Phấn đấu đến năm 2030, Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển của quốc gia
Cập nhật: 23/12/2023
Chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam (21/11/2024)
Đường sắt tốc độ cao – cơ hội cho doanh nghiệp Việt (25/11/2024)
VOV.VN - Kiên Giang là tỉnh thứ 17 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh, mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Kiên Giang trong thời kỳ quy hoạch. Mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm kinh tế biển của quốc gia.
Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/11/2023.
Theo đó, Kiên Giang là tỉnh thứ 17 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh, mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Kiên Giang trong thời kỳ quy hoạch. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm kinh tế biển của quốc gia.
Quy hoạch cũng xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển, trong đó chủ yếu vẫn là phát triển kinh tế biển, mở rộng không gian, đô thị lấn biển. Dự kiến hình thành các dự án lấn biển khoảng 3.800ha tại TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên và các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Kiên Hải.
Không gian phát triển kiến tạo, gắn kết với các hành lang kinh tế quan trọng của vùng, quốc gia của tỉnh Kiên Giang được cấu trúc thành 3 hành lang kinh tế chiến lược gồm: Hành lang kinh tế ven biển Tây dựa trên trục cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, quốc lộ 80, và trục hành lang ven biển Phía Nam; Hành lang kinh tế Bắc - Nam dựa trên trục cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và quốc lộ 80; Hành lang biên giới Giang Thành - Hà Tiên dựa trên trục quốc lộ N1. Trong quy hoạch còn kết hợp với 4 tiểu vùng gồm Vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Tây sông Hậu, vùng U Minh Thượng và vùng hải đảo.
Theo quy hoạch, có hơn 200 dự án thuộc các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh được đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ 2021-2030 để xác định nguồn lực huy động đầu tư toàn xã hội.
Để hiểu rõ hơn về tư duy, tầm nhìn của quy hoạch phát triển tỉnh kiên Giang vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Ngô Kiều Quyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang.
PV: Thưa bà, theo quy hoạch thì việc đẩy mạnh phát triển đô thị hóa và các khu chức năng cũng như phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang sẽ được thực hiện như thế nào đến năm 2030?
Bà Ngô Kiều Quyên: Trong định hình của quy hoạch dự kiến diện tích đất tự nhiên của Kiên Giang hình thành từ những dự án lấn biển sẽ khoảng 3.800ha tại TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên và huyện Kiên Lương, Hòn Đất và huyện đảo Kiên Hải.
Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 34 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại I là TP. Rạch Giá và TP. Phú Quốc, 1 đô thị loại II là TP. Hà Tiên, 1 đô thị loại III là TX. Kiên Lương, 10 đô thị loại IV và 20 đô thị loại V. Quy hoạch đã dựa vào nghiên cứu khoa học để điều chỉnh, bổ sung về phạm vi, quy mô và tính chất để phát huy tổng thể, tổng hợp các tiềm năng của khu kinh tế Phú Quốc và khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. Việc định hướng các khu chức năng tập trung phát triển 5 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp có tính chất đa ngành, chú trọng lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, các công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Du lịch vẫn được xác định là ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn. Quy hoạch đã đưa ra công nhận các khu du lịch tiềm năng gồm: Khu du lịch Đầm Đông Hồ, khu du lịch Mũi Nai, khu du lịch Núi Bình San, khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử, khu du lịch quần đảo Bà Lụa - Ba Hòn Đầm, khu du lịch Ba Hòn (Hòn Me - Hòn Quéo - Hòn Đất), khu du lịch sinh thái quốc gia U Minh Thượng và một số khu điểm có tiềm năng lợi thế.
Việc phát triển du lịch trong quy hoạch xác định không chỉ dựa vào cảnh quan tài nguyên thiên nhiên mà còn phải kết hợp với các điều kiện lịch sử, văn hóa xã hội của từng địa phương.
PV: Vậy sau năm 2030, Kiên Giang được quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội theo chiều hướng như thế nào?
Bà Ngô Kiều Quyên: Quy hoạch cũng xác định sau năm 2030 sẽ thành lập khu kinh tế ven biển Rạch Giá là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành; trọng tâm phát triển về thương mại, dịch vụ, logistics cảng biển, đô thị - dịch vụ - du lịch, công nghiệp biển, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biể, nhằm phát huy tổng hợp tiềm năng, lợi thế của đô thị tổng hợp - chuyên ngành, trung tâm đầu mối về thuỷ sản và cảng hàng không Rạch Giá.
Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Kiên Giang bao gồm khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và khu vực cửa khẩu Giang Thành. Và tầm nhìn chiến lược đến năm 2050, Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế. TP. Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển, đảo đặc sắc với nhiều giá trị khác biệt, đẳng cấp quốc tế.
PV: Thưa bà, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo quy hoạch để tỉnh Kiên giang tập trung triển khai thực hiện là gì?
Bà Ngô Kiều Quyên: Quy hoạch cũng đã đề ra 6 nhóm giải pháp, nguồn lực để triển khai thực hiện quy hoạch, gồm: Giải pháp về huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư là giải pháp quan trọng nhất. Giải pháp thứ hai là về phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về khoa học và công nghệ, môi trường; Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; Giải pháp thứ 5 là về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; Giải pháp thứ 6 về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Các giải pháp này được đưa ra trên cơ sở khoa học và thực tiễn để áp dụng triển khai thực hiện hiệu quả các nhóm công việc được hoạch định trong quy hoạch và tiếp tục được cụ thể hóa bằng kế hoạch triển khai tổ chức, phân công thực hiện, phân kỳ lộ trình theo giai đoạn 5 năm, hàng năm.
PV: Xin cảm ơn bà!
Từ khóa: quy hoạch , quy hoạch, kiên giang, quy hoạch kiên giang, trung tâm kinh tế biển
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: lam hiếu/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN