Phân cấp, phân quyền minh bạch trong quản lý Nhà nước về đất đai
Cập nhật: 20/02/2023
Giao tranh UAV Nga – Ukraine bước sang giai đoạn mới gay cấn hơn
Nga tiết lộ công nghệ đột phá khiến bom lượn trở nên nguy hiểm hơn
VOV.VN - GS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh điều này tại hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Chiều 20/2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, các chuyên gia, nhà khoa học vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Phân cấp, phân quyền minh bạch trong quản lý Nhà nước về đất đai
Góp ý tại hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho biết, nhìn chung dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 20213, đặc biệt là thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đất đai trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 5.
Đề cập về phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong dự thảo luật, ông Trần Ngọc Đường kiến nghị cần viết lại Điều 21 để quy định rõ trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai, những vấn đề nào phải quản lý theo ngành và vấn đề nào phải quản lý theo lãnh thổ, việc gì thuộc thẩm quyền của chính quyền Trung ương, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, những vấn đề gì mà cả Trung ương và địa phương cùng làm. Có như vậy mới hình thành cơ sở để phân cấp, phân quyền minh bạch trong quản lý Nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai quy định ở các chương sau.
Cũng theo ông, thực tiễn đã chỉ ra, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất những năm qua thường xuyên điều chỉnh, thay đổi thiếu ổn định, trong đó không ít trường hợp vì lợi ích nhóm. Liên quan vấn đề này, điều 71 của dự thảo Luật đất đai quy định việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các căn cứ để điều chỉnh quy hoạch quá rộng và thiếu cụ thể nên rất dễ bị lợi dụng và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phê duyệt.
Theo đó, ông đề xuất, thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp tỉnh phải được cơ quan quy hoạch cấp quốc gia cho phép và thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp quận, huyện phải do cấp tỉnh quyết định. Không nên quy định như dự thảo luật, cấp nào có thẩm quyền quy hoạch thì cấp đó quyết định thay đổi, điều chỉnh quy hoạch.
Cho rằng dự thảo luật chưa hình thành một cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật cho rằng, mặc dù dự án luật đã chú trọng đến vai trò của MTTQ các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ và chưa bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý Nhà nước về đất đai.
Theo GS Trần Ngọc Đường, tất cả các khâu của quản lý nhà nước về đất đai, từ khâu sử dụng của người sử dụng, điều tra đánh giá đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi... đều phải có mặt của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước theo hiến định.
“Trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận không nên quy định chỉ một điều như dự thảo luật mà nên quy định trong tất cả các chương”, ông Trần Ngọc Đường nêu ý kiến.
Đảm bảo hài hòa lợi ích đối với người bị thu hồi đất
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, thực tiễn trong quy trình thu hồi đất có những khó khăn, tồn tại dẫn đến xảy ra khiếu kiện phức tạp, đông người, do chưa có đầy đủ quy phạm pháp luật, hoặc còn hạn chế về nhận thức pháp luật, về sự phối hợp chưa đồng bộ trong hệ thống chính trị ở mỗi cấp.
Theo đó, ông Thường đề xuất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác và trách nhiệm giải trình, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, để từng bước hạn chế khiếu kiện bức xúc, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp.
Mức bồi thường bằng tiền cần căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất. Việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi có chỗ ở, có điều kiện sống tốt, bảo đảm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhất là đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, người cô đơn.
Cùng bàn nội dung này, Luật sư Trần Hữu Huỳnh băn khoăn nguyên tắc bảo đảm cho người có đất bị thu hồi có thu nhập bằng hoặc hơn nơi ở cũ.
“Cái khó nhất là thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Hơn nơi ở cũ là thế nào? Thu nhập bao gồm những thu nhập gì. Tôi nghĩ các vấn đề khác dễ đo đếm, riêng vấn đề này nên cân nhắc lại", ông Trần Hữu Huỳnh nêu ý kiến./.
Từ khóa: góp ý dự thảo luật đất đai sửa đổi, Mặt trận Tổ quốc lấy ý kiến về dự thảo luật đất đai, bồi thường đất, kiểm soát quyền lực
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN