cơ quan chức năng mà không có mục đích trục lợi và động cơ cá nhân khác.
Do đó, việc phân loại đối với các trường hợp sai phạm và chủ trương xử lý trong vụ Việt Á nói riêng và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nói chung là cần thiết, sẽ góp phần phân hóa được các sai phạm và cách xử lý phù hợp, vừa đảm bảo được tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật, vừa thể hiện được tính nhân văn, nhân đạo và khoan hồng, đặc biệt là đối với những người không có mục đích trục lợi, tư lợi cá nhân, và những người đã có những đóng góp và công hiến lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo luật sư Hùng, để chủ chương này có thể thực hiện được chính xác và hiệu quả trên thực tế thì đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có sự công tâm, khách quan và cẩn trọng trong việc điều tra, xem xét và đánh giá đối với từng trường hợp cụ thể, phải làm rõ được những nguyên nhân chủ quan và khách quan, động cơ, mục đích, nội dung, tính chất và mức độ vi phạm, đặc biệt là việc có hay không mục đích và hành vi trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác, có việc nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác hay không? Tuyệt đối không để xảy ra việc lợi dụng chủ trương, chính sách này để trốn tránh trách nhiệm, xử lý không đúng, không tương xứng với tính chất và mức độ vi phạm, hoặc bỏ lọt tội phạm.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần phải có sự tổng kết, đánh giá thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19, để có thể kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan, xây dựng được các hành lang pháp lý phù hợp và đầy đủ nhất cho công tác phòng, chống các dịch bệnh hoặc giải quyết, khắc phục các tình huống khẩn cấp khác có thể phát sinh trong tương lai./.
3 trường hợp xử lý vụ Việt Á:
Trường hợp thứ nhất là xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì, kết luận trong phòng chống dịch ở các địa phương; có các hành động can thiệp, tác động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong phòng chống dịch gây hậu quả rất nghiêm trọng; có các hành động thông đồng, hợp thức hóa các hồ sơ mua sắm, đấu thầu vì mục đích trục lợi hoặc vì động cơ cá nhân gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, nhận tiền và lợi ích vật chất khác.
Trường hợp thứ hai là xem xét và giảm nhẹ xử lý đối với các trường hợp vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong đấu thầu, ký kết hợp đồng, hợp thức hóa các hợp đồng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vi phạm này xảy ra trong những trường hợp cấp bách và chưa có những hướng dẫn kịp thời, đầy đủ của cấp trên, không có hành vi trục lợi và động cơ cá nhân khác; đã chủ động và kịp thời báo cáo, cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin, chứng cứ, nghiêm túc kiểm điểm và tự động khắc phục hậu quả; không có thỏa thuận về việc thông đồng nhận hoa hồng, kịp thời báo cáo và nộp lại toàn bộ số tiền và những lợi ích vật chất khác đã nhận cho cơ quan có thẩm quyền; vi phạm do phải chấp hành mệnh lệnh, do chỉ đạo của cấp trên, hoặc những người trên tuyến đầu chống dịch, có những thành tích đáng ghi nhận trong công tác phòng chống dịch.
Trường hợp thứ ba là miễn kỷ luật nhưng yêu cầu phải kiểm điểm nghiêm túc đối với những trường hợp là nghi phạm trong bối cảnh phòng chống dịch cấp bách, không trục lợi và không có mục đích trục lợi cá nhân và gây hậu quả ít nghiêm trọng; đã chủ động kịp thời báo cáo đầy đủ, trung thực, tự giác, nghiêm túc kiểm điểm và tích cực khắc phục cơ bản hậu quả mà vì sai phạm đã gây ra; là những đảng viên thực hiện chức trách nhiệm vụ cấp trên giao.
Từ khóa: Phân loại xử lý vụ Việt Á, Việt Á
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN