Phản bác nghiên cứu về “ích lợi” của đập Trung Quốc trên sông Mekong

Cập nhật: 04/08/2020

VOV.VN - Trung Quốc lập luận rằng các đập của họ trên sông Mekong không gây hại cho các nước Đông Nam Á. Nhưng học giả phương Tây phản bác điều này.

Các đập của Trung Quốc trên sông Mekong bị nhiều người chỉ trích là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán nặng ở các quốc gia hạ nguồn con sông này. Ấy thế nhưng giới nghiên cứu Trung Quốc đang cố chứng minh điều ngược lại: Đập của nước họ không những không gây hạn hán mà còn góp phần hạn chế tình trạng hạn hán đó.

Nghiên cứu của Trung Quốc – hợp tác giữa Đại học Thanh Hoa và Viện Thủy lợi Trung Quốc, cho rằng các đập do Trung Quốc xây trên sông Mekong thực ra lại giúp giảm nhẹ hạn hán thông qua việc trữ nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô.

phan bac nghien cuu ve "ich loi" cua dap trung quoc tren song mekong hinh 1
Sông Mekong cạn khô ở Đông Bắc Thái Lan. Ảnh: VOV.

Thực tế hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu sông Mekong

Sông Mekong là nguồn sống của khoảng 60 triệu người. Sông này bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam.

Truyền thông ở các nước Đông Nam Á nói trên đã phản ánh nhiều về tình trạng hạn hán do các đập Trung Quốc sử dụng nước từ ở thượng nguồn sông Mekong cho thủy điện và tưới tiêu. Các tuyên bố đã được củng cố thêm vào tháng 4/2020 với một báo cáo của tổ chức tư vấn “Eyes on Earth” có trụ sở Mỹ. Báo cáo này kết luận rằng các đập của Trung Quốc giữ lại 47 tỷ mét khối nước. Báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và các nước vùng sông Mekong ngoại trừ Trung Quốc và được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.

Tuy nhiên nghiên cứu của Trung Quốc lại vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác, cho rằng hạn hán là do các yếu tố môi trường, bao gồm nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm.

Nghiên cứu của Trung Quốc lập luận rằng các hồ trữ nước nhân tạo giữ nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô đã giúp giảm nhẹ tình trạng hạn hán dọc theo toàn bộ sông Mekong chứ không riêng gì khu vực thượng nguồn.

Nghiên cứu của Trung Quốc cũng cho rằng chính Trung Quốc mới có nguy cơ hạn hán cao nhất trong các quốc gia Mekong, với tần suất hạn hán ở Trung Quốc lên tới 12% so với 7% ở các nước Mekong còn lại.

Phản bác kết quả nghiên cứu của Trung Quốc

Rất nhiều chuyên gia và nhóm môi trường hiện đang đặt nghi vấn với các phát hiện nói trên của Trung Quốc.

Marc Goichot, người đứng đầu sáng kiến “Nước của Vùng Mekong Mở rộng” của Quỹ WWF (về bảo tồn thiên nhiên), nhất trí rằng tình trạng mưa thất thường là một trong các nguyên nhân gây ra hạn hán nhưng ông đồng thời cho rằng các hoạt động của con người đóng một vai trò lớn.

Brian Eyler, giám đốc chương trình của tổ chức Stimson Centre Southeast Asia (một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington, Mỹ) chỉ ra rằng hạn hán xảy ra cả vào mùa mưa, và báo cáo khoa học của Trung Quốc đã không đề cập điểm này.

Eyler nêu một nghiên cứu của trung tâm của ông, theo đó người ta phát hiện ra rằng các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn (tại Nọa Trát Độ và Tiểu Loan) đã hạn chế 20 tỷ mét khối nước trong khoảng thời gian giữa tháng 7 và tháng 8/2019.

phan bac nghien cuu ve "ich loi" cua dap trung quoc tren song mekong hinh 2
Sông Mekong ở biên giới Thái Lan-Lào. Ảnh: International Rivers.

Theo Eyler, khảo sát này dựa trên các bức ảnh vệ tinh và một công bố của công ty điện China Southern Grid (Trung Quốc) về việc “tối ưu hóa” các con đập. Nghiên cứu dự báo còn có nhiều đợt hạn hán nữa.

Eyler nói: “Ngày nay, hình ảnh vệ tinh cho thấy, các con đập một lần nữa sẽ hướng tới việc hạn chế một lượng nước tương tự từ tháng 7/2020 cho tới hết năm nay... Mực nước trên các khúc chính của dòng sông Mekong một lần nữa đang giảm xuống mức thấp lịch sử”.

Nhà nghiên cứu Sebastian Biba của Đại học Goethe Frankfurt (Đức) cũng cho rằng các đập Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán.

Trái với tự nhiên

Các nhà phân tích cũng đặt câu hỏi với tuyên bố của Trung Quốc cho rằng các con đập trữ nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô là một hình thức bền vững để giảm nhẹ hạn hán cho toàn vùng Mekong.

Eyler – tác giả của tác phẩm “Last Days of the Mighty Mekong” (tạm dịch là “Những ngày cuối cùng của Mekong Mạnh mẽ), cho biết việc thay đổi mùa đóng vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái địa phương. “Việc chuyển đổi tự nhiên từ mùa khô sang mùa mưa và các trận lũ đi kèm tạo ra khoảng 15-20% lượng cá nước ngọt trên thế giới, và bảo đảm an ninh kinh tế cho tất cả các nước ở hạ lưu các dòng sông”.

Trong khi đó nhóm Thai Mekong People’s Network (Mạng lưới Nhân dân Mekong Thái Lan), đã mô tả việc trữ nước để dành cho mùa khô là “không đồng bộ” với tự nhiên, bởi lẽ các cơn lũ là hiện tượng tự nhiên trong mùa mưa.

Thông cáo của nhóm trên gửi cho Đại sứ quán Trung Quốc hồi tháng 7/2019 nêu rõ: “Đây là khi cá và các loài thủy sinh khác bơi ngược dòng tới thượng nguồn sông Mekong để đẻ trứng... Khi các đập thượng nguồn trữ nước trong mùa mưa, sẽ có ít nước chảy xuống hạ lưu, làm đảo lộn chu trình sống của cá, ngăn nước chảy vào các vùng đất ngập nước, từ đó tác động đến người dân và môi trường ở đây”.

Mạng lưới Nhân dân Mekong Thái Lan có sứ mệnh bảo vệ quyền lợi của người dân ở 8 tỉnh Thái Lan bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc Trung Quốc xây đập trên sông Mekong.

phan bac nghien cuu ve "ich loi" cua dap trung quoc tren song mekong hinh 3
Sông Mekong ở Việt Nam. Ảnh: SCMP.

Ngược lại, vào mùa khô, loài chim lại bị ảnh hưởng. Theo Mạng lưới Nhân dân Mekong Thái Lan, các thác ghềnh, tảng đá, và bãi cạn bình thường sẽ xuất hiện vào mùa khô, đáp ứng các nhu cầu sinh thái thiết yếu như là cung cấp nơi đẻ trứng cho hàng triệu con chim. Nhưng do đập Trung Quốc xả nước vào mùa khô nên các loài này mất nơi trú ngụ và bị đảo lộn chu trình sinh sản.

Ngoài ra mức nước thay đổi bất ngờ không theo mùa do các con đập Trung Quốc cũng làm biến mất thảm thực vật, nguồn thức ăn, và thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương.

Thậm chí, theo Mạng lưới nói trên, “các đập còn làm xáo trộn văn hóa và truyền thống địa phương, cướp đi không gian giải trí của họ”.

Gary Lee, giám đốc chương trình của nhóm International Rivers’ Southeast Asia phi lợi nhuận, cho biết, trái ngược với các tuyên bố trong báo cáo khoa học của Trung Quốc, các đập của Trung Quốc như đập Cảnh Hồng (gần phía hạ lưu nhất) ở tỉnh Vân Nam, đã thực sự làm giảm lượng nước được xả ra vào tháng 7 và tháng 8/2019.

Lee nói: “11 đập Trung Quốc trên sông Mekong đã làm xáo trộn dòng chảy của nước ở hạ lưu, các lớp phù sa, và các chất dinh dưỡng thiết yếu, từ đó tạo ra những tác động tai hại lên hệ sinh thái và các nguồn lợi thủy sản quan trọng đối với các cộng đồng dân cư sống ở các nước vùng hạ lưu sông Mekong”.

Một báo cáo chung khác của công ty Amperes (Australia) và Đại học Aalto (Phần Lan) cho rằng cần có thêm bằng chứng thì mới củng cố được luận điểm của nghiên cứu Trung Quốc nói trên.

Theo Amperes và Đại học Aalto, các hồ trữ nước nói trên chủ yếu để sản xuất điện và chưa có bằng chứng khẳng định cách thức vận hành các hồ này có cả nội dung quản lý lũ lụt và hạn hán.

Nguồn lợi từ lũ lụt

Eyler khẳng định, về mặt lịch sử, lũ lụt không bị coi là thảm họa ở vùng Mekong, dựa trên một nghiên cứu của Ủy hội Sông Mekong (MRC) năm 2017. Nghiên cứu này ước tính rằng lũ mùa mưa mang lại lợi ích kinh tế từ 8 đến 10 tỷ USD, còn phần thiệt hại do lũ chỉ chưa đến 70 triệu USD. MRC là một nhóm liên chính phủ có nhiệm vụ cùng quản lý nguồn nước sông Mekong cho Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam.

Eyler cảnh báo: “Như vậy, lợi ích từ dòng chảy tự nhiên lớn hơn thiệt hại, phần lợi ích lớn gấp hơn 100 lần. Dòng chảy tự nhiên của sông Mekong tạo ra an ninh kinh tế cho hạ lưu sông Mekong, và việc Trung Quốc nỗ lực làm trái với tự nhiên thông qua hoạt động của các đập ở thượng nguồn sẽ phá vỡ sự ổn định của vùng Mekong”.

Goichot của WWF cho biết thêm, trữ nước ở thượng nguồn còn gây ra nhiều vấn đề khác như giữ phù sa trên đó.

MRC ước tính rằng lượng phù sa ở con sông này hiện nay đã giảm gần 77% so với đầu thập niên 1990, với hệ lụy là đồng bằng châu thổ sẽ trũng xuống và co ngót lại, còn nguồn cung nước ngọt thì thêm khan hiếm.

MRC chỉ đồng ý với báo cáo của Trung Quốc ở duy nhất một điểm: Hạn hán sẽ gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng.

Sự thiếu minh bạch từ phía Trung Quốc

Biba, tác giả của cuốn sách về “chính trị thủy điện” của Trung Quốc ở Mekong, cho biết việc Trung Quốc lưỡng lự trong chia sẻ dữ liệu thủy văn của sông Mekong cho thấy phía Trung Quốc muốn che giấu điều gì đó.

Goichot thì nói: “Hiện nay Trung Quốc chỉ chia sẻ dữ liệu mùa lũ, chứ không phải dữ liệu về dòng chảy mùa khô hay dữ liệu về phù sa... Khi không có các dữ liệu đó, người ta sẽ phải phỏng đoán và khó tính toán được tác động của các con đập lên dòng chảy hạ lưu...”.

Tại một cuộc họp của ngoại trưởng các nước vùng Mekong vào tháng 2/2020, Trung Quốc cho biết sẽ chia sẻ thông tin thủy văn trong cả năm với các nước Mekong khác và bảo đảm rằng họ sử dụng nguồn nước một cách “hợp lý và bền vững”.

Hồi tháng 4/2020, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cam kết Bắc Kinh sẽ chia sẻ thông tin và hợp tác với các nước Mekong khác để ứng phó với biến đổi khí hậu và các thảm họa lũ lụt./.

Từ khóa: Đập Trung Quốc, đập Trung Quốc trên sông Mekong, phản bác Trung Quốc, hạn hán, nguồn lợi thủy sản

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập