Phải làm sao khi trẻ phớt lờ lời bố mẹ?

Cập nhật: 23/09/2020

VOV.VN -Thật tức giận khi trẻ phớt lờ lời cha mẹ và bạn thì đang muốn chúng làm ngay con bạn dường như không chịu nhúc nhích thì còn bực bội hơn nữa. Dưới đây là 7 bước bạn nên làm khi con phớt lờ lời bạn.

Bạn bảo con cất đồ chơi hay đi đóng cửa nhưng trẻ như không nghe thấy lời bạn. Thật tức giận khi trẻ phớt lờ lời cha mẹ và bạn thì đang muốn chúng làm ngay con bạn dường như không chịu nhúc nhích thì còn bực bội hơn nữa. Dưới đây là 7 bước bạn nên làm khi con phớt lờ lời bạn.

Loại bỏ sự phân tâm khi trẻ phớt lời lời bạn

Điều quan trọng là bạn phải phân biệt giữa sự cố ý thách thức của trẻ và đơn giản là không nghe thấy lời bạn nói. Nếu bạn la hét với con mình khi chúng đang chơi trò chơi điện tử ở phòng khác, chúng có thể quá mải mê với trò chơi nên không nghe thấy bạn gọi. Hoặc nếu bạn bảo trẻ cất xe đạp khi trẻ đang phóng qua lối dẫn vào nhà, chúng có thể không hiểu bạn đã nói gì.

Vì vậy, trước khi bảo con làm gì đó, thì hãy loại bỏ mọi sự phân tâm. Đó là tắt ti vi, gọi tên chúng và thể hiện sự giao tiếp bằng mắt hay đặt tay lên vai trẻ để thu hút sự chú ý của chúng. Sau đó, hãy nói với trẻ rõ ràng về những gì bạn muốn chúng làm. Hãy bảo trẻ thật ngắn gọn, đơn giản với giọng nói quả quyết nhưng nhẹ nhàng như “Hãy nhặt đồ chơi của con lên”, chứ đừng bắt đầu một bài giảng giải dài dằng dặc.

Yêu cầu trẻ lặp lại những gì bạn yêu cầu

Hãy đảm bảo con hiểu những gì bạn đã nói bằng cách yêu cầu chúng lặp lại yêu cầu của bạn. Ví dụ như hãy hỏi con “Được rồi, vậy bây giờ con phải làm gì?” và đợi trẻ giải thích, nhắc lại việc bạn yêu cầu làm như “Con phải giúp mẹ lau dọn nhà cửa” hay “Con phải mặc tạp dề vào để cùng mẹ nấu cơm”.

Bạn nên bảo trẻ nhắc lại rõ ràng yêu cầu của bạn hoặc hỏi chúng xem có bất kỳ câu hỏi nào không. Nếu con bạn có thể lặp lại những gì chúng phải làm thì bạn đã biết rằng chúng hiểu mình phải làm gì rồi.

Đưa ra cảnh báo nếu trẻ phớt lờ

Sau khi bạn hướng dẫn con mình và chắc chắn rằng con đã hiểu thì hãy đợi một chút đề trẻ nhận thức được mình phải làm gì. Tuy nhiên, nếu con bạn không cố gắng làm theo, chúng sẽ phớt lờ bạn. Lúc này, hãy đưa ra cho con bạn một cảnh bảo “Nếu… thì…”. Ví dụ bạn có thể đưa ra lời cảnh báo như “Nếu con không lên lầu và bắt đầu dọn dẹp phòng của mình ngay bây giờ thì tối nay con sẽ không thể dùng máy tính”. Và hãy đảm bảo rằng bạn chắc chắn sẽ thực hiện cảnh báo nếu trẻ không tuân thủ lời bạn nói.

Ngay cả khi con không hoàn toàn phớt lờ bạn nhưng có thể chúng chần chừ chưa muốn làm ngay. Nếu con bạn nói điều gì đó như: “Con biết rồi” hoặc “Lúc nữa con sẽ làm việc đó” thì hãy đưa ra cảnh báo cho chúng. Dạy con bạn rằng chúng cần làm theo hướng dẫn của bạn khi bạn đưa ra chứ không phải theo lịch trình riêng của chúng.

Làm theo cảnh báo bạn đã đưa ra cho trẻ

Chờ khoảng 5 giây nữa sau khi bạn đưa ra cảnh báo xem trẻ có làm theo những gì bạn yêu cầu không. Nếu con bạn không làm theo, hãy làm đúng những gì mà bạn đã cảnh báo chúng nếu phớt lờ lời bạn. Hãy thử lấy đi một đặc quyền nào đó của chúng, chẳng hạn như đồ chơi yêu thích hay đồ chơi điện tử của con bạn.

Chỉ cần đảm bảo rằng bạn tước bỏ những đặc quyền đó trong một khoảng thời gian ngắn để trẻ biết mình phải làm theo lời cha mẹ nếu muốn có thứ mình muốn. Dọa ném máy tính bảng của con vào thùng rác sẽ không giúp cải thiện hành vi của chúng. Thay vào đó, hãy cất những thiết bị điện tử đi và không cho trẻ sử dụng trong thời gian còn lại trong ngày là cách cảnh báo để chúng biết rằng lần sau không được như vậy.

Lập kế hoạch giải quyết sự phớt lờ của trẻ

Nếu con bạn thường xuyên phớt lờ yêu cầu của bạn, hãy lập một kết hoạch để giải quyết vấn đề này. Hãy thể hiện sự mong đợi của bạn bằng cách nói “Bố/mẹ mong con sẽ làm theo hướng dẫn của bố/mẹ ngay lần đầu tiên bố mẹ yêu cầu”. Sau đó, nếu trẻ vẫn chưa hiểu mình phải làm gì thì bạn hãy giải thích và hướng dẫn cho chúng.

Đối với một số trẻ, những lời khen ngợi và sự quan tâm tích cực là đủ để thúc đẩy chúng hoàn thành tốt công việc bạn giao. Vì vậy nếu bạn nói với con rằng “Làm tốt lắm, hãy tắt ti vi ngay khi bố/mẹ bảo nhé”, chúng sẽ có động lực hơn để lần sau cũng làm vậy.

Xem trẻ gặp vấn đề gì về sức khỏe không

Nếu việc con bạn không chịu lắng nghe xảy ra ở nhiều môi trường, chẳng hạn như ở nhà hay ở trường thì bạn nên lưu tâm xem trẻ có vấn đề về sức khỏe hay không khiến trẻ không nghe thấy lời người khác nói. Liệu con bạn có vấn đề về thính giác không? Kiểm tra thính giác của con nếu chúng gặp khó khăn khi nghe hoặc hiểu những yêu cầu của bạn. Con bạn có gặp khó khăn với khả năng tập trung chú ý không? Nếu con bạn quá tập trung vào những gì chúng đang làm mà chúng không nghe thấy bạn nói hoặc nếu chúng không thể tập trung đủ lâu để làm theo những gì bạn đã nói, có thể trẻ đang gặp một vấn đề tiềm ẩn như rối loạn tăng động giảm chú ý.

Con bạn có vấn đề về nhận thức không? Các vấn đề về phát triển hoặc kém nhận thức có thể khiến trẻ khó xử lý thông tin và hành động trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu bạn nghi ngờ con mình có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc cơ thể tiềm ẩn, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa. Điều quan trọng là phải giải quyết những vấn đề đó trước khi bạn lập kế hoạch giải quyết việc con phớt lờ lời bạn.

Đừng la mắng, cằn nhằn, van xin

Đôi khi, cha mẹ vô tình huấn luyện những đứa trẻ phớt lờ lời của chính cha mẹ. La mắng, cằn nhằn, van xin là một vài điều khiến trẻ phớt lờ bạn. Những bài ca giảng giải dài dòng và đưa ra quá nhiều mệnh lệnh cũng sẽ khiến con bạn ngừng nghe những gì bạn yêu cầu.

Hãy đưa ra những yêu cầu, hướng dẫn trước cho trẻ về những vấn đề quan trọng nhất mà bạn muốn chúng làm. Và hãy tuân thủ một cảnh báo duy nhất mà bạn đưa ra nếu chúng phớt lờ lời bạn nói. Lúc này bạn đưa ra cảnh báo này, lúc khác lại đưa ra cảnh báo khác một cách không nhất quán sẽ dạy con bạn rằng chúng không cần phải nghe trong lần đầu tiên bạn nói.

/.

Từ khóa:

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập